Đạo diễn Việt Linh giới thiệu tập sách Giấy không gói được than cháy dở vào sáng 20-1 tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: L.Điền
1. Buổi sáng cuối tuần (20-1), đạo diễn Việt Linh dành thời gian trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp và độc giả của mình tại Đường sách TP.HCM nhân dịp quyển sách mới của chị: Giấy không gói được than cháy dở.
Quyển sách tập hợp các bài viết riêng về điện ảnh của đạo diễn Việt Linh, nói theo cách chị ví von, "bạn đọc có thể coi đây như một cách xem phim bằng chữ của tôi".
Nói vậy, nhưng để đạt đến mức độ "xem phim bằng chữ", người ta nhìn lại và kịp thấy Việt Linh đã dành ngót 30 năm từ 1988 đến nay để viết về những bộ phim mà chị tâm đắc.
Không chỉ tâm đắc, phim ảnh đối với chị là cả niềm đam mê, lý tưởng, sự kỳ vọng.
Và không chỉ ở điện ảnh, trong mọi hoạt động, chị tự nhận mình nhận lấy một sứ mệnh, gọi là "sứ mệnh giới thiệu".
"Gặp một bộ phim hay, một câu nói hay, một món ăn ngon, một nhân vật thú vị nào đó... tôi đều muốn giới thiệu cho mọi người cùng được biết".
Mang tấm lòng quảng đạt ấy, Việt Linh chia sẻ với độc giả của mình rằng:
"Tôi chú ý đến kích thước xã hội của mỗi bộ phim. Đây chính là chiều sâu của nghệ thuật thứ bảy, vấn đề không phải kỳ vọng vào khả năng nghệ thuật điện ảnh sẽ làm thay đổi cuộc đời.
Nhưng tôi có niềm tin sâu sắc rằng: Mỗi bộ phim có một sứ mệnh, tuy âm thầm nhưng có thể làm thay đổi suy nghĩ của con người, từ thay đổi suy nghĩ, con người sẽ làm thay đổi thế giới".
2. Giấy không gói được than cháy dở - nhan đề tập sách cũng là tên một bộ phim tài liệu của đạo diễn Rithy Panh người Campuchia. Ám ảnh hơn, câu này được thốt ra từ miệng một cô gái điếm là nhân vật của phim.
Và Việt Linh gọi trường hợp của Rithy Panh là "đã cho thấy phim tài liệu hoàn toàn có thể làm nên những cơn sóng lớn trong rạp, trên báo chí, trong tâm tưởng con người".
Chính tâm tưởng con người mới là điều đáng kể, như khi Việt Linh thừa nhận cả bộ phim Những người đàn bà quảng trường Tháng Năm và bài Khăn trắng đi tìm sự thật của chính chị viết về bộ phim này đều trở lại ám ảnh chị.
Câu chuyện của những người đàn bà Argentina tập hợp nhau lại, mò mẫm tìm chứng cứ và lập hồ sơ về tội ác chống nhân loại thời quân phiệt trước đó, để đưa ra ánh sáng hàng trăm trường hợp: những đứa trẻ bị giết cả mẹ cha và trở thành con trong nhà những người từng giết cha mẹ mình.
Đây là một sự ám ảnh vượt ngoài khuôn hình điện ảnh, như Việt Linh đã có một góc nhìn thật xác đáng: "Bộ phim nói lên một vấn đề vượt ngoài xã hội Argentina. Nó cho thấy những công dân bình thường có thể thay đổi dòng chảy lịch sử, qua cuộc đấu tranh quyết tâm và kiên trì".
Có lẽ đấy mới chính là điều mà điện ảnh can thiệp vào "kích thước xã hội". Cuộc đấu tranh quyết tâm và kiên trì đâu có công thức chung, nó có thể như các bà ngoại ở Argentina, nó có thể là công việc của hai đạo diễn Pháp Jean Crépu và Thomas Bronnec khi thực hiện bộ phim tài liệu Những bóng ma Mỹ lai...
Và nó cũng có thể là cách mà Việt Linh đã lựa chọn khi trở về Việt Nam và sáng lập sân khấu kịch Hồng Hạc, mở câu lạc bộ điện ảnh, biên kịch các vở kịch đậm chất văn học, các dự án phim khai thác chất liệu văn chương và mời gọi, tạo cơ hội cho những người trẻ thử sức, làm nghề... Trong khi phim
Ở đây có nắng còn đang ra rạp, Hồng Hạc media của "bà bầu" Việt Linh lại đang chuẩn bị các "món ăn" khác cho khán giả: chiếu lại phim Vì đâu nên nỗi của đạo diễn Phạm Văn Nhận vào ngày 28-1 tới, công diễn vở kịch Eugénie Grandet chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Balzac từ sau tết...
3. Trò chuyện tại buổi giao lưu, tác giả được nhiều bạn trẻ bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự giàu năng lượng và giàu rung cảm tâm sự:
"Tôi chỉ mong mỗi người trong chúng ta cần có tâm thế công dân hơn, cứ làm tốt việc của mình, những thay đổi nhỏ sẽ làm nên những thay đổi lớn".
"Việc của mình thì mình cứ làm đi đã", Việt Linh nói nhẹ như không về đoạn đường trước mắt. Nhưng chính từ quan điểm và cách sống ấy, sản phẩm của những người như chị sẽ phản ánh "kích thước xã hội" một cách sinh động nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận