Căn nguyên của bệnh này là do côn trùng, thường gặp là kiến khoang hay có tên gọi khác là kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít gây nên. Sau những ngày mưa lũ làm ngập đồng ruộng, ao hồ…, côn trùng theo ánh đèn bay vào nhà, những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình vô tình giơ tay đập quệt xiết côn trùng và chất Pederin có trong côn trùng dây vào da.
Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn, quần áo…, người bệnh không chú ý, xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước. Có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quết lên da và nổi thành bệnh.
Biểu hiện lâm sàng
Sau khi tiếp xúc với côn trùng bệnh nhân thấy ngứa, rát, nóng bỏng tại chỗ, sau 6-12 giờ xuất hiện các đám vết màu đỏ, hơi nề thành vệt, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4 mm, sau 1-3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ.
Tổn thương có thể lây từ vị trí này sang chỗ khác qua tiếp xúc, đặc biệt nếu tổn thương ở cạnh nếp gấp như bẹn, khuỷu tay, khoeo chân, nách, cổ… sẽ tạo ra tổn thương đối xứng qua nếp gấp.
Diễn biến tổn thương
Ban đầu bệnh nhân thấy đau, hơi ngứa, rát tại chỗ căng da, biểu hiện đỏ ở một vùng da. Sau 6-12 giờ thành một đám hơi nề, đỏ cộm, thành vệt, trên nền đỏ nổi thành mụn nước to nhỏ không đều đường kính từ 1-5mm.
Từ 1-3 ngày sau tiến triển thành phỏng nước, phỏng mủ, lúc này cảm giác đau tăng lên, có thể kèm theo cảm giác sốt nhẹ, mệt mỏi khó chịu, nổi hạch, đau ở vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.
Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt đến 5-7 ngày sau mới hết, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau, đi lại khó khăn.
Các phỏng nước, phỏng mủ tiến triển sau 4-5 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết sẫm màu da. Có trường hợp bệnh nhân chỉ nổi một vết đỏ lấm tấm mụn nước nhỏ, hơi ngứa, tổn thương lặn sau 3-5 ngày không thành phỏng nước, phỏng mủ.
Trong mùa mưa một bệnh nhân có thể bị đi bị lại 2-4 lần, trong tập thể có thể có 10-12% người bị, bệnh có thể kéo dài 5-20 ngày.
Điều trị
Việc điều trị sớm bệnh rất đơn giản, có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh phải uống kháng sinh và có thể để lại sẹo.
Viêm da tiếp xúc do côn trùng cần phân biệt với bệnh Zona và bệnh da do vi rút khác, vì vậy khi bị bệnh cần được khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được điều trị kịp thời, khỏi bệnh.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh, vào buổi tối người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu.
Nếu thấy côn trùng đậu trên người thì thổi nhẹ cho bay đi chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang.
Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận