TTCT - Ăn thực phẩm “bẩn”, ăn ít chất xơ, nhiều chất đạm, uống thuốc kháng sinh vô tội vạ đã làm biến đổi các vi sinh vật trong ruột, khiến nhiều người mắc chứng bệnh nguy hiểm và rắc rối này. Để phòng tránh viêm ruột cần phải ăn uống điều độ và đủ chất. Ảnh: DUYÊN PHAN ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết trước đây khi nội soi ruột, ông rất ít gặp những người bị viêm ruột mạn tính, thường là một tuần mới gặp một ca; nhưng hiện nay, ngày nào ông cũng gặp, có ngày gặp 2-3 ca. Còn theo ThS.BS Võ Ngọc Quốc Minh - khoa tiêu hóa Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân tại khoa này, các bác sĩ đều ghi nhận số bệnh nhân mắc bệnh này ngày càng tăng. Một số bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng bệnh nặng bị biến chứng, tử vong. Bệnh do ăn ít rau, trái cây Anh N.V.T., 29 tuổi, ngụ ở TP.HCM, đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám vì thường xuyên bị tiêu chảy. Lần đầu, anh nghĩ do ngộ độc thức ăn. Nhưng cứ từ 2-4 tháng, anh lại bị một đợt tiêu chảy kéo dài khoảng 7-10 ngày. Gần đây, tình trạng tiêu chảy diễn ra dài ngày hơn, mỗi ngày “đi” cũng nhiều hơn. Sau khi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nội soi ruột, bác sĩ chẩn đoán anh mắc chứng bệnh viêm ruột mạn tính. Anh T. kể anh thường ăn những suất ăn rẻ tiền, từ 15.000-20.000 đồng/suất tại những quán nhỏ lề đường. Mỗi bữa ăn chỉ có vài cọng rau, một bát canh lèo tèo rau, có những bữa ăn thấy thực phẩm có mùi. Bác sĩ tư vấn cho biết anh phải bắt buộc thay đổi chế độ ăn: ăn nhiều rau, trái cây hơn, phải tìm cách để bữa ăn đảm bảo thực phẩm sạch hơn, nếu không bệnh của anh dễ tái phát và có thể gây ra những biến chứng. Cũng theo bác sĩ Lưu Phương, ông đã gặp không ít những người trẻ 20-30 tuổi mắc bệnh viêm ruột mà nguyên nhân cũng do từ cách ăn uống như trên. Có nhiều nguyên nhân gây viêm ruột, trong đó có nguyên nhân do ăn các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm có chứa hóa chất không được phép đưa vào trong thực phẩm. Ví dụ, trái dừa được ngâm hóa chất để tẩy trắng nhìn cho đẹp mắt nhưng những hóa chất này ngấm trong nước dừa, khi người uống nhiều trái dừa đã được tẩy trắng này có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột. Hoặc khi ăn rau, trái cây còn dư lượng thuốc trừ sâu, những thức ăn này sẽ làm rối loạn các vi sinh vật nhỏ bé trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, những người tự mua thuốc kháng sinh uống với liều lượng cao sẽ làm hư hại lớp màng bảo vệ ruột cũng gây viêm ruột. Những người uống thêm những thuốc chống viêm bừa bãi không chỉ gây biến chứng trên dạ dày mà còn gây viêm loét ruột già... Theo ThS.BS Võ Ngọc Quốc Minh, bệnh viêm ruột thường gặp ở các nước phát triển; ở các nước nghèo, các nước đang phát triển thì tỉ lệ thấp hơn. Tuy nhiên khi những di dân từ nước nghèo, nước đang phát triển sang nước giàu thì tỉ lệ mắc bệnh này lại tăng lên. Đây là bệnh thường gặp ở đô thị, liên quan đến chế độ ăn, trong đó có thức ăn nhanh. Nguy cơ ung thư ruột già Người bị viêm ruột mạn tính sẽ rất bất tiện, khổ sở khi làm việc, đi chơi vì phải luôn nghĩ đến chuyện sử dụng nhà vệ sinh, thậm chí có người phải sử dụng nhà vệ sinh khoảng 10 lần/ngày. Bệnh nhân hay bị đau bụng, ăn uống không ngon, làm giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh này thường tập trung ở nhóm người từ 30-60 tuổi. Theo bác sĩ Quốc Minh, một người bị viêm ruột mạn tính sẽ dễ bị tiêu chảy kéo dài, dẫn đến suy dinh dưỡng. Có bệnh nhân đến bệnh viện với thân hình ốm nhom, cao khoảng 1,65m nhưng chỉ nặng 37-38kg. Không ít bệnh nhân đến bệnh viện điều trị khi bệnh đã có biến chứng như rò hậu môn, ápxe hậu môn, bị thủng ruột, bị xuất huyết tiêu hóa (đi tiêu ra máu), suy dinh dưỡng. Có những bệnh nhân bị thủng ruột phải mổ đi mổ lại nhiều lần, thậm chí phải cắt hết trực tràng, có những bệnh nhân tử vong do bị xuất huyết tiêu hóa nhưng cầm máu không được. Bác sĩ Quốc Minh nhấn mạnh: đây là một bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi dứt điểm. Bệnh diễn tiến từng đợt, bùng phát, sau đó trở về không có triệu chứng. Mục đích điều trị là cố gắng giữ cho bệnh nhân ổn định càng lâu càng tốt, kéo dài khoảng thời gian không có triệu chứng. Theo các bác sĩ, trong khẩu phần ăn của bệnh nhân viêm ruột mạn tính phải có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, có đầy đủ các vitamin, các khoáng chất, các yếu tố vi lượng bị thiếu hụt. Khi đã mắc chứng bệnh này phải luôn tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân. Người bệnh không thể ăn ba bữa như những người bình thường mà phải chia nhỏ bữa để giúp việc hấp thu dễ dàng hơn. Theo bác sĩ Lưu Phương, chất xơ rất tốt cho sức khỏe cũng như đường ruột, chống táo bón, điều hòa, nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi. Nhưng hiện nay, với lối sống đương đại, những bữa ăn truyền thống ít dần, thay vào đó là những món ăn ở hàng quán, những thức ăn nhanh thường rất ít rau. Và nhiều người Việt đang có thói quen ăn chất đạm nhiều hơn chất xơ. Ăn nhiều loại thịt, cá hơn ăn rau, trái cây. Chính sự thay đổi trong cách ăn uống này đã làm cơ thể thiếu chất xơ, làm đường ruột của những người bình thường trở nên không tốt. Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng thích ăn các loại thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên... Những món ăn này đều không có lợi cho sức khỏe và đường ruột. Cách ăn uống như vậy kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ gây viêm ruột, ung thư ruột già (1 trong 5 loại ung thư phổ biến ở VN). Để đảm bảo chất xơ cho cơ thể, mỗi ngày ăn ít nhất 1-2 phần rau và trái cây, 1 phần rau đương tương với một đĩa rau bình thường, khoảng 100g rau (đã luộc) và trái cây. Đồng thời không ăn đồ chiên, xào, nướng nhiều, không tự ý dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, uống đủ nước (người lớn 1,5 lít/ngày).■ Bệnh do lối sống - khỏe do lối sống Theo Tổ chức Y tế thế giới, 60% các vấn đề sức khỏe và chất lượng sống có liên quan đến lối sống. Hàng triệu người có lối sống không lành mạnh; ăn uống quá nhiều, không khoa học; hút thuốc; uống rượu bia; căng thẳng triền miên; sử dụng Internet quá nhiều... Chúng ta có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe (tâm lý và thể chất), thậm chí tử vong do các bệnh liên quan đến lối sống. Những bệnh do lối sống phổ biến hàng đầu bao gồm: béo phì (ăn uống quá mức), tiểu đường tuýp 2 (do nhiều nguyên nhân, trong đó có môi trường sống, chế độ ăn uống), xơ vữa động mạch, bệnh tim, tăng huyết áp (do ăn mặn), viêm tai ngoài (tiếp xúc với tiếng ồn quá mức), ung thư (do nhiều nguyên nhân), đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (do hút thuốc), xơ gan (do uống rượu), viêm thận (ăn uống không lành mạnh, rượu bia, thuốc lá, lạm dụng thuốc...). Một số thói quen sống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe: Chế độ ăn: là yếu tố lớn nhất trong lối sống và có mối quan hệ trực tiếp với sức khỏe. Ăn quá nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, thiếu chất xơ có thể gây ra béo phì và đây là vấn đề sức khỏe phổ biến ở khu vực đô thị. Lối sống này khiến nguy cơ mắc bệnh tim tăng cao. Tập thể dục: tập thể dục thường xuyên cùng một chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên hệ giữa thường xuyên vận động với cảm giác hạnh phúc. Giấc ngủ: ngủ là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Rối loạn giấc ngủ gây ra nhiều hậu quả về xã hội, tâm lý, kinh tế và sức khỏe. Lối sống có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và giấc ngủ có ảnh hưởng rõ rệt đến tâm lý và thể chất. Tình dục: hoạt động tình dục bình thường rất cần thiết cho một cuộc sống lành mạnh. Ngược lại, trục trặc trong quan hệ tình dục có tác động lớn đến tâm lý và thể chất chúng ta, gây ra nhiều vấn đề trong gia đình hoặc các bệnh liên quan đến tình dục như AIDS. Nghiện: nghiện được coi là một lối sống không lành mạnh. Hệ quả của nghiện thuốc lá hoặc các chất gây nghiện khác liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, hen suyễn, ung thư, tổn thương não. Uống thuốc bừa bãi: tự mua thuốc uống, cho người khác thuốc của mình, uống một loại thuốc dài ngày không theo chỉ định, không tuân thủ lịch trình uống thuốc... cũng được coi là một thói quen không lành mạnh. Một nghiên cứu tại Iran, nơi người dân có thói quen tự đoán bệnh mua thuốc (khá giống VN), khoảng 10% những người tự ý mua thuốc gặp các biến chứng nặng về sức khỏe về sau do bị kháng thuốc. Dành quá nhiều thời gian cho công nghệ: gắn chặt với các thiết bị cầm tay có thể mang lại những hậu quả lớn. Chẳng hạn thức quá khuya để sử dụng máy tính, điện thoại, có thể làm rối loạn giấc ngủ. Nghiện sử dụng điện thoại và mạng xã hội có thể khiến người dùng phát triển các biểu hiện trầm cảm. HỒNG VÂN Tags: Viêm ruột mạn tínhLối sống đương đạiBệnh do ăn ít rauĂn ít trái câyBệnh do lối sống
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra của Bộ Công an HỒNG QUANG 15/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an. Con tàu này hiện được định biên vào đội tàu của Cục Cảnh sát giao thông.
Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Khám chữa bệnh tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế THÀNH CHUNG 15/11/2024 Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
Dù có tình tiết giảm nhẹ mới, bà Trương Mỹ Lan vẫn bị đề nghị tử hình TUYẾT MAI 15/11/2024 Viện kiểm sát cho rằng bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt lớn, dùng thủ đoạn tinh vi. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt.
Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi! THIÊN ĐIỂU 15/11/2024 Về khái niệm người Hà Nội gốc gây tranh cãi và "bất hòa" nhiều năm nay, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói: 'Tốt nhất là nên quên nó đi'.