13/12/2011 06:02 GMT+7

Viêm gan siêu vi C, đừng hốt hoảng

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Nhiều người khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm gan siêu vi C thường lo lắng vì sợ bị xơ gan, lây bệnh cho người khác...

2H5GxdPa.jpgPhóng to
Điều trị bệnh viêm gan tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trong khi đó theo bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, không phải trường hợp nào mắc bệnh viêm gan siêu vi C cũng bị biến chứng.

Theo bác sĩ Hương, tại Việt Nam ước lượng 4-6% dân số mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Như vậy, nước ta hiện có khoảng 4 triệu người mắc bệnh viêm gan siêu vi C. Số người mắc bệnh viêm gan siêu vi C đang có xu hướng tăng do đến nay chưa có thuốc chủng ngừa.

Tiếp tục tranh cãi

Trên thế giới đã có nhiều loại thuốc điều trị viêm gan siêu vi C nhưng giới y khoa vẫn tiếp tục tranh luận về chỉ định điều trị của căn bệnh này. Mới đây, trong cuộc hội thảo khoa học “Cập nhật điều trị viêm gan virut C” được tổ chức tại TP.HCM, bác sĩ Đinh Dạ Lý Hương trình bày một nghiên cứu theo dõi bệnh nhân trẻ mắc bệnh viêm gan siêu vi C mà không điều trị. Nghiên cứu này lấy mẫu máu từ 8.568 người được tuyển vào quân đội Mỹ từ năm 1948-1954, có 17 người (0,2%) mắc viêm gan siêu vi C. Sau 45 năm không điều trị, trong số 17 người chỉ có hai người phát triển thành bệnh gan, trong đó một người chết vì bệnh gan và sáu người khác tử vong bởi những nguyên nhân khác.

Qua nghiên cứu này, các chuyên gia thấy những người mắc bệnh viêm gan siêu vi C không điều trị thì tỉ lệ tử vong và bệnh tật thấp. Tuy nhiên, điểm hạn chế của nghiên cứu là số người mắc bệnh viêm gan siêu vi C được theo dõi còn ít. Khi có những báo cáo như vậy, nhiều người lập luận viêm gan siêu vi C nếu không điều trị cũng rất ít người diễn tiến xấu thì tại sao phải điều trị, trong khi chi phí điều trị rất mắc tiền? Trái lại, một nghiên cứu khác trên 96 bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn đầu do siêu vi C được điều trị và theo dõi trong 10 năm. Kết quả cho thấy 41% số bệnh nhân (39 ca) được loại siêu vi hoàn toàn, 18 bệnh nhân được cải thiện điểm gan xơ. Có 35% (27 bệnh nhân) không cải thiện khi điều trị bị biến chứng như xơ gan và ung thư gan. Rõ ràng điều trị đã mang lại lợi ích cho những người được điều trị hiệu quả.

Khi nào cần điều trị?

Có người bệnh còn hiểu lầm nhiễm viêm gan siêu vi C cũng giống như nhiễm HIV không có cách gì chữa được. Có người bệnh lại lo sợ những biến chứng của bệnh. Một số người sợ khi mắc bệnh sẽ lây cho người khác.

Bác sĩ Hương khẳng định không phải tất cả người mắc bệnh viêm gan siêu vi C đều cần điều trị. Dù bệnh này chưa có thuốc chủng ngừa và có nguy cơ lây lan, nhưng nếu người bệnh biết cách bảo vệ thì cũng không phải quá lo lắng. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường máu, lây qua vợ chồng chỉ 3% và một số ít lây từ mẹ qua con.

Người bệnh mắc bệnh viêm gan siêu vi C nếu ở giai đoạn bệnh chưa tiến triển hoặc tiến triển chậm thì không cần điều trị. Hiện nay chỉ sinh thiết lá gan cho bệnh nhân các bác sĩ mới xác định chính xác bệnh tiến triển ở giai đoạn nào. Sinh thiết lá gan tức là phải bấm một mảnh gan và đem quan sát dưới kính hiển vi. Thường bác sĩ và bệnh nhân ít chọn sinh thiết để xác định mức độ tiến triển bệnh mà dựa vào xét nghiệm máu, men gan, hình ảnh siêu âm gan dù độ chính xác không bằng sinh thiết gan.

Bác sĩ Lý Hương cho biết phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện và phòng mạch điều trị khi thấy men gan tăng. Dấu hiệu thường gặp để bác sĩ chỉ định chữa bệnh viêm gan siêu vi C là men gan đang tăng (điều này cho thấy gan bị tổn thương). Nhưng xơ gan vẫn có thể xảy ra ngay cả khi men gan bình thường. Lúc đó bác sĩ đề nghị bệnh nhân phải sinh thiết hoặc theo dõi bệnh nhân.

Trên thực tế bác sĩ Hương đã gặp nhiều người bệnh rất lo lắng đòi điều trị, nhưng khi bác sĩ thấy chưa ở mức độ cần điều trị sẽ từ chối, vì theo dõi bệnh cho bệnh nhân trong một thời gian dài nhưng men gan không tăng, các chỉ số máu ổn định, hình ảnh siêu âm gan đẹp. Những bệnh nhân này sẽ được bác sĩ hẹn để theo dõi ba tháng tái khám/lần.

Có những người đã trong “tình trạng yên ổn” như vậy suốt 10-15 năm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, những người nhiễm viêm gan siêu vi C thì siêu vi C vẫn luôn nằm trong người và có thể tấn công cơ thể bất cứ lúc nào. Cách theo dõi như vậy cũng có thể bỏ sót một số bệnh nhân vì có bệnh nhân tiến triển bệnh nhưng bác sĩ không phát hiện được vì men gan bình thường. Có những bệnh nhân khi theo dõi năm năm mới thấy hình ảnh gan thô đi, dù vậy lúc này bác sĩ vẫn can thiệp được nếu tuổi tác và sức khỏe chung cho phép tiến hành cuộc điều trị.

Một yếu tố cũng khá quan trọng trong quyết định điều trị hay không là tuổi bệnh nhân. Bác sĩ Lý Hương đưa ra ví dụ một bệnh nhân 65 tuổi, mọi xét nghiệm đều bình thường thì có thể không cần điều trị. Do bệnh tiến triển chậm nên bệnh nhân vẫn an toàn cho đến ít nhất 10 năm sau. Nhưng ở những người trẻ, ở độ tuổi lập gia đình thì người bệnh thường muốn điều trị ngay. Ưu điểm của nhóm điều trị này là thành công cao hơn và khả năng chịu đựng tác dụng phụ tốt hơn do tuổi còn trẻ. Tỉ lệ thành công trên những bệnh nhân có men gan bình thường và men gan tăng là tương đương nhau.

Hiện nay, thuốc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C không những mắc tiền mà còn có nhiều tác dụng phụ như chán ăn, mệt mỏi, sụt ký, ngứa da, rụng tóc...và phải điều trị kéo dài từ sáu tháng đến một năm.

ThS Nguyễn Hồng Hà - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho hay tại miền Bắc bệnh nhân viêm gan siêu vi C ít khi được phát hiện sớm. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn viêm gan mãn tính và xơ gan.

Còn theo ThS Nguyễn Ngọc Phúc - trưởng khoa viêm gan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - khi điều trị bệnh nhân viêm gan C cho thấy 100% bệnh nhân chịu tác dụng phụ khi dùng thuốc như sốt, đau mỏi người. Đặc biệt, đến 20% bệnh nhân điều trị chịu những tác dụng phụ nguy hiểm như ảnh hưởng tế bào máu, tuyến giáp, ảnh hưởng tinh thần... Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chi phí điều trị trung bình cho bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C hơn 200 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, nguy cơ chuyển thành viêm gan cấp (có thể dẫn đến tử vong ngay) ở người nhiễm virus viêm gan C thấp hơn hẳn người nhiễm virus viêm gan B. Do đó bác sĩ rất cân nhắc khi quyết định điều trị cho bệnh nhân viêm gan C. “Nếu rơi vào đợt viêm gan B cấp, người bệnh cần đợi kiểm tra sáu tháng tiếp sau xem có tiến triển thành viêm gan mãn hay không mới điều trị. Riêng với viêm gan C, nếu vào đợt cấp (trong giai đoạn mới nhiễm) thì không phải “hậu kiểm” bằng các xét nghiệm theo dõi sau đó mà cần điều trị ngay”, bác sĩ Phúc cho biết.

Thực tế 20% người bị viêm gan C cấp có thể khỏi hoàn toàn theo cơ chế “bệnh tự lui” mà không cần can thiệp. Song “bệnh khó phát hiện nên biện pháp quan trọng là người bệnh cần xét nghiệm kiểm tra viêm gan C định kỳ”, bác sĩ Phúc nói.

Tin bài liên quan:

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên