30/01/2024

Khi lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn, chúng ta thường nhận được yêu cầu cung cấp thông tin trên thẻ căn cước (CCCD), thậm chí một số nơi còn giữ căn cước (CCCD) trong suốt thời gian khách lưu trú, điều này là đúng hay sai?

Thẻ căn cước theo quy định hiện hành là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước 2023 .

Có thể thấy, thẻ căn cước chứa rất nhiều thông tin quan trọng, được xem như vật bất ly thân của mỗi công dân. Vì thế, nhiều bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ lo ngại nếu đi du lịch, công tác,... và lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ thì có quyền từ chối yêu cầu giữ hoặc cung cấp thông tin trên căn cước có được không.

Trong trường hợp này, Luật sư Đinh Bá Trung - giám đốc công ty luật Án Việt có ý kiến như sau: Khoản 2, Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định như sau:

            " Điều 44. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú

            Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 25 Nghị định này , cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có trách nhiệm:   

2. Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu; Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài); các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp.

Khi khách lưu trú không có giấy tờ tùy thân thì sau khi bố trí vào phòng nghỉ phải thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn."

            Theo Điều này, luật chỉ quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú kiểm tra giấy tờ tùy thân khách lưu trú, luật không quy định giữ lại giấy tờ tùy thân khách lưu trú.

Điều 28 Luật Căn cước công dân năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định các trường hợp thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân như sau:

" Điều 28. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:

a) Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

3. Trong thời gian bị tạm giữ thẻ Căn cước công dân, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ Căn cước công dân cho phép sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Công dân được trả lại thẻ Căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:

a) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này."

(3) Luật Du lịch hiện hành và các văn bản, thông tư, nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật du lịch không có quy định liên quan đến vấn đề tạm giữ Căn cước công dân.

(4) Điểm a, Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau

" Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác ."

Từ những phân tích trên, có thể kết luận rằng, khách sạn nói riêng hay cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú nói chung không có quyền giữ lại CCCD của khách lưu trú, hành vi giữ lại CCCD nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính. Do đó, nếu gặp phải trường hợp này, Quý khách có thể giải thích rõ cho lễ tân hoặc người quản lý của cơ sở lưu trú được hiểu rõ. Trường hợp xấu nhất, Quý khách có thể thông báo với cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề trên.

*Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo theo dữ kiện được cung cấp, trường hợp cụ thể bạn đọc nên gặp trực tiếp và tham khảo thêm từ luật sư, các chuyên gia luật.

Xem thêm: Thẻ căn cước mới sẽ có những nội dung gì?

Xem thêm: Vì sao mống mắt được thu thập làm dữ liệu căn cước?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên