25/11/2024 15:08 GMT+7

Việc ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng: Vì sao hay tranh chấp lối đi từ đất tách thửa?

Vụ phân định đất ông bà để lại ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng đặt ra câu hỏi vì sao hay tranh chấp lối đi từ đất tách thửa?

Việc ở hẻm 'bà Châu quận 8 Đà Nẵng': Từng thưa kiện nhưng chưa thành - Ảnh 1.

Gia đình bà Trân dự định bán nhà thì hàng xóm dán thông báo khiến bà gặp khó khăn trong giao dịch - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Liên quan bài viết Thêm một vụ đất ông bà để lại ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng, bà Trịnh Thị Quỳnh Trân cho biết từng có đơn khởi kiện gởi Tòa án nhân dân quận Thanh Khê nhưng chưa thành.

Thưa kiện nhưng chưa thành?

Bà Trân gởi đơn khởi kiện về việc yêu cầu tòa án giải quyết: không thừa nhận đường giao thông (lối đi chung) là đất của ông T. tại đường kiệt ra đường Phạm Nhữ Tăng mà là lối đi chung của 6 hộ dân trong đó có hộ ông T..

Trong thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện do Tòa án nhân dân quận Thanh Khê gởi bà Trân, tòa cho rằng yêu cầu không thừa nhận đường giao thông (lối đi chung) là chưa đúng quy định của pháp luật mà phải xác định là tranh chấp lối đi chung.

Đồng thời bà Trân chưa đưa các hộ dân còn lại có liên quan đến lối đi chung tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra tòa án còn yêu cầu bổ sung một số nội dung khác.

Bà Trân cho biết các hộ dân trong kiệt không có nhu cầu tham gia vào tố tụng nên bà không thể tiếp tục bổ sung đơn khởi kiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông T. cho rằng phần đất này là do ông bà ông để lại và ông đang làm các thủ tục pháp lý để được công nhận sở hữu. Ông T. từ chối trả lời thêm và đề nghị tìm hiểu qua các cơ quan chức năng.

Việc ở hẻm 'bà Châu quận 8' Đà Nẵng: Thưa kiện nhưng chưa thành - Ảnh 3.

Lối đi các hộ dân sử dụng chung ở hẻm 72 đường Phạm Nhữ Tăng được nhà ông T. sử dụng làm nơi để xe - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Vì sao hay hục hặc kiểu "bà Châu quận 8" từ đất tách thửa?

Theo luật sư Nguyễn Công Tín, Đoàn luật sư Đà Nẵng, thực trạng tranh chấp lối đi chung từ việc hiến đất làm đường để tách thửa không phải là hiếm.

Thực tế phát sinh nhiều trường hợp, để bảo đảm điều kiện tách thửa (phải có lối đi), chủ cũ thường sẽ hiến một phần diện tích đất để làm lối đi chung.

Đây là trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất. Khi trường hợp này xảy ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thủ tục thu hồi đất, theo Luật Đất đai năm 2013.

Tuy nhiên trên thực tế các thủ tục nêu trên không được cơ quan quản lý đất đai thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật nên tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến phát sinh tranh chấp về lối đi chung giữa chủ cũ và chủ mới, thậm chí là cả chính quyền địa phương.

Chủ cũ thì cho rằng đường đi có nguồn gốc là đất của họ nên họ được toàn quyền sử dụng và được quyền không cho phép người khác tiếp cận.

Chủ mới, đặc biệt là những người đã mua nhà đất qua tay nhiều người thì cho rằng đường đi là đường công cộng, được thể hiện trong sổ đỏ nên mình được quyền tiếp cận. 

Chính quyền địa phương thì cho rằng đường đi là đất công cộng, đất giao thông và ai cũng có quyền tiếp cận.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên nhưng chủ yếu là sự thiếu trung thực, thiếu thiện chí của chủ cũ. 

Thứ nhất chủ cũ hiến đất làm đường để tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau đó đòi lại phần đất đường đi hoặc không cho người khác sử dụng làm lối đi chung.

Thứ hai là chính quyền địa phương thực hiện thủ tục không chặt chẽ như: Không yêu cầu chủ đất làm văn bản trả lại đất, tự nguyện hiến đất làm đường; không thực hiện thủ tục thu hồi đất (đối với diện tích đất chủ cũ hiến đất làm đường - PV) theo đúng quy định của pháp luật" - luật sư Tín phân tích.

Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng những người mua đất là những người ngay tình, vì sổ đỏ có thể hiện đất có đường đi và thực trạng đất cũng có lối đi, khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng hay các thủ tục đất đai khác, cơ quan nhà nước đều xác định đó là đường đi và ai cũng có quyền được tiếp cận.

Giải pháp quyết tranh chấp thế nào?

Theo luật sự Tín, ý chí hiến đất làm đường của chủ cũ trong các tình huống kể trên đã được xác lập và thừa nhận bằng việc chủ cũ đồng ý ký vào hồ sơ tách thửa, trong đó có thể hiện lối đi chung. Tại sơ đồ thửa đất của sổ đỏ sau khi tách thửa đều thể hiện có đường đi nhưng chủ đất không phản đối.

Khi thực hiện việc chuyển nhượng các lô đất này cho người khác, chủ đất cũng không có ý kiến liên quan đến lối đi này và đồng ý chuyển nhượng nguyên trạng cho người mua. Như vậy về mặt ý chí, chủ đất đã thừa nhận lối đi này là lối đi chung của các thửa đất được tách ra từ khu đất lớn trước đây.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 cách để khắc phục tình trạng trên:

Một là nhà nước phải khắc phục các sai sót về mặt thủ tục trước đây bằng việc tiến hành lại thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật, và bàn giao cho chính quyền địa phương để sử dụng vào mục đích công cộng làm lối đi chung. UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất trong trường hợp này.

Hai là cá nhân những người sử dụng đất hiện tại phải thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa án để tòa án tuyên bố là lối đi chung, yêu cầu chủ cũ chấm dứt hành vi cản trở quyền của người sử dụng đất và trong trường hợp này, người sử dụng đất hiện tại có thể sẽ không phải bỏ ra một khoản tiền nào để đổi lại quyền được sử dụng lối đi chung theo khoản 3 điều 254 Bộ luật Dân sự 2015.

Việc ở hẻm 'bà Châu quận 8 Đà Nẵng': Từng thưa kiện nhưng chưa thành - Ảnh 3.Trồng cây, đưa xe đạp chặn cửa nhà dân kéo dài nhiều năm chưa giải quyết

Một sự việc trồng cây chặn ngay cửa ra vào nhà dân ở một kiệt tại Đà Nẵng tương tự vụ "bà Châu quận 8" nhưng kéo dài hơn 7 năm chưa giải quyết xong.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên