30/10/2012 05:18 GMT+7

Việc chúng ta làm thật nhỏ bé

HỒNG NHUNG - MY LĂNG
HỒNG NHUNG - MY LĂNG

TT - Sáng 29-10, gần 250 cán bộ, công nhân viên Công ty VNG và cộng đồng mạng đã chứng kiến lễ trao tặng 3,5 tỉ đồng từ VNG cho chương trình “Tặng xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động.

UJzbzZYt.jpgPhóng to
Tổng giám đốc Công ty VNG Lê Hồng Minh (trái) trao số tiền trị giá một chiếc xuồng CQ cho đại tá Hà Xuân Xứ (đại diện phía Nam Bộ tư lệnh Hải quân VN - giữa) và ông Lê Thế Chữ (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trái tim mọi người chùng xuống khi thấy những hình ảnh qua clip chiếu tại lễ trao tặng: Giữa biển khơi mênh mông, những con sóng lớn đập dồn, thuyền chao đảo mạnh, nhưng những người lính nhỏ bé vẫn cố gắng chuyển từng chiếc cần xé đá lên xuồng, con xuồng trầm xuống, nặng nề di chuyển về đảo...

Xuồng CQ thay đổi cuộc sống

Cả hội trường lặng phắc khi đại tá Nguyễn Đức Thắng - lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa), chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa - trầm giọng tâm sự: “Trong đất liền, phương tiện đi lại rất đa dạng nhưng ở Trường Sa, ngoài tàu chỉ có xuồng. Từ năm 1995 trở về trước, Trường Sa chỉ có loại xuồng không động cơ, anh em chiến sĩ phải dùng tay bám vào sợi dây nối với đảo mà gắng sức kéo đưa xuồng vào. Sau này Trường Sa có xuồng máy nhưng tốc độ rất chậm vì là xuồng chạy chân vịt bình thường, rất bất tiện khi di chuyển và nhiều vị trí không cơ động được”.

Những gương mặt trẻ ngước nhìn đại tá Thắng với ánh mắt chờ đợi. Ông tiếp tục những lời tâm tình chân chất, mộc mạc rất đậm chất lính: “Trước đây việc cứu ngư dân trong dông bão rất khó khăn, nguy hiểm. Ở trên đảo nhìn thấy tàu cá bị nạn nhưng không cứu được vì không có phương tiện. Bây giờ với xuồng CQ khả năng cơ động tốt, tốc độ tối đa có thể 50km/giờ, là tốc độ lý tưởng để di chuyển ở biển đảo, chiến sĩ của chúng ta có thể đi trong sóng gió lớn, việc cứu dân dễ dàng và nhanh chóng hơn”. “Xuồng CQ thay đổi rất lớn cuộc sống, sinh hoạt của anh em bộ đội và người dân Trường Sa. Xuồng CQ là nhu cầu rất bức thiết đối với Trường Sa - đại tá Thắng khẳng định và cho biết thêm - Hiện tất cả các đảo, điểm đảo ở Trường Sa đều đã có xuồng CQ với hơn 40 chiếc, do Nhà nước, quân đội và một số tỉnh thành đóng tặng. Tuy nhiên, con số này chưa thể đáp ứng nhu cầu hiện nay ở Trường Sa trong việc di chuyển cán bộ chiến sĩ, cấp cứu ngư dân và bảo vệ chủ quyền”.

Xúc động với những chia sẻ của đại tá Thắng, ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc Công ty VNG, bày tỏ: Qua câu chuyện của anh Thắng và qua những đoạn phim về Trường Sa, tôi thấy so với những việc người lính đang làm hằng ngày để bảo vệ đất nước, những đóng góp của chúng ta hôm nay rất nhỏ bé. Nhìn hình ảnh các anh vật lộn với sóng gió để chuyển từng tảng đá không nhỏ chút nào vào đảo mới thấy hết những vất vả hiểm nguy các anh đang đối mặt, đang hi sinh để chúng ta có cuộc sống yên bình.

Giới trẻ không chỉ biết đến game

“Hãy nhắn với đồng bào rằng chúng tôi luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió vì biết sau lưng mình là hơn 90 triệu người dân VN”. Lời nhắn nhủ của đảo trưởng đảo Cô Lin được ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trao lại đã làm hơn 250 bạn trẻ có mặt tại buổi lễ như lắng lại. Bạn Nguyễn Đình Hiếu, nhân viên phòng web community Công ty VNG, xúc động bày tỏ: “Chúng tôi đã biết về chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa” trước khi ban giám đốc kêu gọi mọi người ủng hộ một ngày lương để góp chi phí đóng xuồng. Tôi tự hào được trực tiếp tham gia lập trình ứng dụng biendong.zing.vn, một ứng dụng để truyền thông trong cộng đồng mạng về chương trình, vừa để các bạn vào đây đóng góp vật chất. Thông thường, để cho ra được một ứng dụng tương tự, chúng tôi phải mất hơn ba tuần nhưng vì Trường Sa, cả phòng chúng tôi đã làm ngày, làm đêm và chỉ sau hai tuần ứng dụng đã hoàn tất. Ước mơ được làm chút gì cho Trường Sa đã thành sự thật, không chỉ tự hào, tôi còn rất hạnh phúc”.

Nguyễn Phan Yến Phi, cộng tác viên tại VNG, cho biết nhiệm vụ của Yến Phi và nhóm web community là kêu gọi thành viên tham gia chương trình. Trước đó mọi người rất lo lắng về số người đến dự lễ ít vì sáng thứ hai là ngày hầu hết sinh viên phải đến trường, nhưng khi nhìn thấy các bạn thành viên Zing Me và các cộng đồng mạng khác đến rất sớm với tâm trạng hào hứng, Yến Phi không giấu nổi sự mừng vui xen lẫn tự hào: “Rõ ràng giới trẻ không chỉ biết đến game và đắm mình trong thế giới ảo. Họ vẫn nghĩ tới đất nước, biên cương và biển đảo thân yêu!”.

Ca sĩ Thanh Thúy sau khi mang nỗi niềm từng người lính đảo về giữa lòng thành phố qua ca khúc Gần lắm Trường Sa, đã chia sẻ cảm xúc của cô khi được trực tiếp tham gia chuyến đi khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” đầu tiên tại đảo Đá Tây (tháng 5-2012): “Đó là chuyến đi để lại cho tôi nhiều trải nghiệm mới sau bốn lần ra Trường Sa. Đi được hơn nửa hành trình thì sóng gió nổi lên ngày một lớn. Khi đến nhà giàn Huyền Trân, sóng gió dữ dội khiến phần lớn thành viên trên tàu chỉ có thể đứng dưới tàu nhìn lên nhà giàn nhỏ bé, mong manh trong mưa gió. Tôi là một trong số ít thành viên trên chiếc xuồng băng trong sóng gió, đu dây thừng lên nhà giàn. Đó là những khoảnh khắc với nhiều cảm xúc không thể quên, là quyết tâm của cả một chuyến tàu: làm sao mang cả tình cảm của đất liền đến với nhà giàn”. Cả hội trường vỗ tay lớn khi nghe nữ ca sĩ gửi gắm: “Các bạn, bằng những việc thiết thực nhất, hãy làm để biển đảo chúng ta ngày càng lớn mạnh”.

“Sau buổi lễ, Huy sẽ giới thiệu cho các thành viên, bạn bè và cộng đồng về chương trình này. Chúng tôi là sinh viên, còn có nhiều khó khăn nên sẽ đóng góp hết sức cho chương trình trong khả năng chúng tôi có thể” - Hoàng Quốc Huy, sinh viên năm 4 Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), tình nguyện viên nhiều nhóm cộng đồng như Youth to Change, Tuổi trẻ về nguồn, bày tỏ. Huy nói thêm: “Ở Trường Bách khoa, ngành vật liệu tôi đang theo học, các thầy và các bạn đang nghiên cứu về nhiều loại vật liệu như bêtông siêu nhẹ, tôi mong một ngày nào đó những nghiên cứu này sẽ được ứng dụng tại Trường Sa”.

Trỗi dậy tình yêu đất nước

Ông Lê Thế Chữ cho biết: “Đến nay chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã nhận được hơn 50 tỉ đồng, hàng ngàn phần quà, trang thiết bị cho các chiến sĩ. Công trình “Góp đá xây Trường Sa” thứ hai cũng đang chuẩn bị hoàn thành. Nhưng lớn hơn các giá trị cụ thể đó là chương trình đã trỗi dậy tình yêu đất nước, lan tỏa mạnh mẽ. Sắp tới, ngày 16-12, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức ngày hội biển đảo với sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ, thanh thiếu nhi thành phố. Dự kiến cuối tháng 12-2012 chúng tôi sẽ trao hai chiếc xuồng CQ đầu tiên”.

HỒNG NHUNG - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên