TTCT - “Đã đến lúc khẩn thiết phải có cuộc đổi mới lần thứ hai để người dân làm giàu, quốc gia hùng mạnh lên. Hồi năm 1986 chúng tôi phải đổi mới vì áp lực thoát nghèo đói. Còn bây giờ động lực đổi mới ấy đã cạn rồi, nên cần phải tiếp tục đổi mới lần thứ hai để cuộc sống dân mình không tụt hậu hơn người ta, nâng tầm vị thế quốc gia” - cựu bí thư Tỉnh ủy An Giang, người “xé rào” nổi tiếng Nguyễn Văn Hơn ngày nào, chia sẻ với TTCT. Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trò chuyện với ông Sáu Hơn -QUỐC VIỆT chụp lại ảnh tư liệu Mươi năm trước, tôi gặp ông đã nghe ông trăn trở điều này. Lần gặp lại trong thời điểm đất nước khát khao sự đổi thay ở Đại hội Đảng XII, ý nguyện của ông Sáu Hơn càng cụ thể hơn. Ông thẳng thắn: “Nói gì thì nói, nhưng nếu đời sống đồng bào mình vẫn khó khăn là rõ ràng chúng ta đã thất bại, có lỗi vô cùng với nhân dân. Tôi đứt ruột nghe nơi này nơi kia con em công nhân bị hành hạ, thậm chí đến chết vì cha mẹ không có tiền gửi con vô nhà trẻ đàng hoàng. Tôi đọc báo mà xót lắm, thấy thất nghiệp nhiều quá, dân mình nghèo khổ phải đi lao động chui nhủi tứ xứ, kể cả chịu tủi nhục làm vợ xứ người. Suy cho cùng cũng là trách nhiệm của chúng ta...”. Ông Sáu Hơn: “Lắng nghe lòng dân muốn gì sẽ tìm ra giải pháp đúng” -QUỐC VIỆT Chúng tôi làm những gì dân muốn Ông Sáu Hơn khập khiễng từng bước ra tận đầu cổng đón khách. Gió lạnh cuối năm làm đôi chân rất yếu ở tuổi 88 của ông càng tê dại. Chỉ xấp báo trên bàn, ông tếu táo: “Chân cẳng tui bây giờ chỉ luẩn quẩn ở nhà, nhưng đầu tôi vẫn đi khắp nước, nghe khắp tiếng lòng người dân đấy chứ”. Ông kể dịp Đại hội XII vừa rồi trung ương có mời ông, cựu ủy viên trung ương, ra tham dự nhưng ông đành không đi được vì yếu quá. Tuy nhiên, ông ở nhà vẫn theo dõi sát sao diễn biến sự kiện quan trọng này và biết cả nỗi niềm đồng bào mong mỏi cháy bỏng sự đổi thay... “Thời kỳ nào cũng thế, mình làm được điều người dân trông đợi là chắc chắn đúng rồi. Còn ngược lại sẽ trật lất, hậu quả nặng nề lắm”. Ngược trở lại những năm khó khăn thập niên 1980, ông Sáu Hơn kể hồi đó đi đến đâu cũng thấy đói nghèo. Đất nước nông nghiệp, hơn 70% nông dân mà quay quắt chuyện chén cơm độn. Lãnh đạo lúc ấy như các ông Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... tất tả ngược Bắc xuôi Nam chỉ vì lương thực. Những nỗi lo đến bạc đầu. Những cuộc họp đến nửa khuya chưa dứt. Ai cũng đau đáu cảnh ngay trên mảnh đất phì nhiêu mà nông dân lại phải bưng chén độn bo bo qua ngày. Toàn bộ mạch máu lưu thông thị trường bị chặn đứng bởi những chính sách sai lầm, xa lìa thực tế. Có nơi, có lúc lúa gạo đổ đống đến mục ra để làm phân. Nhiều chỗ dân lại đói đến mức không còn sức cầm cuốc. Ngay tỉnh An Giang từng có vụ lúa chín đầy đồng mà nông dân không thèm thu hoạch vì chính sách không cho họ hưởng. Tỉnh phải huy động cả nhân viên, học sinh đi gặt thay ... Tại sao như vậy? Cựu bí thư An Giang nói sau 30 năm đổi mới đã có điều kiện trả lời ngọn nguồn giai đoạn lịch sử chìm ngập khó khăn này. Hậu quả chiến tranh, thiên tai đều có, nhưng nặng nề nhất vẫn chính là sai lầm của con người. Cũng như hiện nay nhiều địa phương đang nỗ lực tìm con đường phát triển của mình, thời của ông vấn đề sinh tử này gọi là “tự cứu mình” hay “xé rào”. “Thật ra giải pháp đâu có gì ghê gớm. Tất cả đều ở trong dân. Nếu mình thật sự lắng nghe đồng bào, hiểu đồng bào mong muốn gì sẽ tìm ra giải pháp đúng” - ông nói. An Giang đã thực hiện cuộc “địa chấn” nông nghiệp mà có người lo lắng “sẽ lắm ông mất chức, đi tù”. Thấy thực tiễn người dân khát khao có đất sản xuất, tỉnh quyết trả lại đất cho họ. Nhưng ở thời mọi thứ đều thuộc sở hữu tập thể, Nhà nước, việc trả lại đất cho dân là hết sức nghiêm trọng, có thể vi phạm những nguyên tắc cứng nhắc. Để giảm nhẹ vấn đề, ông Sáu Hơn dùng từ “đưa đất” về hộ gia đình nông dân, biến họ thành đơn vị sản xuất cơ bản. “Nguyên tổng bí thư Trường Chinh vi hành thực tế mô hình xé rào ở các địa phương như Hải Phòng, TP.HCM, Long An, An Giang... Một số anh em lãnh đạo địa phương lo lắng không biết ông đánh giá thế nào. Ai cũng hiểu ông là người rất nề nếp, kỷ cương, đường lối” - cựu bí thư An Giang nhớ lại ông Trường Chinh đã xuống tận nông dân, nhìn tận mắt sinh khí đổi mới, lắng nghe họ tâm sự tại sao khi làm tập thể thì chống cuốc nhìn nhau, còn khi ruộng về tay lại hăng hái đổ mồ hôi. Ông Sáu nhớ lại: “Chúng tôi chỉ thật sự nhẹ lòng khi thấy ông Trường Chinh cười giữa đồng lúa trĩu bông. Không phê phán, ông còn góp ý An Giang nên bỏ chữ hộ gia đình là đơn vị sản xuất cơ bản thành tự chủ. Cái nghĩa tự chủ rõ hơn, mạnh hơn”. Có buổi ông Trường Chinh còn leo lên núi ở Giồng Ông Thê, huyện Thoại Sơn nhìn toàn cảnh cánh đồng An Giang. Ông đang vui vẻ, chợt hỏi lãnh đạo địa phương: “Chú trả lời tại sao nửa đồng lúa trồng kín hết, còn nửa kia lại toàn bưng biền hoang phí?”, ông Sáu Hơn trả lời: “Dạ thưa anh, bên đó là tỉnh khác, An Giang không làm được. Nếu không, dân đã cày hết rồi”. Nguyên tổng bí thư im lặng, trầm ngâm... Ông Sáu Hơn dẫn đoàn lãnh đạo trung ương đi thăm mô hình đổi mới nông nghiệp An Giang -QUỐC VIỆT chụp lại ảnh tư liệu Tạo mọi điều kiện cho dân làm giàu 30 năm sau đổi mới, nhắc nhớ chuyện “xé rào” một thời, cựu bí thư An Giang lại khập khiễng dẫn tôi vào phòng trong để giới thiệu những tấm ảnh kỷ niệm khó quên. Đây là ông Trường Chinh đang xuống nông dân. Kia là ông Võ Văn Kiệt. Bên cạnh là ông Chín Cần, tức bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính, bạn tâm giao dám làm dám chịu với ông Sáu Hơn... Lần giở những tấm ảnh đã ố màu thời gian, ông Sáu Hơn tâm sự cốt lõi đổi mới kinh tế ở An Giang cũng như cả nước lúc ấy là trả lại ruộng đất về tay nông dân. Nhưng để dân nghèo sản xuất được, tỉnh phải tiếp tục “xé” thêm nhiều rào cản khác. “Nhắc lại khó tin, nhưng hồi ấy có quy định ngân hàng là nông dân vay tiền mua xăng dầu chạy máy cày phải trả bằng xăng dầu. Tôi yêu cầu ngân hàng phải thay đổi kiểu lạ đời này. Họ than sợ trung ương. Tôi nói cứ làm đi, có gì tôi chịu trách nhiệm. Vậy là thông, dân có thêm điều kiện làm ăn. Mình chỉ vì dân chứ có vì gì đâu mà sợ” - ông nhớ lại. Dần dần nông dân miền Nam trở lại làm chủ ruộng đồng, chứng tỏ lần nữa khả năng làm ra hạt lúa. Trong lúc miền Nam đã dư gạo ăn, miền Bắc vẫn thiếu đói. Hạt gạo đồng bằng sông Cửu Long chi viện đồng bào miền ngoài phải đi “công vụ” bằng tàu xe chính phủ vẫn không kịp. Áp lực từ chính miếng cơm manh áo dần buộc phải xóa bỏ thêm rào cản ngăn sông cấm chợ. Ông Sáu Hơn kể trung ương giải tỏa quy định này không chỉ dân vui, mà nhiều cán bộ cũng mừng ứa nước mắt. Một thời làm lãnh đạo cũng mắc cỡ lắm khi phải thò bút mực ký “công lệnh” cho nông dân được phép mang bao gạo của chính mình đi cho con cái họ ăn. “Nhiều năm nữa không biết thế hệ sau tiếp tục đánh giá giai đoạn khủng hoảng vì sai lầm của thời kỳ trước đổi mới thế nào, công tội cha anh ra sao. Nhưng chúng tôi vẫn thanh thản vì đã dám từ bỏ cái cũ, chọn thay đổi từ chính khát khao đổi thay của người dân” - ông Sáu Hơn nhắc lại chính thực tiễn đời sống nông dân đã dẫn đến bước ngoặt đổi mới lần thứ nhất năm 1986. Nhưng lịch sử dân tộc cũng may mắn là đất nước lúc ấy đã có những lãnh đạo dám nhận sai lầm để sửa sai. Những người như nguyên tổng bí thư Trường Chinh đã chọn thay đổi, bỏ đi bức màn đen đêm trước đổi mới. Những lãnh đạo tiếp theo như ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt đã đưa dân tộc lên con đường phát triển... Cơn mưa xuân bất chợt rải màn nước mỏng như sương xuống mảnh sân nhà lác đác những cánh mai. Cựu bí thư An Giang đang miên man chuyện xưa, sôi nổi hẳn lên khi nghe tôi đề cập thời sự hôm nay. Ông nói muốn dân giàu, nước mạnh phải phát triển kinh tế. Nhưng đẩy mạnh mũi nhọn kinh tế nào? Đây là lúc cần phải mở tối đa cả chiều rộng lẫn chiều sâu cho kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế năng động, giải quyết nhiều công ăn việc làm, đóng góp GDP cao nhất. Họ tự xoay xở, vượt khó bằng chính nội lực mình, chẳng trông cậy đâu. Trong khi đó kinh tế quốc doanh được hưởng đặc quyền đặc lợi cơ chế, đất đai, cơ sở hạ tầng, vốn liếng từ đồng thuế người dân suốt nhiều năm qua chỉ chứng tỏ sự yếu kém, tham nhũng lớn, gây mất niềm tin nặng nề và gây thêm khó khăn cho đời sống người dân. “Cũng như thực tiễn đời sống người dân quá khốn khó buộc chúng ta phải chọn bước ngoặt thay đổi lịch sử năm 1986, suốt 30 năm đổi mới khu vực kinh tế nhà nước đã không chứng tỏ được vai trò chủ đạo, nên phải dũng cảm giải quyết khối bệnh này. Hãy đưa kinh tế tư nhân lên vị trí quan trọng nhất mà nó đáng được hưởng. Một thời kỳ lịch sử chúng ta đã sai lầm, nghi ngờ, gây khó khăn, thiệt hại cho người biết làm giàu. Đây là lúc cần phải tạo tất cả điều kiện cho kinh tế tư nhân để người dân yên tâm làm giàu chân chính” - ông quả quyết. Trở lại thời sự người nông dân, ông Sáu Hơn vẫn trăn trở vì người làm ra hạt lúa đã vượt qua cái đói quay quắt của 30 năm trước, nhưng nhiều nơi hiện nay họ vẫn không thể khá được. Chính sách tam nông tạo động lực cho nông dân làm giàu, có nơi đang thực hiện đúng, nhưng nhiều nơi chỉ phô trương hình thức, gây nợ nần thêm cho ngân sách mà suy cho cùng cũng đều từ đồng thuế mồ hôi nước mắt của dân. Ông nhắc: “Nông dân chỉ làm ra hạt lúa. Còn khâu chế biến sau thu hoạch, kinh doanh tạo thêm lợi nhuận phải trông chờ người khác. Suốt thời gian dài trách nhiệm này chủ yếu giao cho quốc doanh. Nông dân chưa kịp cười được mùa đã thường xuyên phải khóc mếu vì mất giá. Đây là lúc phải mở rộng cơ chế thị trường, tạo thêm điều kiện cho tư nhân tham gia sâu rộng vào kinh doanh xuất khẩu sản phẩm của nông dân. Thực tế cho thấy chỉ khu vực kinh tế nào có tư nhân tham gia mới cạnh tranh năng động và phát triển được”. Người một thời “xé rào” để nông dân thoát cảnh nghèo đói giờ lại suy tư làm sao để đồng bào mình giàu lên...■ Tags: Lòng dân
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.