18/01/2024

Sau khi hoãn phiên tòa trong vụ 1 tài xế lái xe biển số xanh 68C.08XX tông thiệt mạng nữ sinh ở Phú Quốc. Dư luận đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến nguồn gốc xe và liệu cơ quan chủ quản của xe biển xanh này có phải chịu trách nhiệm liên đới?

Theo luật sư Đinh Bá Trung - Giám đốc công ty luật Án Việt cho biết không chỉ xe biển xanh mà xe của bất tổ chức, công ty, doanh nghiệp nào cũng thế, đều được pháp luật quy định khá là chặt chẽ về việc quản lý và sử dụng xe ô tô, cũng như các phương tiện khác khi tham gia giao thông. Bởi lẽ về nguyên tắc, pháp luật quy định xe ô tô khi tham gia giao thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Điều này có nghĩa rằng, nếu tham gia giao thông không đúng quy định (Ví dụ: người tài xế không có giấy phép lái hoặc đã uống rượu bia hoặc phóng nhanh, vượt ẩu,…) thì có khả năng gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản cho tài xế hoặc cho những người có liên quan (như người cùng tham gia giao thông,…).

Cụ thể, trong tình huống nếu cơ quan, tổ chức đang sở hữu chiếc xe ô tô này mà bán hoặc tặng cho chiếc xe này cho một người khác thì cần phải làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để sang tên. Điều này được hiểu, người tài xế trong tình huống này phải sử dụng xe chính chủ. Cụ thể hơn nữa là giả sử xe được bán thanh lý cho cá nhân thì theo luật xe đã phải sử dụng biển số trắng như thông thường. Nhưng trong tình huống này, người tài xế sử dụng xe ô tô vẫn còn đứng tên của cơ quan, của tổ chức, của một công ty khác và xe này lại gây ra tai nạn.

Tình huống này có hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Giả sử, cơ quan, tổ chức, công ty này quản lý sử dụng xe ô tô rất là kỹ lưỡng, nghiêm ngặt (để xe trong nhà xe có khóa lại, chìa khóa xe được cất giấu cẩn thận) và không có ý định cho người tài xế này sử dụng xe. Nhưng người tài xế này đã cố cạy cửa hầm xe hoặc là bằng cách nào đó lấy được chìa khóa xe và tự ý dùng xe này để tham gia giao thông và gây ra tai nạn, gây ra thiệt hại. Thì trong tình huống này, được hiểu rằng chủ xe đó (cơ quan, công ty, tổ chức) không có lỗi. Như vậy, chủ xe này không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Và trong trường hợp này, người tài xế phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đã gây ra theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ hai: Giả sử chủ xe biết rất rõ người này không có giấy phép lái xe, không đủ điều kiện để tham gia giao thông nhưng vẫn giao xe cho người này hoặc chủ xe lơ là, thiếu trách nhiệm để cho người tài xế chiếm đoạt, sử dụng một cách trái phép. Trong tình huống này, nếu tài xế gây ra thiệt hại như nêu trên thì chủ sở hữu chiếc xe này (cơ quan, tổ chức, công ty) cũng phải liên đới với tài xế cùng chịu trách nhiệm về những thiệt do người tài xế gây ra.

Trong tình huống này, chúng ta thấy rất rõ trách nhiệm của chủ xe cũng như trách nhiệm của người trực tiếp điều khiển chiếc xe. Đồng thời qua đó, chúng ta cũng thấy rằng, nếu như chúng ta có sơ suất, vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng xe ô tô, xe máy,… thì theo quy định pháp luật chúng ta phải đối diện với trách nhiệm hành chính (Căn cứ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), trách nhiệm hình sự (Căn cứ Mục 1, Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự (Căn cứ Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Tóm lại, khi sử dụng ô tô, xe gắn máy,… chúng ta phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật để bảo đảm an toàn về tính mạng, về tài sản của bản thân và của các chủ thể có liên quan khác.

* Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo theo dữ kiện được cung cấp, trường hợp cụ thể bạn đọc nên gặp trực tiếp và tham khảo thêm từ luật sư, các chuyên gia luật.

Xem thêm: Báo chốt đo nồng độ cồn, bắn tốc độ và camera phạt nguội có vi phạm luật không?

Xem thêm: Tài xế xe biển số xanh đụng người rồi bỏ trốn ở Phú Quốc

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên