Bác sĩ nói về 'trào lưu' khâu eo tử cung, cảnh báo những rủi ro nguy hiểm
Trong số phát sóng này, BS.CKII Lê Ngọc Diệp, Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ sẽ giải đáp cụ thể về thủ thuật khâu eo tử cung và những rủi ro có thể xảy ra.
Hỏi: Thưa bác sĩ, khâu eo tử cung là gì và tại sao lại có nhiều người sử dụng phương pháp này?
Bác sĩ: Hiện nay trên các trang mạng, các nhóm có trào lưu rộ lên một cách bất thường về khâu eo. Đây là một thủ thuật y khoa được thực hiện khi bác sĩ dùng sợi chỉ không tan để siết cổ tử cung lại. Việc này nhằm đề phòng nguy cơ sinh non của người mẹ đang mang thai. Tuy nhiên, như chúng ta biết, không phải bà mẹ nào cũng có nguy cơ sinh non mà điều này thường sẽ có chỉ định y khoa một cách cụ thể. Ví dụ: người mẹ có cổ tử cung ngắn, có tiền căn sinh non trước đó hoặc trong lần sinh này cổ tử cung diễn tiến ngắn thì bác sĩ sẽ có chỉ định y khoa cho việc khâu. Bản thân việc khâu eo chứa đựng yếu tố nguy hiểm như nguy cơ nhiễm trùng, có những trường hợp bị vỡ ối trong quá trình khâu hoặc ngay sau đó. Điều này làm ảnh hưởng cả tính mạng của mẹ và của em bé.
Hỏi: Với những rủi ro tiềm tàng như thế thì trường hợp nào mới nên thực hiện thủ thuật y khoa khâu eo, thưa bác sĩ?
Bác sĩ: Chỉ có những người thuộc chỉ định y khoa mới nên thực hiện thủ thuật khâu eo. Ví dụ: những người có cổ tử cung càng lúc càng ngắn, bà mẹ có tiền căn về việc sinh non, chuyển dạ sinh quá nhanh. Việc khâu eo trở thành trào lưu như hiện nay có thể do truyền miệng, có nhiều thai phụ đến xin khâu eo vì sợ nguy cơ sinh non. Và thường thì những thai phụ có hỗ trợ sinh sản thụ tinh ống nghiệm thì cũng sẽ có xu hướng muốn khâu eo hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cân nhắc vì chỉ định y khoa có những quy định rất chặt chẽ. Có nhiều trường hợp đến tâm sự với bác sĩ rằng lần trước đi khâu eo vì bị nhiễm trùng mà em bé đã không ra đời được. Và đó chính là một trong những hậu quả rất đau lòng nếu ta sử dụng các can thiệp y khoa một cách lạm dụng hoặc theo sở thích của mình.
Hỏi: Trong trường hợp được chỉ định khâu eo thì mẹ bầu nên đến những bệnh viện, cơ sở y tế nào để thực hiện, thưa bác sĩ?
Bác sĩ: Khâu eo có thủ thuật khâu bằng ngả âm đạo khá đơn giản. Và thủ thuật thứ hai là khâu bằng ngả bụng, thủ thuật này khắt khe hơn nên chỉ sử dụng khi không thể khâu bằng âm đạo. Nhưng tất cả các con đường khâu này đều phải được chỉ định chặt chẽ. Vì đây đều là những thủ thuật y khoa, ta nên đến các cơ sở y tế có cho phép và bản thân bác sĩ thực hiện cũng phải là người có kinh nghiệm. Ta cũng không nên đến phòng khám và xin bác sĩ khâu eo cho mình. Điều đó sẽ gây ra nhiều hậu quả.
Hỏi: Bác sĩ có thể chia sẻ thêm những trường hợp đáng tiếc xảy ra có liên quan đến việc khâu eo?
Bác sĩ: Tôi vẫn còn nhớ một trường hợp đến khám, thai phụ có một lần sảy thai trước đây vào giai đoạn khoảng 23 tuần vì bị nhiễm trùng sau khi khâu eo. Khi tôi hỏi tại sao bạn phải khâu eo thì thai phụ trả lời rằng khâu eo để dự phòng sinh non dù trước đó chưa có lần sinh non nào và cũng không bị cổ tử cung ngắn. Tôi nghĩ rằng đây là chuyện đáng tiếc vì các can thiệp y khoa của chúng ta đều đang bị lạm dụng. Vì vậy, để thực hiện các thủ thuật có mặt lợi và hại như khâu eo tử cung, ta nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện lớn và được thăm khám bởi các bác sĩ có kinh nghiệm cũng như phải được phép để thực hiện các thủ thuật này.
Xem thêm: Bác sĩ giải đáp: Kẹo ngủ có điều trị được rối loạn giấc ngủ, nguyên nhân và cảnh báo
Xem thêm: Bác sĩ chỉ cách chăm sóc bệnh nhân ung thư, xạ trị, cân nặng và chế độ dinh dưỡng
Xem thêm: Tổ yến và sâm có tốt cho bệnh nhân ung thư không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận