Ảnh minh họa về xoang phúc mạc (xoang có màu vàng) và phúc mạc (được mô tả bằng mực đỏ và xanh dương đậm). Nguồn: YHCĐ
Viêm phúc mạc là sự viêm của phúc mạc - một màng như lụa trải bên trong thành bụng và phủ các cơ quan trong bụng - thường gây ra bởi sự nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm. Viêm phúc mạc có thể là hậu quả của bất kỳ sự vỡ (hay thủng) hoặc có thể là biến chứng của tình trạng bệnh lý khác.
Viêm phúc mạc đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức để chống nhiễm trùng và nếu cần thiết là để điều trị bất kỳ bệnh lý nền tảng gây ra tình trạng viêm phúc mạc. Phương pháp điều trị viêm phúc mạc thường bao gồm kháng sinh và trong vài trường hợp thì có thể phải phẫu thuật. Nếu không chữa trị, viêm phúc mạc có thể dẫn đến bệnh cảnh nghiêm trọng, sự nhiễm trùng toàn thân có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh.
Nếu bạn đang được điều trị bằng liệu pháp thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) thì bạn có thể phòng chống viêm phúc mạc bằng cách giữ vệ sinh tốt trước trong và sau khi lọc màng bụng.
Triệu chứng
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phúc mạc bao gồm:
- Đau bụng, cảm ứng phúc mạc;
- Chướng bụng hay có thể nói là một cảm giác căng phồng của bụng;
- Sốt;
- Buồn nôn và nôn;
- Chán ăn;
- Tiêu chảy;
- Giảm lượng nước tiểu;
- Khát nước;
- Bí trung tiện hoặc đại tiện;
- Mệt mỏi.
Nếu bạn đang trị liệu bằng lọc màng bụng thì triệu chứng của viêm phúc mạc sẽ kèm theo:
- Dịch lọc đục;
- Xuất hiện những đốm trắng, sợi hoặc nốt (fibrin) trong dịch lọc.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Viêm phúc mạc có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị sớm. Liên lạc ngay với bác sĩ nếu như bạn có đau bụng dữ dội hoặc đau bụng khi sờ ấn hoặc cảm thấy căng tức bụng và có đi kèm với:
- Sốt;
- Buồn nôn và nôn;
- Giảm lượng nước tiểu;
- Khát;
- Bí trung tiện, đại tiện.
Nếu bạn đang điều trị bằng lọc màng bụng thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu dịch lọc đục hoặc có các đốm trắng, sợi hoặc nốt (fibrin) hoặc nó có mùi bất thường, đặc biệt là vùng xung quanh ống đỏ lên hoặc đau.
Nguyên nhân
Sự nhiễm trùng của màng bụng có thể do nhiều nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp là do sự vỡ hoặc thủng của tạng ở trong thành bụng. Tình trạng nhiễm trùng của phúc mạc cũng có thể có mà không có sự thủng của tạng trong bụng, dù cho tình trạng này hiếm hơn. Loại viêm phúc mạc như vậy gọi là viêm phúc mạc nguyên phát.
Những nguyên nhân phổ biến dẫn đên thủng vỡ tạng bao gồm:
- Thủ thuật y tế, ví dụ như lọc màng bụng. Lọc màng bụng sử dụng cái ống để loại bỏ những chất thải từ máu khi thận của bạn không còn khả năng đảm nhiệm đầy đủ chức năng này. Sự nhiễm trùng có thể xảy ra trong lúc lọc màng bụng bởi vùng xung quanh ống không sạch, vệ sinh kém hoặc thiết bị y tế bị nhiễm trùng. Viêm phúc mạc cũng có thể là một biến chứng của phẫu thuật đường tiêu hóa, việc sử dụng những ống nuôi ăn, các thủ thuật rút dịch ổ bụng (chọc dò ổ bụng), hay hiếm hơn là biến chứng của nội soi đại tràng hay nội soi tiêu hóa.
- Ruột thừa vỡ, loét dạ dày hoặc thủng đại tràng. Bất kỳ tình trạng nào vừa nói đều có thể khiến vi khuẩn lọt vào khoang phúc mạc thông qua lỗ thủng trên ông tiêu hóa.
- Viêm tụy. Viêm nhiễm của tuyến tụy bị biến chứng do nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm phúc mạc nếu vi khuẩn lan ra bên ngoài tuyến tụy.
- Viêm túi thừa đại tràng. Sự nhiễm trùng của các túi phồng nhỏ trên đường tiêu hóa (viêm túi thừa) có thể là nguyên nhân của viêm phúc mạc nếu một trong những túi đó vỡ ra làm các chất thải của đường tiêu hóa tràn ra khoang bụng.
- Tổn thương hay vết thương có thể là nguyên nhân của viêm phúc mạc bởi nó làm cho vi khuẩn hoặc chất hóa học từ các phần khác của cơ thể vào trong khoang phúc mạc.
Viêm phúc mạc nguyên phát thường xảy ra do biến chứng của bệnh gan, như xơ gan. Xơ gan tiến triển tạo ra một lượng lớn dịch bên trong khoang bụng (dịch báng). Sự tích tụ dịch này là điều thuận lợi cho sự nhiễm vi khuẩn.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc gồm:
- Lọc màng bụng. Viêm phúc mạc thường gặp phổ biến ở những người đang thực hiện liệu pháp lọc màng bụng.
- Bệnh lý khác. Các bệnh lý sau có thể tăng nguy cơ viêm phúc mạc: Xơ gan, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, loét dạ dày, viêm túi thừa và viêm tụy.
- Tiền sử viêm phúc mạc. Nếu bạn đã từng bị viêm phúc mạc thì khả năng bị lại cao hơn những người chưa từng bị.
Biến chứng
Nếu không điều trị, viêm phúc mạc có thể gây nhiễm trùng ngoài khoang phúc mạc:
- Du khuẩn huyết (vi khuẩn đi vào máu);
- Nhiễm trùng huyết (sepsis). Sepsis diễn biến rất nhanh, đe dọa tính mạng bằng bệnh cảnh shock và suy cơ quan.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm phúc mạc, bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về bệnh sử và tiến hành thăm khám. Khi viêm phúc mạc có liên quan tới lọc màng bụng thì dấu hiệu dịch lọc đục thì đã đủ để chẩn đoán viêm phúc mạc.
Trong trường hợp viêm phúc mạc do các bệnh lý nhiễm trùng khác (viêm phúc mạc thứ phát) hoặc trong trường hợp nhiễm trùng dịch báng (viêm phúc mạc nguyên phát) bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định:
- Xét nghiệm máu. Mẫu máu của bạn sẽ được lấy và gửi tới phòng thí nghiệm để kiểm tra sự gia tăng của bạch cầu. Cấy máu cũng có thể được thực hiện nếu trong máu có vi khuẩn.
- Chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ có thể dùng X-quang để kiểm tra các lỗ hoặc vị trí thủng khác trong ống tiêu hóa. Siêu âm cũng có thể được sử dụng. Trong vài trường hợp bác sĩ có thể sử dụng chụp cắt lớp điện toán thay cho chụp X-quang.
- Phân tích dịch phúc mạc. Bác sĩ sẽ sử dụng một cái kim nhỏ để lấy một mẫu dịch trong khoang phúc mạc (chọc màng bụng), việc này được sử dụng đặc biệt là khi đang tiến hành trị liệu lọc màng bụng hay có dịch trong ổ bụng do bệnh lý gan. Nếu có viêm phúc mạc, khi kiểm tra dịch phúc mạc có thể thấy sự gia tăng bạch cầu, nó là chỉ điểm điển hình cho tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm. Cấy dịch phúc mạc cũng cho thấy sự xuất hiện của vi khuẩn.
Phương pháp điều trị và thuốc
Bạn cần phải nhập viện vì viêm phúc mạc do nhiễm trùng từ các bệnh lý khác (viêm phúc mạc thứ phát). Phương pháp điều trị có thể gồm:
- Kháng sinh: Bạn sẽ được cho một liệu trình kháng sinh để chống nhiễm khuẩn và phòng ngừa việc lan tràn vi khuẩn. Loại thuốc và thời gian trị liệu phụ thuộc vào độ nặng của bệnh và loại viêm phúc mạc bạn mắc.
- Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật thường cần thiết để loại bỏ mô bị nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phúc mạc do vỡ ruột thừa, dạ dày, ruột già.
- Phương pháp điều trị khác. Phụ thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng, phương pháp điều trị trong lúc ở bệnh viện bao gồm giảm đau, truyền dịch đường tĩnh mạch, thở oxy và trong vài trường hợp có thể truyền máu.
Khi bạn đang trải qua trị liệu lọc màng bụng: Nếu bạn bị viêm phúc mạc, bác sĩ có thể khuyên bạn lọc theo cách khác trong một vài ngày trong thời gian cơ thể phục hồi khỏi sự nhiễm trùng. Nếu viêm phúc mạc vẫn tồn tại hoặc tái phát, bạn cần phải ngưng lọc màng bụng hoàn toàn và chuyển sang phương pháp lọc máu khác.
Phòng ngừa
Thông thường, viêm phúc mạc liên quan tới lọc màng bụng do vi khuẩn ở gần catheter. Nếu bạn đang lọc màng bụng, hãy làm như sau để tránh viêm phúc mạc:
- Rửa tay, bao gồm bên dưới móng tay và giữa các ngón tay của bạn, trước khi chạm vào ống thông;
- Làm sạch vùng da xung quanh ống thông với chất diệt khuẩn hàng ngày;
- Lưu trữ các dụng cụ, vật tư lọc màng bụng ở nơi sạch sẽ;
- Đeo khẩu trang phẫu thuật trong lúc thay dịch lọc;
- Không ngủ với thú nuôi;
- Nói chuyện với đội ngũ chăm sóc chạy thận về cách chăm sóc thích hợp cho ống thông thẩm phân phúc mạc của bạn.
Nếu bạn đã có viêm phúc mạc nguyên phát trước đó hoặc nếu bạn có sự tích tụ dịch ổ bụng do một tình trạng bệnh như xơ gan, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để ngăn ngừa viêm phúc mạc. Nếu bạn đang dùng thuốc ức chế bơm proton, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng dùng thuốc.
Nếu bạn có những lần đau bụng mới hoặc tổn thương mới
Viêm phúc mạc có thể là hậu quả của ruột thừa vỡ hoặc chấn thương liên quan tới vết thương bụng.
- Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn bị đau bụng nghiêm trọng mà bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một tư thế giảm đau.
- Gọi 115 hoặc trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn bị đau bụng nghiêm trọng sau một tai nạn hay chấn thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận