Việc làm tương lai: Lao động và tự động hóa

TRƯỜNG SƠN 15/05/2019 18:05 GMT+7

TTCT - Viễn cảnh nhân loại sẽ không còn việc làm nữa vì mọi thứ sẽ tự động hóa, con người cùng làm việc với robot vẫn luôn là đề tài tranh luận trong những năm gần đây, với hai luồng ý kiến: tương lai này đang đến rất gần, hoặc không bao giờ đến.

Ảnh: cascadebusnews.com
Ảnh: cascadebusnews.com

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định thế nào về vấn đề này trong báo cáo mới nhất về triển vọng việc làm (Employment Outlook) năm 2019?

Một nửa việc làm sẽ biến mất

Báo cáo với chủ đề “Tương lai của việc làm” của OECD công bố hôm 25-4 nhận định tự động hóa, robot và toàn cầu hóa đang làm biến đổi một cách nhanh chóng môi trường làm việc và các chính phủ phải sớm có hành động quyết đoán để chống lại tác động của các thay đổi này, bằng không sẽ phải đối mặt với các áp lực kinh tế và xã hội ngày càng tồi tệ hơn.

Báo cáo hơn 340 trang không nhằm làm người lao động và chính phủ 36 nước thành viên OECD hoang mang, bởi có một điều chắc chắn: tương lai mà robot có ở khắp nơi và lấy mất hàng triệu việc của con người hãy còn xa lắm. “Báo cáo Employment Outlook 2019 không hình dung về một tương lai không còn việc làm, mà dự báo về các thách thức chủ yếu về tương lai của việc làm” - Tổng thư ký OECD Angel Gurría nhận định.

Trong số những vấn đề chính nêu ra trong báo cáo, số lượng việc làm sẽ biến mất hoặc thay đổi triệt để về bản chất, tầm quan trọng của việc tái đào tạo cho người lao động cũng như chính phủ phải hành động thế nào để tránh xáo trộn xã hội và ảnh hưởng đến nền kinh tế có lẽ đáng quan tâm nhất bởi nó có thể đúng với mọi quốc gia, chứ không riêng các nước OECD.

Báo cáo nhận định gần một nửa số việc làm hiện hữu có thể sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn hoặc biến đổi toàn diện vì 3 tác nhân trên trong vòng 2 thập niên tới, tốc độ mà Stefano Scarpetta, giám đốc phụ trách việc làm và các vấn đề xã hội của OECD, mô tả là “nhanh đến giật mình”. Cụ thể, 14% số công việc hiện tại có thể biến mất vì tự động hóa trong 15-20 năm tới, trong khi 35% có thể bị tự động hóa làm “biến đổi triệt để”.

Đối tượng người lao động bị ảnh hưởng cũng tùy vào lĩnh vực và hình thức việc làm của họ. Nếu như một số người lao động có thể hưởng lợi từ các tiến bộ công nghệ, thì các công nhân trẻ, kỹ năng thấp, làm việc thời vụ hoặc hoạt động trong nền kinh tế tự do hay kinh tế tạm thời (kinh tế gig) sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các xu hướng thay đổi lớn của việc làm trong tương lai.

Vì thế, OECD nhấn mạnh những người lao động dễ bị tổn thương bởi làn sóng tự động hóa, chẳng hạn người trẻ có học vấn thấp, phụ nữ làm các công việc không đòi hỏi kỹ năng cao và thù lao bèo bọt, cần chú ý tự đào tạo mình ngay từ lúc này để đủ sức “đón bão” trong tương lai.

Báo cáo của OECD khuyến cáo cần phải có các chương trình đào tạo nghề, kỹ năng hiệu quả và quyết liệt để giúp các công nhân thích nghi với yêu cầu mới của công việc. Theo một thăm dò tiến hành tại 29/36 nước OECD trong giai đoạn 2012 - 2015, 6/10 người trưởng thành được hỏi thiếu kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản, hoặc thậm chí không có kinh nghiệm sử dụng máy tính.

Một trong những thách thức cần giải quyết là những người cần tái đào tạo để trang bị kỹ năng nhất, gồm người lao động kỹ thuật thấp, người lớn tuổi và các công nhân “phi truyền thống” (“non-standard worker”, gồm người làm thời vụ, công việc tạm bợ, lao động tự doanh), lại ít tham gia các khóa đào tạo nhất. “Non-standard worker” là thuật ngữ phân biệt với “người lao động truyền thống”, tức được tuyển dụng toàn thời gian bởi chủ sử dụng lao động.

Các đối tượng dễ bị tổn thương này cần được quan tâm nhất, vì họ sẽ không có khoản thu nhập nào để trang trải một khi bị mất việc vì tự động hóa. Có biện pháp hỗ trợ và bảo vệ nhóm này cũng là cách để chính phủ ngăn bất ổn và các tác động không mong muốn khác với xã hội.

Không những phải khuyến khích các đối tượng này tham gia tái đào tạo, các chính phủ cũng cần cải thiện chương trình đào tạo nghề để chúng dễ tiếp cận hơn (thuận tiện về thời gian và tài chính), cũng như cung cấp những kỹ năng, kiến thức cần thiết nhất để thích nghi với các hình thức việc làm mới.

Tóm lại, thông điệp chính của báo cáo OECD là “tương lai của việc làm nằm trong tay chính chúng ta” và sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách của từng quốc gia trong khối. “Thành bại hay không tùy thuộc vào các quyết sách này, cũng như khả năng của con người trong việc tận dụng tiềm năng và đối mặt với thách thức của các thay đổi chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực công nghệ”.

OCED nhấn mạnh thay đổi chính sách phải đủ lớn và toàn diện mới có thể giải quyết được vấn đề. Tổ chức này đặt ra “Nghị trình chuyển đổi vì một tương lai tốt cho tất cả”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp công nhân chuyển đổi công việc một cách hiệu quả và kịp thời.

Cụ thể, các quốc gia cần tập trung đưa ra các chiến lược đào tạo cho người lao động - đặc biệt người lao động kỹ năng thấp - để tránh việc họ bị loại khỏi nền kinh tế vì lạc hậu, không đáp ứng được các yêu cầu mới về kỹ năng. Các chiến lược này cần đảm bảo tất cả người lao động đều có cơ hội như nhau để tái đào tạo và chuyển đổi việc làm.

Cuối cùng, các chính phủ cũng cần quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động phi truyền thống, giảm bất bình đẳng trong bối cảnh các công việc thay đổi và hình thức tuyển dụng lâu dài dần dần biến mất.

Ai sẽ an toàn?

Năm 2013, một nghiên cứu của Đại học Oxford dự đoán trong vòng 15-20 năm tính từ thời điểm đó, 47% số lượng việc làm ở Mỹ sẽ tự động hóa, công nhân là con người sẽ phải nhường chỗ cho trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Tỉ lệ này tương đương với con số 46% dự đoán cho các nước OECD. Vậy chính xác là những việc làm nào sẽ biến mất?

Andrés Oppenheimer, tác giả quyển sách The Robots Are Coming: The Future of Jobs in the Age of Automation (tạm dịch: Robot đang đến: Tương lai của việc làm trong thời tự động hóa), cho rằng gần như ngành nghề nào cũng có thể bị “robot xâm lăng”, và không ai an toàn trước làn sóng tự động hóa, từ nhân viên ngân hàng, luật sư, bác sĩ đến cả người làm trong ngành giải trí.

Vậy làm sao ta biết được mươi năm nữa mình có phải xách giỏ về nhà vì một thuật toán AI hay cỗ máy nào đó đã làm thay việc của mình hay không? Anders Sandberg, nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Tương lai nhân loại (Đại học Oxford), gợi ý một mẹo nhỏ để kiểm tra. “Nếu quý vị có thể dễ dàng giải thích công việc của mình là gì thì nó có thể bị tự động hóa thay thế (và ngược lại)” - Oppenheimer trích lời Sandberg trong quyển sách của mình.

Nếu “công cụ kiểm tra” như thế là quá đơn giản, ta có thể sử dụng bài trắc nghiệm do OECD cung cấp tại https://oecd-futureofjobs.org. Bài trắc nghiệm gồm 4 phần, đánh giá về bản chất công việc, môi trường làm việc và cả cá nhân người làm trắc nghiệm (nghề nghiệp, tuổi tác).

Người viết bài này đã làm thử xem công việc chữ nghĩa hằng ngày ở tòa soạn báo có bị biến mất hay không. Kết quả là ngành này cũng có nguy cơ “cao” bị thay đổi bởi tự động hóa. “Công việc bạn làm mỗi ngày có thể thay đổi đáng kể... Robot và AI có thể sẽ làm được nhiều thứ mà bạn đang làm”. OECD dự đoán có thể trong tương lai các biên tập viên báo chí “sẽ làm việc cùng với các hệ thống tự động, tùy thuộc vào ông chủ bút muốn gì”. 

Phải chăng đây là một cách nói tế nhị, chứ thực ra ý nghĩa của nó là: chủ bút sẽ cho máy móc viết bài và chỉ cần một người đọc lại trước khi bấm nút cho in?

Lịch sử cho thấy các tiến bộ khoa học công nghệ có làm biến mất một số ngành nghề thì cũng đồng thời tạo ra các công việc mới thay vào đó, và đôi khi số việc làm mới được tạo ra còn nhiều hơn những việc mất đi. Khi xe hơi ra đời, các cỗ xe ngựa và xà ích buộc phải lùi về đằng sau, nhưng nhân loại có hàng loạt việc làm mới: thợ cơ khí, công nhân nhà máy sản xuất xe hơi, nhân viên trạm xăng, và cả công nhân cầu đường vì cần phải có đường sá tốt hơn cho xe.

Ngoài ra, viễn cảnh robot đứng làm trong các nhà máy hẳn cũng còn xa, do lẽ số lượng robot công nghiệp bán ra trong năm 2019 là 500.000 đơn vị như nêu trong báo cáo chẳng là gì so với con số 571 triệu việc làm trong khối OECD, tính đến hết năm 2018. Cứ cho một robot có thể thay 100 người đi nữa thì số robot hiện tại cũng chưa đủ để “hủy diệt” việc làm của con người. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận