02/11/2013 14:53 GMT+7

Việc làm ở đâu cho "dân số vàng"?

MaiCong
MaiCong

TTCT - Ngày 1-11-2013, Việt Nam đón chào sự ra đời của công dân thứ 90 triệu. Hai năm trước, những lưu ý sớm về một thời điểm đặc biệt trong cấu trúc dân số của Việt Nam - “dân số vàng” - đã được TTCT nêu với mong muốn Việt Nam tận dụng được tốt nhất những cơ hội phát triển từ đây.

Nhưng từ đó đến nay, những người nghiên cứu và vận động chính sách như PGS.TS Giang Thanh Long (*) vẫn đang có nhiều trăn trở đối với vấn đề này.

HiLPyAjt.jpgPhóng to
PGS.TS Giang Thanh Long - Ảnh nhân vật cung cấp

Ông Long cho biết: “Chúng ta đang đối mặt nhiều thách thức liên quan khu vực dân số “đông” người lao động. Điều tra lao động việc làm năm 2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ lệ lao động qua đào tạo trên cả nước khá thấp: với nam giới là 17,4%, nữ giới là 13,7%.

Con số này vô cùng chênh lệch nếu so sánh giữa nông thôn và thành thị: khoảng 1/3 lao động nam ở thành thị đã qua đào tạo, ở nông thôn chỉ là 10,5%; gần 28% lao động nữ ở thành thị được đào tạo, ở nông thôn chỉ có 7,8%.

Năng suất lao động của Việt Nam cũng tăng rất chậm so với các nước trong khu vực, thấp hơn Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và còn xa mới bằng Hàn Quốc (xem biểu đồ). Cùng với “dân số vàng”, “dân số già” của Việt Nam cũng tăng nhanh chóng và đòi hỏi phải chuẩn bị chính sách để khiến “dân số vàng” hiện nay không trở thành gánh nặng khi họ trở thành “dân số già” trong vài thập kỷ tới”.

* Cái khó nhất cho Việt Nam trong việc tận dụng số dân trong độ tuổi lao động rất dồi dào hiện nay là gì?

- Có hai câu hỏi quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng nguồn lực này. Thứ nhất, làm thế nào để tạo đủ việc làm cho họ? Thứ hai, làm thế nào để nâng cao năng suất lao động?

Giải quyết câu hỏi thứ nhất sẽ giúp tạo được một dân số hoạt động kinh tế lớn, đặc biệt là nhóm dân số thanh niên - với vai trò là nhóm dân số sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Giải quyết câu hỏi thứ hai sẽ làm tăng chất lượng của tăng trưởng. Gắn liền với hai câu hỏi này là một nhóm các chính sách nhất quán, có tính hỗ trợ cao trong cả ngắn hạn và dài hạn về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, lao động và việc làm...

* Nếu không giải quyết được hai điều đó, hệ lụy sẽ là gì?

“Thách thức lớn nhất đối với việc tận dụng cơ cấu dân số vàng là giáo dục - đào tạo - việc làm và chăm sóc sức khỏe. Hệ thống dạy nghề hiện nay chưa hiệu quả. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tuy đã được cải thiện nhưng chất lượng dịch vụ, nhất là cho các nhóm người dễ bị tổn thương, còn yếu”.

PGS.TSGiang Thanh Long

- Cơ hội dân số chỉ là điều kiện cần, còn chính sách là điều kiện đủ để hiện thực hóa các cơ hội dân số đó cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Kinh nghiệm nhiều nước (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) chỉ ra rằng nắm bắt được cơ hội sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi vượt bậc của nền kinh tế, ngược lại không nắm bắt được thì gánh nặng và hệ lụy kinh tế - xã hội sẽ vô cùng lớn.

Thái Lan là một ví dụ khi không phát huy được cơ cấu dân số vàng và bị quốc tế đánh giá đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” suốt nhiều năm, tức là năng suất lao động có tăng nhưng không đáng kể, không đưa thu nhập của Thái Lan vượt khỏi ngưỡng trung bình được.

Vấn đề là trong khi lực lượng thanh niên ngày càng lớn, nếu chúng ta tạo được công ăn việc làm, đặc biệt trong những ngành có thế mạnh, thì không chỉ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mà còn cải thiện thu nhập, vị thế của thanh niên trong xã hội, từ đó quay lại tạo động cơ thúc đẩy họ tiếp tục cống hiến.

Ngược lại, nhu cầu tiêu dùng cao nhưng lại không có việc làm hoặc việc làm có thu nhập thấp, bấp bênh do không có tay nghề, kỹ năng đáp ứng thị trường lao động thì thách thức về tệ nạn xã hội là rõ ràng.

* Vài năm gần đây tình trạng thanh niên thất nghiệp dẫn đến những tích tụ nguy hiểm về mặt xã hội ở một số nước như Anh, Pháp, Mỹ... Tham khảo cho Việt Nam từ vấn đề này là gì?

- Như đã nói ở trên, thanh niên là nhóm dân số rất quan trọng xét về góc độ kinh tế: họ vừa là động lực cho sản xuất, vừa là động lực cho tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là thất nghiệp sẽ gắn liền với khủng hoảng ở cả hai chiều sản xuất và tiêu dùng.

Nhu cầu tiêu dùng cao trong khi không có việc làm (tức là không có thu nhập) ắt dẫn đến những căng thẳng trong cuộc sống. Chưa kể nếu thanh niên - với hình ảnh của những người năng động, luôn tìm tòi - lại bị “khống chế” bởi những chính sách chưa phù hợp thì xung đột xảy ra là chuyện cũng dễ hiểu.

Không chỉ ở các nước đã nêu trên mà ở ngay Việt Nam, tình trạng thanh niên không có việc làm hoặc rất khó khăn khi tìm việc làm phù hợp cùng nhiều vấn đề xã hội đang xảy ra với thanh niên là những chuyện phải giải quyết sớm, nhất là khi tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi.

* Hai năm trước, TTCT đã đề cập vấn đề này. Theo ông, đến nay Việt Nam đã thực hiện được bao nhiêu phần của những khuyến nghị đưa ra từ đó? Ông đánh giá thế nào về việc lồng ghép những yếu tố biến đổi của cơ cấu dân số vào các chính sách khác?

- Chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể thì rất khó nói chúng ta thực hiện được bao nhiêu phần. Cá nhân tôi có tham gia vận động chính sách thì nhận thấy vài năm gần đây, nhờ sự thay đổi lớn về thông tin, có nhiều dữ liệu, nghiên cứu hơn và có sự tư vấn của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nên nhiều người làm chính sách - trước khi đặt bút đưa ra chính sách đó - đã có suy nghĩ làm thế nào để có chính sách phù hợp.

Trong việc xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách của các bộ, ngành, yếu tố dân số ngày càng được đề cao và thể hiện rõ hơn, ví dụ chiến lược kinh tế - xã hội, chiến lược việc làm, chiến lược đào tạo nghề... đều lấy biến đổi dân số (cơ cấu tuổi dân số) làm cơ sở để xây dựng.

Tuy nhiên, việc lồng ghép biến đổi dân số trong chính sách ở Việt Nam mới chỉ là bước khởi đầu, trong đó sự gắn kết giữa các nhà nghiên cứu và nhà xây dựng, thực hiện chính sách vẫn chưa đủ chặt chẽ để có những chính sách toàn diện, đồng bộ, nhất quán mà ở đó dân số - con người thật sự là yếu tố trung tâm.

HƯƠNG GIANG thực hiện

(*): Phó viện trưởng Viện Chính sách công & quản lý, phụ trách chương trình cao học kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân)

Thanh niên Việt Nam chật vật tìm việc ổn định

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định chất lượng việc làm của thanh niên Việt Nam từ 15-29 tuổi đang “gióng lên hồi chuông báo động” sau khi cùng Tổng cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra quốc gia mang tên “Chuyển tiếp từ trường học tới việc làm” đầu năm nay.

nevcJQ1P.jpgPhóng to

Cuộc điều tra cho thấy 59% thanh niên Việt Nam đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động, tìm được công việc ổn định hoặc việc làm tạm thời mong muốn hoặc tự tạo việc làm (tỉ lệ nam nhiều hơn nữ). Khoảng 23% thanh niên chưa bắt đầu quá trình chuyển tiếp, chủ yếu vì vẫn đang đi học, số còn lại đang trong quá trình chuyển tiếp.

Cuộc điều tra cho thấy điều đáng lo ngại: những người đang trong quá trình chuyển tiếp đã mất trung bình sáu năm vật lộn tìm kiếm một công việc ổn định hoặc làm họ hài lòng mà vẫn chưa có kết quả.

Một vấn đề khác là trong 10 thanh niên (15-29 tuổi) lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, khiến thu nhập của họ thấp hơn mức đáng lẽ họ có thể được hưởng và họ không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng năng suất lao động của mình.

Trong khi phần lớn chương trình đào tạo bị chỉ trích không trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng mà thị trường lao động cần thì tình trạng trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu công việc cũng dẫn đến hậu quả không phát huy hết năng suất lao động của thanh niên.

Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki nhận định lực lượng lao động trẻ dồi dào rồi sẽ sớm qua thời đỉnh cao của họ nên “nếu không tận dụng được cơ hội, Việt Nam sẽ phải chịu những tổn thất về dài hạn”.

Dự kiến cuối năm 2013, kết quả đầy đủ của điều tra sẽ được công bố chính thức. Các nhà nghiên cứu hi vọng nó sẽ bổ sung thông tin thị trường lao động dành riêng cho thanh niên và giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách.

Năm 2009, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tương đương 14,9% của Singapore, 9% của Mỹ, 40% của Thái Lan và 52,6% của Trung Quốc.

So sánh năng suất lao động trong khu vực chế biến chế tạo (khu vực được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng năng suất của Việt Nam), kết quả của Việt Nam còn thấp hơn nữa. Nếu lấy mốc năng suất của Mỹ vào năm 2000 là 100 thì năng suất của khu vực chế tác trong cùng năm đó của Việt Nam tương ứng là 2,4; của Ấn Độ là 4,3; của Indonesia là 5,2; của Trung Quốc là 6,9; của Thái Lan là 7; của Malaysia là 15,1; của Singapore là 55,3 và của Hàn Quốc là 63,6. (biểu đồ)

(Nguồn: Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010)

MaiCong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên