Vài ba năm sau khi chẩn đoán bệnh, nếu không điều trị, bệnh sẽ gây ra tàn tật vĩnh viễn và mất sức lao động khoảng 20-30% tổng số bệnh nhân.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp, nghiên cứu y học cho thấy có sự tác động qua lại rất phức tạp giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Theo ghi nhận, sau khi người bệnh mắc bệnh tự miễn hay nhiễm trùng khớp, các đại thực bào và nguyên bào sẽ xâm nhập vào mô hoạt dịch ở khớp, gây tổn thương khớp, khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp. Trong quá trình bệnh tiến triển, các mạch máu tại khớp tăng sinh, bị tắc do cục máu đông và các tế bào viêm. Qua thời gian, tại khớp hình thành những vị trí mô viêm xuất tiết trong bao khớp gây phá hủy xương, sụn khớp và có thể gây biến chứng toàn thân.
Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp ở nữ giới: tiền sử gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp; lớn tuổi, tiếp xúc với silic; với nam giới còn do hút thuốc lá, uống cà phê nhiều hơn 3 ly mỗi ngày (nhất là loại cà phê loại bỏ thành phần caffein).
Những yếu tố giúp làm giảm nguy cơ bệnh viêm khớp dạng thấp là sử dụng vitamin D; uống trà, sử dụng thuốc ngừa thai. Người ta cũng ghi nhận khoảng 75% phụ nữ bị bệnh viêm khớp dạng thấp trong quá trình mang thai triệu chứng có giảm đi nhưng sau khi sinh con các triệu chứng tái phát trở lại.
Trên lâm sàng, bệnh khởi phát từ từ, tăng dần từ vài tuần đến vài tháng; người bệnh ăn không ngon, yếu, mệt. Tại nhiều khớp bệnh nhân thấy đau và cứng khớp. Khoảng 1/3 trường hợp bệnh nhân chỉ bắt đầu bệnh ở một khớp hoặc đau ở vài khớp rải rác. Khớp cổ tay, khớp liên đốt gần, khớp bàn ngón là những khớp bị bệnh nhiều nhất. Khớp liên đốt xa, khớp cùng chậu thường không bị bệnh. Khớp bị bệnh thường có triệu chứng sưng, đau khi sờ, nóng. Vùng da vùng khớp bệnh không bị đỏ. Người bệnh có thể teo cơ, yếu cơ nơi khớp bị bệnh; buổi sáng khớp bị cứng kéo dài khoảng 45 phút, khi bắt đầu cử động khớp, triệu chứng cứng khớp mới giảm đi. Người bệnh thường giữ khớp gấp nhẹ để giảm đau do căng bao khớp.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (theo ACR/ELAR) là tổn thương khớp, huyết thanh chẩn đoán, xét nghiệm ở giai đoạn cấp của bệnh và thời gian mắc bệnh bằng cách tính điểm.
Ví dụ trong tiêu chí tổn thương khớp, nếu tổn thương 2-10 khớp lớn là 1 điểm; tổn thương 4-10 khớp nhỏ là 3 điểm; tổn thương trên 10 khớp (có ít nhất một khớp nhỏ) là 5 điểm. Đối với thời gian mắc bệnh nếu dưới 6 tuần là 0 điểm; từ 6 tuần trở lên là 1 điểm. Ngoài ra, người ta còn dựa trên tình trạng viêm bao hoạt dịch ít nhất tại 1 khớp; viêm bao hoạt dịch không thể giải thích bằng những bệnh lý khác. Chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp khi cộng điểm các nhóm tiêu chuẩn trên có điểm từ 6/10 điểm trở lên.
Nếu người bệnh không được điều trị, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra các biến chứng như thiếu máu; biến chứng lên tim như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim; biến chứng tạo thành những lỗ dò từ khớp ra da; biến chứng nhiễm trùng; biến chứng khớp gây tàn phế; viêm mạch máu; ung thư…
Để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, trong vòng 3 tháng khi khởi phát triệu chứng bệnh và đã được chẩn đoán xác định, người bệnh cần có kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt. Mục tiêu của điều trị là ức chế tiến trình viêm tại khớp và các mô, duy trì chức năng khớp và phòng ngừa biến chứng khớp, điều trị các tổn thương ở khớp để giảm đau và phục hồi chức năng khớp.
Điều trị ngay ở giai đoạn sớm được gọi là thời kỳ cửa sổ, là cơ hội để khống chế bệnh. Người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa điều trị nội khoa để kiểm soát triệu chứng viêm, đau; điều trị bằng các thuốc làm thay đổi bệnh (Disease-Modifying Anti-Rheumatic) hoặc các thuốc sinh học (biologics), thuốc phân tử nhỏ (small moleculls). Bệnh nhân được áp dụng điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Người bệnh cần được điều trị và theo dõi phòng ngừa các tác dụng phụ do thuốc gây ra về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, xuất huyết tiêu hóa, về thận, hội chứng Cushing…
Trong những trường hợp đau kéo dài do tổn thương khớp, tổn thương chức năng khớp nặng nề, biến dạng khớp tiến triển nhanh, viêm bao khớp kéo dài…, bác sĩ sẽ xem xét để có chỉ định điều trị phẫu thuật giúp giảm đau khớp, cải thiện chức năng, phục hồi chức năng khớp, ngăn ngừa biến dạng khớp. Bác sĩ ngoại khoa có thể phẫu thuật cắt bao khớp, thay khớp tùy theo từng bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận