20/02/2019 17:47 GMT+7

Viêm loét giác mạc

Nguồn: Bệnh Viện Mắt TP.HCM
Nguồn: Bệnh Viện Mắt TP.HCM

Giác mạc là một mảnh mô trong suốt nằm phía trước con ngươi. Viêm loét giác mạc là khi giác mạc bị trầy và nhiễm trùng.

Viêm loét giác mạc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: aao.org

Viêm loét giác mạc (VLGM) là một bệnh rất nguy hiểm vì nó sẽ để lại những di chứng vĩnh viễn nhự sẹo giác mạc, teo nhãn, lồi mắt cua và làm mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

Giác mạc là một mảnh mô trong suốt nằm phía trước con ngươi. VLGM là khi giác mạc bị trầy và nhiễm trùng. Giác mạc có thể bị nhiễm trùng do nhiều nguyên nhân: vi khuẩn, nấm, amip và virus.

Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh VLGM sẽ giúp giảm hoặc ngăn được di chứng và giúp cải thiện thị lực.

Hoàn cảnh sinh bệnh

- Thường sau một chấn thương nông nghiệp: Hạt thóc, lá lúa, lá mía, cành cây quẹt vào giác mạc.

- Sau một chấn thương trong sinh hoạt: Bị bụi, bị côn trùng vào mắt hay mảnh kính vỡ bắn vào giác mạc,…

- Sau một chấn thương công nghiệp: Phoi tiện, bụi than,… bắn vào giác mạc.

- Sau một số bệnh khác của mắt: Lông quặm không được điều trị, hở mi do liệt thần kinh VII, do bướu cổ,…

- Sau một sai lầm y khoa: Dùng kính sát tròng không đúng cách, tự dùng thuốc nhỏ không đúng, đặc biệt dùng thuốc nhỏ có chất dexa khi không có chỉ định của bác sĩ mắt,…

Triệu chứng của bệnh

Bệnh nhân viêm loét giác mạc có những triệu chứng sau:

- Đau nhức mắt dữ dội;

- Chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mi mắt nhắm chặt lại;

- Mắt nhìn mờ;

- Mắt bị VLGM sẽ đỏ, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen;

- Xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở bất cứ nơi nào trên giác mạc nhưng thường ở trung tâm giác mạc;

- Đôi khi sẽ thấy một ngấn mủ màu trắng ở trước tròng đen.

Chẩn đoán bệnh

- Chẩn đoán đúng VLGM thì dễ, nhưng tìm được nguyên nhân gây bệnh thì khó khăn hơn và rất quan trọng vì liên quan đến việc trị bệnh và dự hậu của bệnh.

- Bệnh nhân bị VLGM đến khám sẽ được bác sĩ nhãn khoa xác định lại có đúng là VLGM hay không. Nếu là VLGM, bệnh nhân sẽ được làm thêm một số xét nghiệm (nhuộm gram, soi tươi, nuôi cấy vi khuẩn, kháng sinh đồ) để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

- VLGM nếu được điều trị tốt, khi lành bệnh sẽ để lại vết sẹo. Vết sẹo mỏng hay dầy, to hay nhỏ tùy thuộc vào tình trạng của bệnh.

- VLGM tiến triển nặng hơn sẽ gây thủng giác mạc. Nếu lỗ thủng nhỏ có thể tự bít nhờ mống mắt. Nếu lỗ thủng to sẽ gây xẹp mắt và dẫn đến teo nhãn sau này.

- Dự hậu của bệnh phụ thuộc vào bệnh nhân đến sớm hay trễ, phụ thuộc vào độ lớn, độ sâu của vết loét và nhất là tác nhân gây bệnh.

Điều trị

Gồm hai phần:

- Điều trị bệnh

- Điều trị phòng ngừa

Điều trị bệnh:

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ cho những loại thuốc thích hợp. Chủ yếu là thuốc nhỏ tại chỗ.

Bệnh nhân VLGM không nên băng kín mắt vì khi băng kín mắt sẽ làm cho mắt nóng, ẩm và bẩn. Những điều kiện này sẽ giúp cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Có thể đeo kính mát để bảo vệ mắt và giúp mắt bớt kích thích.

Một số cách điều trị khác:

- Điện di giác mạc: Mục đích đưa thuốc vào giác mạc nhiều hơn.

- Ghép màng ối:

+ Giúp cho vết loét mau lành.

+ Bít lỗ thủng giác mạc.

- Ghép giác mạc :

+ Thay thế phần giác mạc bị loét biến chứng thủng.

+ Thay thế phần sẹo giác mạc.

Điều trị phòng ngừa:

Điều trị phòng ngừa đóng vai trò quan trọng nhất vì nếu để VLGM xảy ra thì cho dù có điều trị thật tốt vẫn để lại những di chứng vĩnh viễn.

Một số điểm cần lưu ý trong điều trị phòng ngừa:

Khi bị dị vật vào mắt:

- Không dùng tay dụi vì sẽ làm trầy mắt.

- Nên nháy mắt liên tục trong một ly nước sạch.

- Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật nên đến bác sĩ mắt để kiểm tra.

Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ lao động:

Đeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, khi phai tiện, hàn điện,…

Điều trị tốt các bệnh mắt khác:

- Viêm kết mạc mủ xanh nên đến khám tại bệnh viện để được cho thêm xét nghiệm.

- Những bệnh nhân bị mắt đỏ khi có triệu chứng như mắt nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng thì nên đến khám bác sĩ nhãn khoa.

- Nếu đã bị VLGM thì phải đến khám bác sĩ nhãn khoa trong thời gian sớm nhất.

- Khi bị mắt đỏ hoặc VLGM không nên dùng các loại lá cây hoặc côn trùng đắp vào mắt.

- Bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa khi bị mắt đỏ nếu không có điều kiện khám bệnh thì có thể dùng các loại thuốc nhỏ: Chloramphenicol, Gentamycine, Tobramycin. Tuyệt đối không dùng loại thuốc có chất dexa để nhỏ khi không có sự đồng ý của bác sĩ nhãn khoa.

VLGM là một bệnh nặng và sẽ để lại di chứng về sau mặc dù được điều trị tốt, do đó vấn đề phòng bệnh là quan trọng nhất. Nếu đã bị VLGM thì nên đến khám tại bệnh viện có đủ điều kiện về chẩn đoán, xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị tốt hơn.


Nguồn: Bệnh Viện Mắt TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên