07/11/2023

Trong số phát sóng này, Ths. BS CKII Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh Dưỡng Tiết chế, bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến cách chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà...

Hỏi: Thưa bác sĩ tại sao người bệnh ung thư thì thường là gầy rất nhanh?

Bác sĩ: Không phải là riêng bệnh nhân ung thư mà tất cả các bệnh lý mãn tính khác đều có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn so với các bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, đối với bệnh ung thư, ngoài việc bệnh nhân ăn uống kém dẫn tới việc thu nạp năng lượng không đủ, thì trong cơ chế về chuyển hóa của bệnh ung thư có một cái tình trạng gọi là tăng dị hóa và giảm đồng hóa. Điều đó có thể hiểu nôm na là bệnh nhân ung thư sẽ có sự tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với khi chưa có bị bệnh và như vậy thì nhu cầu họ cần năng lượng là nhiều hơn trong khi thu nạp năng lượng do ăn uống của họ lại ít hơn. Khoảng cách rõ rệt giữa nhu cầu cao nhưng lại thu nạp thấp dẫn đến vấn đề là họ sẽ sụt cân. Một lý do khác cho chuyện sụt cân ở bệnh nhân ung thư đó là điều trị ung thư không có ngắn ngày, thời gian điều trị ung thư thường là phải nhiều tuần thậm chí có thể là nhiều tháng. Như vậy người bệnh cần có thời gian hồi phục, nhưng chưa kịp hồi phục thì lại phải tiếp tục một cái phương pháp điều trị khác. Cứ như vậy nên càng ngày bệnh nhân sẽ càng sụt cân và càng suy thoái tệ hơn.

Hỏi: Thưa bác sĩ vậy đối với bệnh nhân ung thư thì việc họ tăng cân hay sụt cân thì sẽ tốt hơn?

Bác sĩ: Đối với người bình thường thì dư cân cũng không tốt và suy dinh dưỡng cũng không tốt, nên đối với bệnh nhân ung thư cũng như vậy. Chúng ta cần hướng bệnh nhân ung thư đến cân nặng lý tưởng và không để bệnh nhân ung thư quá thừa cân, béo phì. Bởi vì ở một số bệnh ung thư, nếu bệnh nhân dư cân béo phì thì tỉ lệ tái phát nó sẽ nhiều hơn so với nhóm bệnh nhân không dư cân béo phì.

Ví dụ như ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng… đó là những ung thư mà sau khi điều trị xong bệnh nhân phải được hướng dẫn để đưa về cân nặng lý tưởng. Nếu bệnh nhân đang điều trị thì cần ngược lại. Những bệnh nhân ung thư mà bị suy dinh dưỡng và sau khi điều trị ung thư xong họ vẫn suy dinh dưỡng thì khả năng tái phát của họ cũng cao hơn, do hiệu quả điều trị sẽ giảm trên một bệnh nhân suy dinh dưỡng. Vì vậy mà bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng chúng ta cũng phải tư vấn để đưa họ về cân nặng hợp lý.

Hỏi: Vậy chúng ta có nên khuyến khích cho bệnh nhân ăn nhiều hơn trong trường hợp họ bị ốm quá nhiều hay không? Và nếu có thì chúng ta sẽ khuyến khích bằng cách nào ạ?

Bác sĩ: Có rất nhiều cách để bạn tiếp cận một bệnh nhân ung thư từ suy dinh dưỡng và hồi phục để không thành suy dinh dưỡng. Thế nhưng những cách chúng tôi chỉ cho bạn nó chỉ mang tính chung chung, khó lòng cho bệnh nhân có thể áp dụng bởi vì mỗi trường hợp, mỗi ca, mỗi hoàn cảnh gia đình, mỗi bệnh lý, mỗi phương pháp điều trị thì nó lại có tác dụng phụ khác nhau và làm cho bệnh nhân suy giảm chuyện ăn uống khác nhau. Do đó:

Cách thứ 1: Tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì chúng tôi dùng biện pháp là tư vấn dinh dưỡng. Tức là mỗi trường hợp sẽ được bác sĩ gửi xuống khoa Dinh dưỡng và chúng tôi sẽ khám coi hồ sơ và phỏng vấn bệnh nhân để biết hoàn cảnh gia đình, kinh tế người chăm sóc, từ đó sẽ hướng dẫn cụ thể cho mỗi trường hợp, như vậy sẽ khả thi hơn so với việc hướng dẫn chung chung. 

Cách thứ 2: Trong tình huống mà nỗ lực hết sức mà bệnh nhân không ăn uống qua miệng được, cũng không uống sữa được thì buộc lòng chúng tôi sẽ đặt ống nuôi ăn. Đặt ống đó có thể là đặt từ lỗ mũi vào trong bao tử, hoặc là chúng tôi mổ đặt ống vào trong dạ dày. Những tình huống đó là những tình huống mà bệnh nhân không thể ăn được qua miệng thì chúng tôi sẽ chủ động đặt ống cho bệnh nhân. 

Tuy nhiên thuyết phục một bệnh nhân đặt ống không dễ, do đó cần có khoa Dinh dưỡng cũng như bác sĩ lâm sàng là 2 người cùng hợp tác để thuyết phục một bệnh nhân đặt ống. Có thể đặt ống khi bệnh nhân ở tình trạng ăn uống không được. Chúng tôi nhắm rằng trường hợp này điều trị sẽ tệ, điều trị bệnh nhân sẽ sụt cân tiếp thì như vậy chúng tôi chủ động đặt ống trước khi bệnh nhân có tình trạng suy thoái về dinh dưỡng. Hiện giờ ở bệnh viện Ung bướu thì chúng tôi đang triển khai theo mô hình đó.

Xem thêm: Bị kiến ba khoang đốt thì nên kiêng ăn gì để vết thương nhanh lành?

Xem thêm: Tác dụng chữa bệnh của đậu bắp mà có thể bạn chưa biết

Xem thêm: Người mất ngủ không nên ăn 6 thực phẩm này vào buổi tối

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên