Những tháng gần đây, chúng ta luôn phải giật mình khi giá vàng cứ lù lù đi lên, từ 70 lên 92 triệu đồng/lượng, bất kể Ngân hàng Nhà nước đấu thầu để tăng lượng cung thì nay lại bất ngờ khi Ngân hàng Nhà nước mới ra thông điệp, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chưa bán vàng can thiệp mà giá đã lao dốc.
Sự chuyển đổi trạng thái từ tăng nóng sang lạnh cho thấy thị trường vàng có gì đó không bình thường. Câu hỏi đặt ra là bình thường của thị trường vàng phải như thế nào?
Quan sát thị trường vàng vài chục năm qua, nhất là từ sau sự kiện khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008, cho thấy giá vàng và thị trường vàng luôn là con ngựa bất kham.
Trong nước, chúng ta liên tục chứng kiến những cơn sốt giá kèm theo những tin đồn với rất nhiều yếu tố không minh bạch, khiến giá cả luôn trở chứng khi có dịp.
Không ít người đã mệt mỏi với những cơn biến động giá vàng trong nước, nhất là sau khi phải đóng cửa sàn vàng (năm 2010) và hệ thống ngân hàng phải mất nhiều tháng cùng nguồn lực để giải quyết hậu quả để dừng huy động vàng và chống vàng hóa.
Sau khi có nghị định 24 về quản lý vàng, vàng đã không còn chi phối nhiều đến đời sống kinh tế - xã hội.
Người dân không còn định giá bất động sản bằng "cây, chỉ". Giá vàng biến động theo giá thế giới nhưng không ảnh hưởng đến giá hàng hóa, lạm phát trong nước.
Nền kinh tế đã miễn nhiễm với những biến động giá vàng. Chính sách chống vàng hóa nền kinh tế ngày càng lan tỏa. Tiền không còn đổ vào vàng như trước. Nhưng khiếm khuyết của thị trường vàng còn đó.
Sau hơn chục năm yên ổn, gần đây vàng lại khuấy động thị trường, một phần do giá thế giới tăng nhưng ồn ào nhất là giá vàng miếng chênh bất thường so với thế giới. Rồi nhiều tiệm vàng đồng loạt đóng cửa sau khi có thông tin thanh kiểm tra.
Tuy vậy, những diễn biến đó không ảnh hưởng đến nền kinh tế. Mua vàng, ngoài nhu cầu về trang sức, chủ yếu là lướt sóng, đầu cơ. Đây là điểm rất khác so với cách nay nhiều năm.
Mà đầu cơ thì có rủi ro. Thống kê 40 năm qua, giá vàng biến động theo chiều hướng lên nhưng cũng có lúc giảm lại. Ví dụ năm 2020, giá vàng tăng 23%, nhưng khi dịch COVID-19 được kiểm soát, giá vàng giảm lại 12,5% trong năm 2021. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, giá vàng tăng 18,2%.
Chẳng đơn vị nào, kể cả các ngân hàng trung ương trên thế giới, có thể "bình ổn" giá vàng. Phải để vàng biến động theo thị trường. Với thị trường trong nước, điều cần khắc phục là giảm bớt chênh lệch bất thường của giá vàng miếng SJC và giá thế giới.
Nhưng không chỉ có thế, việc phải làm tiếp theo là tăng tính minh bạch của thị trường vàng. Mua bán vàng phải có hóa đơn chứng từ.
Vàng nhẫn, nữ trang phải đúng tuổi và chất lượng như đã đóng trên sản phẩm. Không để lọt vào vàng lậu. Mở rộng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế tác vàng có nguyên liệu sản xuất, kể cả chế tác để tái xuất khẩu...
Khi doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu hợp pháp để chế tác, những cơn nóng lạnh của giá vàng sẽ bớt đi. Và một bài học cũng cần rút ra là với vàng - ngoại tệ, vốn luôn chịu tác động tâm lý, cơ quan quản lý phải chủ động với những thông điệp mạnh mẽ để dẫn dắt, ổn định tâm lý của thị trường bởi mục tiêu của chúng ta được đại đa số người dân ủng hộ là chống vàng hóa nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận