07/12/2024

Sau khi xem clip Nờ Ô Nô so sánh Lê Tuấn Khang với lãnh tụ, Luật sư Nông cho rằng việc chỉ bị phạt 30 triệu với hành vi này vẫn còn nhẹ, mong sắp tới sẽ có thêm chế tài nặng hơn để dẹp những cái 'mỏ hỗn'.

Vừa qua, Phạm Đức Tuấn đã sử dụng tài khoản mạng xã hội TikTok "Tuấn không cận (giải cứu)" để đăng tải các video clip với nội dung "Giữa Hoàng Mobi và Bác Hồ Chí Minh thì bạn sẽ chọn ai", "Giữa Lê Tuấn Khang và Bác Hồ Chí Minh thì em sẽ chọn ai" có kèm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận. Luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn luật sư TP.HCM sau khi xem đoạn video trên cho biết cảm thấy vô cùng bất ngờ với hành vi phát ngôn rất "tầm bậy" của tiktoker này.

Căn cứ Bộ luật Hình sự tại Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đồng thời, tại Điều 16 và Điều 18 Luật An ninh mạng cũng có quy định hành vi xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc là một trong những dạng thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bị nghiêm cấm.

Theo đó, sẽ tùy theo tính chất và mức độ hậu quả của hành vi để mỗi cá nhân có hành vi xúc phạm lãnh đạo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

Xử phạt hành chính hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo trên mạng xã hội

Căn cứ khoản 7 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định như sau: "7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; b) Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự."

Từ quy định nêu trên, có thể thấy, hành vi sử dụng hình ảnh, video để bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị buộc phải gỡ thông tin xuyên tạc và có thể tịch thu phương tiện vi phạm.

Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo

Trường hợp nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người xúc phạm lãnh đạo có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung bởi Luật sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, đối với hành vi xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội thì có thể bị xử phạt lên đến 07 năm tù.

Ngoài ra, trường hợp chứng minh được người vi phạm có dấu hiệu chống phá Đảng và Nhà nước thì có thể phải chịu thêm nhiều tội danh khác thuộc Chương XIII của Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, tại Điều 108 Bộ luật Hình sự 2015 có nêu rõ, công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Nông cũng cho biết thêm, việc các người dùng phát ngôn thiếu thận trọng trên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm, việc nói xấu, tiết lộ bí mật của người khác dù có bằng chứng thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng

Về giải pháp cho thực trạng phát ngôn sai sự thật, xuyên tạc, lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Ở góc độ bạn đọc, ông Nông cho rằng, hiện nay về an ninh hàng không, chúng ta có các quy định như cấm đi máy bay, vĩnh viễn hoặc trong một khoảng thời gian cố định. Vì thế, với an ninh mạng, các nhà làm luật cũng nên có những biện pháp, chế tài mạnh hơn, có thể là cấm sử dụng mạng xã hội trong khoảng thời gian nhất định. Có như thế thì mới tạo được thói quen cho người dùng suy nghĩ đúng sai trước khi muốn đăng tải, phát ngôn. Từ đó tạo một môi trường sinh hoạt trên mạng xã hội lành mạnh hơn.

Xem thêm: TikToker Nờ Ô Nô bị phạt 30 triệu đồng vì so sánh Lê Tuấn Khang với lãnh tụ

Xem thêm: Quy định mới về xác thực tài khoản MXH tại Việt Nam: Những điều bạn cần biết


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên