Thay vì tụ về “cụm thi địa phương” thì sẽ có nhiều điểm thi khác nhau tại các trường. Đương nhiên, kèm theo đó phải bố trí lực lượng đủ để đảm bảo kỷ cương kỳ thi. Làm như thế sẽ thuận cho thí sinh, chỉ khó khăn, vất vả hơn cho người tổ chức kỳ thi |
GS NGUYỄN MINH THUYẾT |
Một tiết học môn toán của học sinh lớp 12A4 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Theo dự kiến của Bộ GD-ÐT, mỗi cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 có ít nhất thí sinh của hai tỉnh, thành. Tại các tỉnh khó khăn, có thể tổ chức các cụm thi tại tỉnh cho học sinh không có nguyện vọng thi ÐH.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam khẳng định: “Về nguyên tắc việc gì khó cho ngành nhưng thuận lợi cho dân thì phải làm, việc thuận lợi cho ngành nhưng khó cho dân thì không nên làm. Theo Bộ GD-ÐT, có khoảng 20% học sinh không có nguyện vọng thi ÐH-CÐ mà chỉ muốn thi để công nhận tốt nghiệp THPT. Cứ tạm tính 10% thì cũng có khoảng 100.000 học sinh không có nguyện vọng xét tuyển ÐH-CÐ năm tới, trong đó có nhiều học sinh ở vùng khó khăn. Ðưa ra một chính sách không thể để cho cả trăm ngàn thí sinh gặp khó khăn được”.
Ðể rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ đưa thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo về việc này.
|
* GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Nên để học sinh thi tại trường
Trước đây tôi từng có ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu công nhận việc hoàn thành chương trình THPT của học sinh thì nên giao cho các trường THPT tổ chức, với sự giám sát của các sở GD-ÐT. Còn việc tuyển sinh ÐH-CÐ nên giao cho các trường ÐH-CÐ quyết định, tổ chức.
Bộ GD-ÐT là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ nên lo xây dựng chính sách chứ không nên ôm việc của các địa phương, các trường. Nhưng bây giờ khi ta đã quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia rồi, cũng không còn bao lâu nữa học sinh sẽ bước vào kỳ thi này, vì vậy chỉ nên bàn giải pháp làm sao để tổ chức tốt và tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh.
Việc đặt ra loại cụm thi địa phương (tại tỉnh) theo tôi là một phương án dở. Vì thí sinh dự thi tại cụm này là đối tượng không có nguyện vọng thi ÐH, sẽ không được sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển ÐH-CÐ. Như vậy nếu sau này thí sinh đổi ý muốn xét tuyển ÐH-CÐ sẽ gặp khó khăn.
Trong khi đó, nếu đã mất công di chuyển một chặng đường xa, tốn kém tiền nong để dự thi tại cụm thì thí sinh sẽ chọn cụm thi ÐH chứ không cần chọn cụm địa phương làm gì. Vì thế khi đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì chỉ nên có một loại cụm thi.
Những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện và nhu cầu xét tuyển ÐH-CÐ thì nên cho các em dự thi tại trường, như cách tổ chức trước đây đối với kỳ thi tốt nghiệp. Có ý kiến cho rằng với “đối tượng thi tại trường” nên cho các em thi riêng (đề thi, thời gian khác kỳ thi chung) để đảm bảo tính bảo mật đề thi quốc gia và kỳ thi tại trường này có thể tổ chức nhẹ nhàng hơn.
Theo tôi, việc này là không nên, vì cũng cùng mục đích “xét tốt nghiệp THPT” thì không nên có hai kỳ thi, trong đó lại có kỳ thi nhẹ nhàng hơn. Nếu theo nguyên tắc mà phó thủ tướng đã nêu, chọn phương án khó cho ngành nhưng thuận lợi cho thí sinh thì tôi nghĩ vẫn nên để tất cả các em học sinh dự thi chung một đợt, một đề thi thống nhất.
Nhưng với những học sinh vùng khó dự thi tại trường thì chính quyền địa phương, ngành GD-ÐT phải vào cuộc để huy động lực lượng tổ chức nghiêm túc, đảm bảo tính bảo mật đối với đề thi.
|
* TS NGUYỄN TÙNG LÂM (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
Nên bố trí mỗi tỉnh một cụm thi
Việc đặt cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giao cho các trường ÐH chủ trì là quyết định được đánh giá có thể bảo đảm sự khách quan, công bằng và nghiêm túc trong kết quả thi.
Tuy nhiên, từ thực tế điều kiện địa lý và nhiều yếu tố khác nữa cho thấy việc bố trí mỗi tỉnh một cụm thi riêng là phương án phù hợp.
Vì với dự thảo quy định của Bộ GD-ÐT mỗi cụm thi có ít nhất thí sinh của hai tỉnh thì khu vực miền núi như Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, học sinh phải đi lại giữa tỉnh này với tỉnh kia để dự thi là cả một vấn đề nan giải.
Việc đặt tại mỗi tỉnh, thành phố một cụm thi không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho đi lại của các thí sinh bớt vất vả, mà còn nhằm làm rõ và tăng cường trách nhiệm của địa phương đối với cụm thi đặt tại địa bàn mình. Cụm thi nào để xảy ra sự cố hoặc thiếu trách nhiệm trong khâu chuẩn bị, tổ chức thi sẽ chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức cụm thi, điều khiến nhiều nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo băn khoăn là tại sao trong dự thảo lần này Bộ GD-ÐT đã quyết định chỉ tổ chức một loại hình cụm thi cho tất cả thí sinh, song lại vẫn đặt ra vấn đề đối với những tỉnh khó khăn sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp?
Ðặt giả thiết nếu những thí sinh thi tại cụm thi tỉnh sau khi có kết quả thi lại có nguyện vọng dự tuyển vào ÐH, CÐ thì sẽ xử lý như thế nào? Nên tránh tình trạng phân biệt cụm này chỉ dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT, cụm kia dành cho thí sinh dự tuyển vào ÐH, CÐ để tạo tâm lý thoải mái cho mọi thí sinh.
Việc giao cho các trường ÐH chủ trì tổ chức các cụm thi là quyết định phù hợp với điều kiện hiện nay và được dư luận tin tưởng. Dự thảo quy chế cũng đã hướng dẫn khá tỉ mỉ việc tổ chức các khâu cho kỳ thi, trong đó có khâu coi thi - khâu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Ðể tăng cường ý thức tự giác và nghiêm túc chấp hành quy chế của cả giám thị coi thi và thí sinh, Bộ GD-ÐT nên cân nhắc, xem xét việc giao cho đơn vị chủ trì, hoặc lãnh đạo hội đồng coi thi chủ động và chịu trách nhiệm trong xử lý vi phạm.
Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm quy chế thi, đơn vị chủ trì hoặc lãnh đạo hội đồng thi được quyền quyết định hình thức kỷ luật ngay trong hôm đó và công bố công khai trước toàn thể hội đồng.
Việc giải quyết dứt điểm và công khai kết quả xử lý chắc chắn sẽ làm chuyển biến đáng kể về ý thức chấp hành quy chế của các thành viên trong hội đồng coi thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận