02/08/2016 10:50 GMT+7

​Việc bình thường cao quý

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Tại sao lại có những người khi không còn giữ vị trí lãnh đạo nữa nhưng vẫn giữ chìa khóa phòng làm việc, vẫn giữ xe biển xanh...?

“Việc làm tuy rất bình dân/ Nhưng mà cần lắm chữ tâm con người” - bạn đọc có tên Khuất Hữu Dần bình luận dưới bài viết “Ông Lê Như Tiến trả xe, trả phòng làm việc” đăng trên tuoitre.vn sáng qua (1-8). Và khi bài báo vẫn còn “nóng hổi” thì chúng tôi nhận được tin từ phiên họp Chính phủ: “Thủ tướng làm gương không mua xe mới”.

Vào đầu buổi sáng, một cán bộ công tác ở Vụ Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thuộc Văn phòng Quốc hội đã gọi điện đề nghị Tuổi Trẻ “viết về hành động liêm chính của anh Lê Như Tiến để cử tri biết rằng anh đã sống và làm việc như những gì anh nói trước Quốc hội”.

Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến (cùng nhiều trường hợp khác) sẽ “nhận sổ hưu” từ ngày 1-10 tới, mọi chế độ được thực hiện đến hết tháng 9.

“Nhưng Quốc hội khóa mới đã họp kỳ đầu tiên, nhiệm vụ của mình đến đây đã hoàn thành. Những người thay thế mình cần có phòng làm việc, cần có xe công đưa đón, nếu mình giữ phòng, giữ xe và lái xe thì gây khó khăn cho Văn phòng Quốc hội, trong khi cơ sở vật chất của Nhà nước có hạn. Mình không nên kéo dài thêm chút thời gian hoàng hôn nhiệm kỳ để hưởng đặc lợi làm gì nữa” - ông Tiến giải thích.

Cũng chủ động như ông Tiến, một số đại biểu Quốc hội giữ các vị trí cao trong Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội khóa XIII như các ông Mã Điền Cư, Danh Út, Đặng Đình Luyến, bà Nguyễn Thị Khá cũng đã chủ động bàn giao.

Đúng như bình luận của nhiều bạn đọc, việc làm của các vị trên đây là bình thường, nhưng đó là sự “bình thường cao quý”, bởi không phải người nào khi rời “ghế quan viên” cũng nhẹ nhàng, thanh thản được như vậy.

Có những người khi không còn giữ vị trí lãnh đạo nữa nhưng vẫn giữ chìa khóa phòng làm việc, vẫn giữ xe biển xanh, hằng ngày vẫn đến cơ quan như một quán tính.

Tình trạng này gây không ít khó khăn cho công tác phục vụ, bố trí cơ sở vật chất cho những người mới được bổ nhiệm, bởi người kế nhiệm và văn phòng thường cả nể nên không tiện “đòi”. Chia tay quyền lực, có lẽ, luôn là việc rất khó khăn.

“Rất đồng tình với cách làm của ông Tiến, không như một số quan chức khác khi sắp nghỉ hưu thì tranh thủ bổ nhiệm, luân chuyển, vơ vét...” - bạn đọc Phạm Văn Bút bình luận. Trong khi ông Tiến giải thích: “Đất nước mình còn nhiều khó khăn. Chờ hưu như tôi có đến hàng trăm trường hợp, nếu ai cũng giữ phòng, giữ xe thì những người mới được bổ nhiệm lại phải chờ hoặc ngồi ghép phòng, anh em văn phòng bố trí xe rất khó khăn. Với mình thì chuyện này có gì đâu. Hơn nữa, sau mấy chục năm làm việc nhà nước, nay được nghỉ thì về với gia đình sớm ngày nào tốt ngày đó”.

Nhưng cũng còn một sự thật nữa là không phải “tân quan” nào cũng sẵn sàng “thừa kế” lại xe cũ. Có nhiều trường hợp nhận nhiệm vụ mới đồng nghĩa với việc phải tân trang “cái chỗ ngồi” (phòng ốc), sắm xe mới... Do vậy, phát biểu “Thủ tướng làm gương không mua xe mới” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thật là có ý nghĩa.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên