Viêm màng não sơ sinh là một bệnh hiếm gặp, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh, thường do các vi khuẩn gây ra, bao gồm liên cầu nhóm B, E. coli và listeria.
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm màng não sơ sinh ở Hoa Kỳ là liên cầu beta tan huyết nhóm B. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, 10 đến 30 % phụ nữ mang thai có mang vi khuẩn liên cầu nhóm B, và có thể lây truyền sang cho con của họ hoặc vào gần thời điểm sinh nở, dẫn đến viêm màng não trẻ sơ sinh.
Viêm màng não sơ sinh cũng có thể gây ra bởi Escherichia coli (E. coli), và trong một số ít trường hợp là listeria monocytogenes (listeria). Phụ nữ mang thai nằm trong số những người có nguy cơ cao mắc bệnh listeriosis - một bệnh nhiễm khuẩn listeria từ thực phẩm. Khi mẹ bầu ăn các loại thực phẩm bị nhiễm listeria như pho-mát mềm, xúc-xích và thịt, chưa được nấu chín kỹ có thể bị mắc bệnh. Listeria có thể được truyền qua nhau thai trong thai kỳ và gây nên bệnh listeriosis cho trẻ sơ sinh, trong đó có viêm màng não sơ sinh.
Các triệu chứng của viêm màng não sơ sinh
Các dấu hiệu của viêm màng não sơ sinh có thể bao gồm:
- Trẻ bú kém hoặc không chịu ăn.
- Quấy khóc, mệt mỏi hoặc li bì.
- Khó thở.
- Thóp phồng.
- Tiêu chảy.
- Thân nhiệt quá nóng hoặc quá lạnh.
Vì viêm màng não sơ sinh có thể gây tử vong nhanh chóng, bất kỳ trẻ sơ sinh nào có triệu chứng kể trên phải được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
Chẩn đoán và điều trị viêm màng não ở trẻ sơ sinh
Khi bị nghi ngờ viêm màng não sơ sinh, trẻ sơ sinh sẽ được chọc tủy sống để lấy dịch tủy sống làm xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định.
Trẻ sơ sinh bị viêm màng não sơ sinh thường được điều trị bằng truyền dịch và các thuốc kháng sinh để chống vi khuẩn gây viêm màng não.
Tùy theo triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của bệnh, trẻ sơ sinh có thể cần các phương pháp theo dõi và điều trị như:
- Thuốc chống co giật, nếu trẻ bị co giật.
- Theo dõi với thiết bị đo áp lực nội sọ.
- Đánh giá tình trạng áp xe não.
- Đánh giá tình trạng não úng thủy.
Làm thế nào để ngăn ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh?
Ngăn ngừa nguy cơ do nhiễm liên cầu nhóm B
Thai phụ cần xét nghiệm liên cầu nhóm B trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu các kết quả xét nghiệm khẳng định mẹ bầu nhiễm liên cầu nhóm B, bà mẹ sẽ được dùng thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ, điều này làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do liên cầu nhóm B của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, vẫn có một nguy cơ nhỏ trẻ vẫn bị viêm màng não sơ sinh do liên cầu nhóm B gây nên.
Thai phụ phải dùng kháng sinh trong quá trình chuyển dạ bao gồm những người:
- Trước đây đã có tiền sử sinh ra trẻ bị nhiễm liên cầu nhóm B.
- Nhiễm trùng đường niệu do liên cầu nhóm B gây ra.
- Có vi khuẩn liên cầu nhóm B, nhưng chưa bị bệnh.
Tránh listeriosis
Có rất nhiều cách để làm giảm nguy cơ mắc bệnh listeriosis. Dưới đây là một số cách thường dùng và có hiệu quả cao với các mẹ bầu:
- Không ăn sống, nấu chín kỹ bất kỳ thực phẩm nào có nguồn gốc động vật. Không ăn các món làm từ thịt sống như nem chua... không ăn các loại thịt hun khói.
- Rửa rau sạch trước khi ăn.
- Không uống sữa chưa được khử trùng hoặc ăn các sản phẩm được làm bằng sữa chưa được khử trùng bằng phương pháp tiệt trùng.
Viêm màng não sơ sinh là một tình trạng bệnh nghiêm trọng. Do vậy, mẹ bầu nên tìm hiểu kỹ về vấn đề này ngay từ trước khi có con để biết được các dấu hiệu cảnh báo và phòng ngừa, loại trừ nguy cơ lây nhiễm cho con bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận