22/02/2025

Hình thức 'chi trước - trả sau' của thẻ tín dụng đã trở nên vô cùng phổ biến. Song song đó là nhiều vấn đề phát sinh như chi tiêu quá tay, không đủ khả năng thanh toán lại cho ngân hàng. Vậy không trả nợ thẻ tín dụng có sao không?

Theo luật sư Phùng Anh Chuyên (giám đốc công ty luật ACLaw), việc "xù" nợ thẻ tín dụng vì nghĩ là khoản nợ của mình quá nhỏ, ngân hàng cũng sẽ không dùng những biện pháp "mạnh tay" như bên ngoài là vô cùng sai lầm và để lại nhiều hệ lụy. Cụ thể:

- Theo Điều 466 Bộ luật dân sự quy định nghĩa vụ trả nợ như sau:

" Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác...

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này ;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác"

- Theo khoản 1 Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

" Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm."

- Theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước về phạt vi phạm được quy định như sau:

"Điều 25. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm."

- Theo khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định như sau:

"4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Căn cứ các quy định trên và nội dung tại hợp đồng tín dụng giữa người vay với ngân hàng, trường hợp vay tín dụng mà không thực hiện trả nợ/trả nợ không đúng thời hạn thì người vay có nghĩa vụ theo quy định pháp luật và theo thoả thuận tại hợp đồng tín dụng như sau:

- Thanh toán phần nợ gốc;

- Trả các khoản lãi bao gồm lãi trên nợ gốc, lãi trên tiền lãi chậm trả, lãi trên nợ gốc quá hạn;

- Chịu khoản phạt vi phạm (nếu có thoả thuận);

- Có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) theo thoả thuận.

Ngoài các nghĩa vụ trên thì người vay còn có thể bị ảnh hưởng xấu đến tới lịch sử tín dụng và uy tín tài chính cá nhân. Đa số ngân hàng đều quy định khách hàng đang có nợ quá hạn sẽ không thể mở thêm thẻ tín dụng đến khi thanh toán hết các dư nợ quá hạn. Khách hàng có lịch sử nợ xấu từ nhóm 3 trở lên sẽ không thể mở thêm bất kỳ chiếc thẻ tín dụng nào trong tương lai. Đồng thời, người vay có thể bị ghi nhận lịch sử nợ xấu trên hệ thống CIC của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều này sẽ khiến khách hàng khó được tiếp tục vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng mới trong tương lai.

Nghiêm trọng hơn, nếu cố tình không thanh toán nợ thì ngân hàng có quyền khởi kiện thành một vụ án dân sự, tòa án sẽ tiến hành xét xử dù có bạn hay không và ngân hàng có quyền yêu cầu các biện pháp khẩn cấp tạm thời . Sau khi bản án có hiệu lực thì sẽ chuyển sang cơ quan thẩm quyền tiến hành thi hành án. Từ đó có thể dẫn đến yêu cầu phong tỏa tài sản hoặc sử dụng các biện pháp mạnh như cấm xuất cảnh

Vì thế trong trường hợp biết rằng bản thân không thể trả, bạn nên chủ động liên lạc và gặp ngân hàng để thỏa thuận về thời gian trả, số tiền phải trả, cách trả cũng như cam kết trả,... để tránh gặp rắc rối ảnh hưởng đến bản thân.

Xem thêm: Đi đổi bằng A1 cấp trước 2025 có phải thi lại lý thuyết không?

Xem thêm: Căn cước công dân hết hạn có phải về quê làm lại không?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên