12/01/2019 11:23 GMT+7

Viêm gan tự miễn trẻ em

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan tự miễn dịch có thể từ nhẹ đến nặng và có thể đến đột ngột hoặc phát triển theo thời gian.

Viêm gan tự miễn trẻ em - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: medical-labs.net

Viêm gan tự miễn (Autoimmune Hepatitis - AIH) là một bệnh, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào tế bào gan.

Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn và những vi sinh vật khác. Bình thường hệ miễn dịch không có cơ chế tấn công lại các tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, trong bệnh AIH, các tế bào miễn dịch bị nhầm lẫn và tấn công lại các tế bào gan, gây viêm gan cuối cùng sẽ là suy gan nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan tự miễn

Hệ gien có vai trò quan trọng đối với khả năng mắc các bệnh tự miễn. Do vậy, những đối tượng mang một số gien nhất định sẽ dễ mắc AIH hơn những người khác. Những yếu tố thuộc về môi trường khác như vi khuẩn, virus, chất độc hại và thuốc có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc AIH. Khoảng 70% người mắc AIH là phụ nữ.

Phân loại bệnh viêm gan tự miễn

Bệnh viêm gan tự miễn được chia làm 2 loại: Type 1 và type 2.

- Type 1 là dạng phổ biến nhất ở khu vực Bắc Mỹ. Thường khởi phát ở thanh thiếu niên.

- Type 2 ít phổ biến hơn. Thường ảnh hưởng đến các bé gái từ 2 đến 14 tuổi, mặc dù cũng có thể gặp ở người lớn.

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan tự miễn

Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất của AIH. Các triệu chứng của viêm gan tự miễn có biểu hiện từ nhẹ tới nặng bao gồm:

- Gan to;

- Vàng da;

- Ngứa;

- Da phát ban;

- Đau khớp;

- Khó chịu ở bụng;

- U mạch hình nhện, hoặc các mạch máu bất thường, trên da;

- Buồn nôn;

- Ói mửa;

- Mất cảm giác ngon miệng;

- Nước tiểu đậm màu;

- Phân bạc màu.

Một số loại thuốc và virus cũng có thể gây viêm gan. Triệu chứng của bệnh viêm gan do các tác nhân này cũng tương tự như viêm gan tự miễn. Bác sĩ sẽ xét nghiệm các chỉ số máu để đưa ra chẩn đoán chính xác về nguyên nhân gây bệnh. Các bác sĩ cũng sẽ hỏi chi tiết về tất cả các loại thuốc bao gồm cả thuốc nguồn gốc thảo mộc và những thực phẩm chức năng mà con bạn đã sử dụng.

Chẩn đoán viêm gan tự miễn

Ngoài việc hỏi tiền sử bệnh và quan sát các triệu chứng, bác sĩ cũng sẽ tiến hành những xét nghiệm máu và sinh thiết gan để xác nhận chẩn đoán.

Xét nghiệm máu

Khi gan bị tổn thương, các tế bào gan sẽ giải phóng ra các enzyme vào máu. Các xét nghiệm thường quy đo nồng độ enzyme gan sẽ xác định được mức độ viêm nhiễm của gan.

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác bệnh này, bác sĩ sẽ xét nghiệm để tìm protein đặc hiệu gọi là tự kháng thể. Những protein này tấn công các tế bào của cơ thể. Trong bệnh viêm gan tự miễn, hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra một số loại tự kháng thể bao gồm:

- Kháng thể kháng nhân (antinuclear antibodies - ANA).

- Kháng thể kháng cơ trơn (smooth muscle antibodies - SMA)

- Kháng thể kháng tiểu thể gan và thận (antibodies to liver and kidney microsomes - anti-LKM).

Những người bị AIH type 1 có sự gia tăng ANA, SMA, hoặc cả hai. Những người type 2 có anti-LKM. Xét nghiệm máu cũng giúp phân biệt viêm gan tự miễn do các bệnh khác tương tự như nó, chẳng hạn như virus viêm gan B hoặc C hoặc một bệnh chuyển hóa như bệnh Wilson.

Sinh thiết gan

Lấy 1 mẩu nhỏ mô gan, kiểm tra bằng kính hiển vi, có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh AIH và nêu được mức độ nghiêm trọng như thế nào. Thủ thuật này được thực hiện tại bệnh viện hoặc cơ sở phẫu thuật bệnh nhân ngoại trú.

Điều trị viêm gan tự miễn

Không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn AIH. Tuy nhiên, sử dụng thuốc có thể kiểm soát hiệu quả tiến triển bệnh. Việc điều trị căn bản là sử dụng thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm một hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Trong thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng việc duy trì đáp ứng điều trị sẽ làm giảm tiến triển của bệnh và có thể làm giảm một số tổn thương tại gan.

Cả hai loại viêm gan tự miễn được điều trị với liều lượng hàng ngày của một thuốc nhóm corticosteroid là prednisone và azathioprine.

Điều trị bằng prednisone

Prednisone ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và làm giảm tình trạng viêm gan. Bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị cho trẻ với liều cao prednisone và tiến hành xét nghiệm máu khoảng 1 - 2 lần/ tuần.

Khi nồng độ enzyme trong máu giảm xuống và bệnh đã được kiểm soát, bác sĩ sẽ giảm liều prednisone cho trẻ.

Điều trị bằng azathioprine

Azathioprine cũng có tác dụng ức chế miễn dịch. Thuốc này thường được sử dụng khi bệnh đã được kiểm soát và dùng kèm với prednisone. Sử dụng phối hợp 2 thuốc này cho phép giảm liều prednisone và giảm cả tác dụng phụ của thuốc.

Cấy ghép gan có thể là lựa chọn điều trị đối với bệnh nhi

Trong đa số các trường hợp, prednisone và những thuốc chống viêm khác có thể kiểm soát tốt được bệnh. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng viêm nhiễm tại gan vẫn không đỡ hoặc khi bệnh tiến triển nặng do không được phát hiện sớm. Trong cả hai trường hợp, tình trạng viêm sẽ làm hủy hoại gan. Sự tạo thành những mô sẹo trong gan gọi là xơ gan. Khi xơ gan tiến triển nặng hơn gan sẽ không thể thực hiện được chức năng bình thường của nó. Trong những trường hợp này, bệnh nhi cần phải được cấy ghép gan.

Hãy hợp tác với các bác sĩ và nhân viên y tế trong điều trị bệnh cho trẻ

Hãy trao đổi thật cởi mở với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hoặc mối quan tâm nào về liệu pháp điều trị cho con bạn. Cần luôn cập nhật cho bác sĩ các triệu chứng mới xuất hiện của trẻ để các bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên