TTCT - Phụ nữ mất chi phí cơ hội ra sao khi phải dành thời gian đáng lẽ có thể trau dồi chuyên môn hoặc làm ra sản phẩm với giá trị cao hơn để rửa bát quét nhà? Minh họa: The Telegraph Vào những dịp tôn vinh phụ nữ như ngày 20-10 hay 8-3, cánh đàn ông Việt vẫn thường tự trào về việc sẽ xắn tay rửa bát quét nhà chăm con và vô số việc nhà khác "hộ" nữ giới trong một ngày. Nhưng nếu một ngày tất cả phụ nữ đình công, không làm công việc chăm sóc thì sao?Hàng chục triệu phụ nữ, làm các công việc hoàn toàn khác nhau, từ làm nông, giáo viên, bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư… mất chi phí cơ hội ra sao khi phải dành thời gian đáng lẽ có thể trau dồi chuyên môn hoặc làm ra sản phẩm với giá trị cao hơn để rửa bát quét nhà? Bài toán quy đổi không hề dễ dàng nhưng cũng đủ để lật lại một vấn đề: thời gian lao động không lương cho các công việc chăm sóc đang làm phụ nữ trở nên nghèo thời gian, làm phụ nữ mất đi quỹ thời gian giải trí, chăm sóc bản thân, mất đi cơ hội trau dồi chuyên môn hay thăng tiến.Nếu phụ nữ đình công việc nhà...Theo số liệu Điều tra lao động việc làm Việt Nam năm 2021, thời gian phụ nữ đang phải làm việc nhà nhiều gấp đôi nam giới (20,2 giờ so với 10,7 giờ mỗi tuần), thậm chí có tới 1/5 nam giới không dành bất kỳ chút thời gian nào để giúp việc nhà.Vì vậy, nếu kịch bản nữ giới đình công việc nhà xảy ra, sẽ rắc rối lớn. Lúc đó lần đầu tiên, 1/5 đàn ông chưa từng làm việc nhà sẽ phải cuống lên đi làm về đón con, qua chợ tay xách nách mua thực phẩm, về tới nhà vừa hò hét con cái học hành vừa giặt giũ cơm nước, chăm sóc cha mẹ già… Từ chỗ làm việc nhà bằng nửa phụ nữ, đàn ông sẽ phải làm gấp đôi.Ngày nào cũng đến tận nửa đêm mới được ôm tấm lưng nhức mỏi bò lên giường, những người đàn ông muốn tiếp tục học hành, thăng tiến sẽ chẳng còn thời gian nào mà nghĩ tới việc học những kiến thức mới mẻ, hoặc phải đợi con cái đi ngủ rồi mới thức đêm trau dồi chuyên môn. Đương nhiên là lúc đó thị trường bia hơi vỉa hè sẽ giảm mạnh, vì đàn ông làm gì còn thời gian uống bia. Thị trường dịch vụ làm việc nhà sẽ trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết và tất nhiên, giá dịch vụ tăng phi mã.Đó hoàn toàn không phải là câu chuyện tự trào. Nếu không bị mặc nhiên gắn chặt với bổn phận phải chăm sóc, phải làm việc nhà, phụ nữ có nhiều cơ hội hơn để tham gia các hoạt động kinh tế khác có giá trị hơn.Một vấn đề khác: nếu phải đi thuê người làm (vì phụ nữ đã đình công), có phát sinh giao dịch kinh tế, thì việc nhà sẽ được coi là có giá trị đóng góp cho nền kinh tế. Nhưng ngược lại, nếu không phải thuê dịch vụ, những người mẹ, người vợ, người con gái trong gia đình tự làm lấy, thì công việc nhà được coi là việc không công - việc của bổn phận chăm lo và trước đây chưa được quan sát, đo lường, từ đó tính toán đầy đủ các giá trị kinh tế do người phụ nữ tạo ra cho xã hội.Tóm lại, trước đây tồn tại một nghịch lý là khi gán cái mác "bổn phận chăm lo" với những việc nhà không tên mà phần lớn phụ nữ đang đảm nhiệm, thì mặc nhiên bổn phận mang lại giá trị 0 đồng. Và, từ "bổn phận" này đã khiến phép thống kê ở quy mô quốc gia bỏ qua một biến số: những công việc ngốn tới hơn 20 giờ lao động của phụ nữ mỗi tuần cho việc nhà trở thành vô hình, không quan sát được.Về phía người phụ nữ, việc luôn được gắn với những mỹ từ, danh xưng tưởng thưởng gợi nên hình tượng hoàn hảo ba đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà càng khiến phụ nữ và cả xã hội tin rằng mình phải gắn với công việc chăm sóc. Suốt nhiều năm, công việc này rơi vào điểm mù trong cả tâm thức nam giới, nữ giới cho đến các thống kê về lao động việc làm.Bài toán việc nhà nghìn tỉ đôNhưng những năm gần đây, các số liệu thống kê lao động việc làm trên thế giới bắt đầu đo lường được thời gian làm việc nhà của phụ nữ, sau đó quy đổi ra giá trị kinh tế của các hoạt động này.Năm 2022, Oxfam đo lường ở quy mô toàn cầu, nếu quy thành tiền, công việc chăm sóc không được trả lương do phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đang làm trên toàn cầu trị giá ít nhất 10,8 nghìn tỉ đô la mỗi năm (Báo cáo Công việc chăm sóc không lương hoặc lương thấp và cuộc khủng hoảng bất bình đẳng trên toàn cầu).Dù chỉ dựa trên mức lương tối thiểu chứ chưa phải mức lương đủ sống (vì chưa đủ dữ liệu về mức lương đủ sống ở các quốc gia khác nhau trên thế giới), ước tính này cũng cho thấy một con số khổng lồ về đóng góp ngoài công việc chính của phụ nữ. Theo đánh giá của Oxfam, những đóng góp chưa từng được gọi tên ấy có giá trị gấp ba lần ngành công nghệ mang lại.Kể từ năm 2018, Việt Nam cũng bắt đầu bổ sung được thông tin về thời gian làm việc của nam và nữ trong các cuộc Điều tra lao động việc làm (và cũng nhờ đó chúng ta mới có kịch bản tự trào ở đầu bài viết cụ thể tới bao nhiêu giờ lao động). Nhưng để đi được đến cách tính thống nhất về giá trị kinh tế của những công việc không tên mà phụ nữ Việt Nam đang làm, chiếm tới hơn 20 giờ mỗi tuần, lại không dễ dàng, và đến giờ chưa có quy đổi.Chúng ta sẽ còn phải chờ các nhà thống kê, nhà kinh tế Việt Nam nghiên cứu, quy đổi, tính toán giá trị thị trường của từng loại hình làm việc nhà. Vì trên thực tế một phụ nữ đảm nhiệm nhiều việc khác nhau vào cùng một thời điểm, mỗi công việc đòi hỏi kỹ năng và chuyên môn khác nhau, có công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn như cơm nước, dọn dẹp, khâu vá nhưng dạy dỗ con cái lại là một công việc đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kỹ năng.Cuộc khủng hoảng chăm sóc gần kềYêu cầu phụ nữ phải giỏi việc nước đảm việc nhà nhưng hầu như không thừa nhận các giá trị kinh tế từ các hoạt động chăm sóc của phụ nữ không chỉ bất công trong cách nhìn nhận, đánh giá khả năng tạo ra giá trị của phụ nữ, mà còn tước đi cơ hội công bằng cho phụ nữ.Vì phụ nữ nghèo thời gian, lâu nay vẫn luôn tồn tại khoảng cách giữa nam và nữ về số tiền kiếm được, cơ hội học hành, cơ hội thăng tiến hay thời gian dành cho những hoạt động ngoài xã hội… (chưa kể tới các bất bình đẳng khác về định kiến giới, phân biệt đối xử). Một trong các chứng minh của giáo sư Claudia Goldin, khôi nguyên giải Nobel kinh tế năm nay, là bà cho thấy sự khác biệt về thu nhập giữa nam và nữ lúc bắt đầu sự nghiệp là không đáng kể. Nhưng ngay khi có đứa con đầu lòng, thu nhập của phụ nữ giảm xuống so với nam giới và không thể tăng với tốc độ như của nam giới được nữa, bất luận phụ nữ có nỗ lực, có cùng trình độ học vấn và nghề nghiệp như nam giới.Ở Việt Nam, cũng đã có đo lường cho thấy việc sinh thêm con ảnh hưởng tới thời gian tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Với nhóm trẻ 21-35 tuổi, sinh thêm con làm giảm mức độ tham gia của người mẹ vào thị trường lao động tới 10,2 điểm phần trăm. Đối với những người phụ nữ lớn tuổi hơn (36-50 tuổi), thường đã có việc làm ổn định, việc sinh thêm con không ảnh hưởng đến việc tham gia thị trường lao động nhưng làm giảm 1,8 giờ thời gian làm việc hằng tuần của người mẹ(*). Tất cả chỉ vì bổn phận chăm sóc đã ngốn thời gian và tâm sức của phụ nữ.Thị trường dịch vụ chăm sóc ngày càng đắt đỏ, những gánh nặng kép của việc giỏi việc nước đảm việc nhà, trách nhiệm chăm sóc quá nặng nề cộng với sức ép của đời sống kinh tế đã khiến phụ nữ ở nhiều quốc gia (gồm cả Việt Nam) dần không dám sinh hai con - đủ mức sinh thay thế nữa.Rõ ràng, hiệu ứng cánh bướm từ những bàn tay phụ nữ làm việc nhà đã dẫn tới những tác động cho toàn xã hội, từ chục nghìn tỉ đô la đến việc xã hội có thêm nguồn nhân lực mới hay không. Và càng thiếu hụt lao động thì thị trường dịch vụ chăm sóc, làm việc nhà càng thiếu hụt và đắt đỏ. Điều này lại trở thành vòng luẩn quẩn gánh nặng đè lên phụ nữ.Để giải quyết tình thế của quốc gia, các báo cáo quốc tế đều khuyến nghị các quốc gia bắt đầu từ những việc (tưởng như) nhỏ cho phụ nữ: xây dựng các hệ thống dịch vụ công, cơ sở hạ tầng công cộng phục vụ chăm sóc y tế, giáo dục, chăm sóc người già, trẻ em đến thiết kế một phần chế độ nghỉ thai sản cho nam giới để hỗ trợ phụ nữ chăm sóc trẻ.Nhưng sẽ không có một hạ tầng quốc gia nào thay thế được nhiều công việc tỉ mỉ rửa bát quét nhà chợ búa cơm nước. Điều này đòi hỏi thay đổi quá trình "xã hội hóa" nam giới và nữ giới từ khi còn nhỏ - nghĩa là dạy dỗ để thay đổi quan niệm, để việc nhà không phải là bổn phận của riêng phụ nữ.Căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động đối với nữ cũng đến từ những kỳ vọng về bổn phận chăm sóc của phụ nữ, liên tục thừa nhận và củng cố bằng các chuẩn mực xã hội, các chương trình tuyên truyền về vai trò ba đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà.Nếu chúng ta đã không ngừng nghỉ tuyên truyền về bổn phận chăm sóc của phụ nữ suốt trong truyền thống lịch sử, cho đến mấy chục năm vừa qua, thì đã đến lúc chúng ta làm điều tương tự với nam giới - về trách nhiệm san sẻ gánh nặng việc nhà với phụ nữ, xóa tư tưởng vẫn còn phổ biến về hình mẫu người đàn ông đích thực nghĩa là không làm các việc nhỏ bé.■(*) Children and female labor market outcomes in Vietnam (L.H. Vu et al., Heliyon 7(2021)) Dữ liệu khảo sát nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội vào năm 2020 cho thấy tỉ lệ không bao giờ tham gia vào công việc gia đình của nam giới trước năm 18 tuổi khá phổ biến, nhất là các việc đi chợ/nấu ăn, trông nom/chăm sóc người thân, sửa chữa nhà cửa/đồ đạc (tương ứng ở mức 37,93%, 32,55% và 30,49%). Nghiên cứu này cũng cho thấy mối quan hệ tương quan giữa làm việc nhà từ nhỏ của nam giới ảnh hưởng đến thói quen cho đến khi trưởng thành. Tags: Làm việc nhàGiúp việc nhàQuỹ thời gianNgười phụ nữPhụ nữ việt namDạy dỗ con cáiDành thời gianNgười con gái
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.