Việc làm: Sinh kế và định vị của quốc gia

TRUNG TRẦN 18/12/2023 11:15 GMT+7

TTCT - Những dự đoán về kinh tế sau đại dịch Covid-19 hóa ra đã trở thành hiện thực rất nhanh. Đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, hậu đại dịch có hai hệ quả chính: Tổng cầu sụt giảm, và sự đi xuống của mô hình "FDI lắp ráp xuất khẩu".

Nguy cơ lún sâu vào bẫy thu nhập trung bình trở nên hiển hiện do nhu cầu nội địa và chỉ số tăng năng suất lao động đều không đạt mục tiêu.

Quá trình dịch chuyển sản xuất toàn cầu có những điểm thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức cho nền kinh tế và ngành sản xuất Việt Nam. Ảnh: eig.org

Quá trình dịch chuyển sản xuất toàn cầu có những điểm thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức cho nền kinh tế và ngành sản xuất Việt Nam. Ảnh: eig.org

Thực tế tiếc thay đang diễn ra không khác nhiều so với dự báo - dù lý thuyết đã được đưa ra trước cả thập niên. Các nguyên nhân khách quan là khá rõ ràng và những tác động tiêu cực, của các yếu tố chủ quan, cũng rõ ràng không kém.

Xét khái niệm hấp dẫn được trích dẫn hầu khắp các văn bản chính thức lẫn báo mạng: "Dịch chuyển chuỗi cung ứng", dường như truyền thông đều đưa ra một xu hướng tích cực rằng thế giới sẽ chuyển cứ điểm sản xuất từ Trung Quốc về Đông Nam Á, mà Đông Nam Á thì ắt phải tính tới Việt Nam. Nhưng trước khi dịch chuyển tới xảy ra thì dịch chuyển đi đã ập đến!

Nền sản xuất cần hướng đi mới

Các ngành nghề thâm dụng lao động như may mặc hay giày da, vốn đã sụt giảm thê thảm do nhu cầu thế giới và lạm phát trên toàn cầu, nay bị các nhà sản xuất rút khỏi những nước đã bắt đầu không còn lợi thế nhân công giá rẻ. 

Trong các ngành sản xuất, gia công giày dép, may mặc là dễ di dời nhất, bởi hệ thống máy móc đơn giản, nhân công dễ tuyển và cũng vì chiến lược lâu dài đã có sẵn là trước sau gì cũng phải chuyển.

Đơn giá gia công ngành này là một phiên bản ngược của miếng da lừa, muốn tồn tại, có đơn hàng thì phải co kéo, cho đến khi hết co được thì giới chủ dời nhà máy. Một nhà máy loại này đóng cửa - tương ứng vài ngàn đến vài chục ngàn nhân công mất việc - tương đương quy mô một khu công nghiệp nhỏ hoặc vừa. 

Tức là cần ít nhất 10 nhà máy sản xuất chế tạo có trình độ cao hơn trong chuỗi được thành lập, mới bù được số nhân công mà nhà máy thâm dụng lao động kia để lại và đó là mới xét về số lượng.

Việc trông chờ một làn sóng đầu tư mới từ các nhà sản xuất có nhà máy ở Trung Quốc trên thực tế chưa có dấu hiệu nào khả quan, có chăng cũng chỉ xảy ra theo kiểu nhà lắp ráp đầu cuối đi qua (như Foxconn Hồng Hải chuyên lắp ráp cho Apple) kéo theo hàng loạt công ty thầu phụ Trung Quốc, như đang xảy ra ở miền Bắc. 

Về hàm lượng thực chất, đấy không thể gọi là đón đầu, tận dụng vì FDI lúc đấy chưa thể gọi là đại bàng, mà chủ yếu vẫn chỉ là vịt trời, chim sẻ.

Chỉ một phần nhân công lao động giản đơn được tuyển không có tác động mấy đến chuyển giao công nghệ và nâng cao năng suất lao động cho nhân công Việt Nam. 

Đây là vấn đề đã được nói hoài nói mãi: Mặt trái của ưu đãi FDI ở Việt Nam là không tạo ra được một nền sản xuất tự chủ của người Việt. Doanh nghiệp nội địa hầu hết chỉ xoay xở để đủ sống là giỏi, rất ít cơ hội và ước mơ để trở thành đại bàng, dù chỉ là đại bàng cấp hai, cấp ba.

Cần phải đinh ninh là không ông lớn FDI nào muốn doanh nghiệp thuần nội địa lớn lên, dù họ là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thụy Điển. Lịch sử kinh tế thế giới đã chứng minh chỉ có hai quốc gia có thể vươn lên tự chủ nền sản xuất để vượt qua sự kìm kẹp đấy: Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc (và đảo Đài Loan). 

Giờ chính ba nền kinh tế này, liên kết cao độ với Việt Nam, gắn bó chặt chẽ qua FDI và thương mại, cũng như có những lợi ích sát sườn ở Việt Nam, nói không quá, đang nắm vận mệnh nền sản xuất công nghiệp của chúng ta, chứ không phải Âu Mỹ gì hết.

Doanh nghiệp nội không đóng vai trò đủ lớn trong chuỗi cung ứng của FDI dẫn đến FDI hết việc là xưởng Việt Nam cũng hết việc. Sự tự chủ tương đối trong việc tạo ra cho mình một thị trường đầu cuối vẫn là rất yếu. Không có sản phẩm hoàn thiện hoặc chí ít là cụm lắp ráp để xuất thẳng cho khách hàng ở nước khác là điểm yếu của ngành công nghiệp lắp ráp chế tạo của Việt Nam.

So sánh đơn giản với Thái Lan, quốc gia này cũng không có sản phẩm hay thương hiệu "made in Thailand" nào vươn lên được tầm quốc tế nhưng họ ít ra đã tạo được chuỗi cung ứng hoàn thiện cho một số sản phẩm cung cấp khắp thế giới. 

Một ví dụ là các loại xe mô tô phân khối lớn. Kawasaki, BMW, Ducati, những thứ bán giá đắt và rất đắt trong khi Honda, Yamaha Việt Nam chỉ tập trung cho thị trường xe máy nội địa, nơi giá rẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Thậm chí với một sản phẩm ít khó khăn hơn - chiếc xe đạp - chúng ta cũng không thể chen chân vào thị trường xe đạp thể thao, nơi sản phẩm Trung Quốc chiếm phải đến 90%. 

Hào quang của toàn cầu hóa và quan niệm hời hợt về lợi thế so sánh - ám chỉ chỉ làm những gì chúng ta có lợi thế - đã làm nền sản xuất Việt Nam đang chọn con đường dễ nhất: Gia công đơn giản.

Ảnh: Yahoo Finance

Ảnh: Yahoo Finance

Thị trường lao động bấp bênh

Hệ quả là một số tin đồn về các công ty hàng đầu của Mỹ hay Hàn Quốc cân nhắc không ưu tiên tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nữa. Không biết thực hư ra sao nhưng dường như tin tức đấy gây ra những lo ngại thực sự. 

Bởi sự thay thế tiềm năng đang là không có, trong khi những mơ mộng về kinh tế tri thức, thời đại 4.0 vẫn tạo ra những lạc quan thái quá: nền tảng của tiến bộ công nghệ phải là nguồn lực nhân sự và hạ tầng kỹ thuật. Nếu so sánh với các nước láng giềng, thật khó mà có thể tự tin. Một ví dụ thực tế trước mắt: các nền tảng ứng dụng đang vận hành nền logistics quốc gia hằng ngày đều là những hãng nước ngoài.

Nhắc tới lĩnh vực này không thể không nói tới thực tế trong các báo cáo việc làm là xu hướng gia tăng các việc làm phi chính thức. Đây cũng là một tín hiệu đáng lo ngại thể hiện sự bấp bênh của thị trường lao động. 

Phi chính thức được hiểu đơn giản là không có hợp đồng hay hợp đồng ngắn hạn. Những lĩnh vực bùng nổ số lượng nhân sự tuyển dụng như chuyên viên bất động sản, nhân viên tư vấn giáo dục… cũng chính là những công ty sa thải nhân viên nhanh nhất - và rất ít những chuyên viên, tư vấn viên đấy có lương căn bản hay cao sang hơn - có nộp bảo hiểm.

Điều này phản ánh chất lượng thị trường lao động - thiếu an toàn và không bền vững. Với thu nhập không được bảo chứng, người lao động không thể giao dịch vay mượn bất cứ khoản tiền nào với ngân hàng cho các mục tiêu sinh kế lâu dài và bản thân họ cũng khó có động lực để gắn bó với tổ chức mình đang làm thuê.

Sự bất ổn và cả những hệ lụy tiêu cực từ đấy mà ra, mà kết cục là khả năng để người làm công nỗ lực vì sự ổn định để tăng tiến về kinh nghiệm và mong muốn phụng sự cho công ty - những mục đích mà ai cũng thuộc lòng khi trả lời phỏng vấn xin việc - đều không là thực chất. 

Điều này được phản ánh qua vô số lời than phiền có thể bắt gặp ở bất cứ diễn đàn nào của các cấp quản lý trong mảng tư nhân: Nhân viên bây giờ coi công ty như các quán trọ ngắn ngày! Thực chất đấy là sự đối xử có qua có lại giữa chủ và người làm công trong tình cảnh công ăn việc làm đang hồi bĩ cực, trong khi đáng ra nó phải là ngược lại: Có việc thì phải giữ.

Thị trường việc làm đang khắc nghiệt hơn những tin tức lạc quan được loan hằng ngày. Có việc làm, giữ được khách hàng cũ, có khách hàng mới, đang cần được hiểu là chuyện không chỉ của cá nhân, tổ chức mà còn là chuyện của cả quốc gia nữa.■

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 2-2023 là khoảng 940.000 người, tăng 55.000 so với quý trước và tăng 59.000 so với cùng kỳ năm trước và lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tác động nhiều nhất, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Số lao động ở các ngành dệt may, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học trong quý 2-2023 đều giảm so với quý trước lần lượt là 142.000, 17.000 và 30.000 người. Tỉ lệ lao động phi chính thức tăng lên ở hầu hết các vùng kinh tế - xã hội, đặc biệt ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Tỉ lệ lao động phi chính thức của hai vùng này lần lượt là 55,8% và 47,5%, tương ứng tăng lần lượt 0,4 và 1,9 điểm phần trăm so với quý trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận