Nguồn: YouTube/AWESOME VIDEOS
Theo báo Guardian, đoạn video ghi lại hành động "chưa từng thấy" này của con voi châu Á trong một cánh rừng ở miền nam Ấn Độ.
Theo các chuyên gia về động vật hoang dã, họ chưa từng quan sát thấy một hành vi tương tự ở loài vật này trước đây.
Trong lúc tham gia chương trình tại Ấn Độ của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), anh Vinay Kumar, một nhà khoa học đã ghi lại khoảng khắc đặc biệt này tại công viên quốc gia Nagarahole, bang Karrnataka.
Đoạn video dài 48 giây cho thấy chú voi dùng vòi "nhặt" một cái gì đó đưa lên mồm, sau đó phun ra một luồng khói.
Các nhà sinh vật học của WCS cho biết đoạn video này được ghi hình từ tháng 4-2016, tuy nhiên chỉ mãi tới gần đây mới được đưa lên mạng.
Ảnh cắt từ video
Giới nghiên cứu đánh giá "đây là video đầu tiên được biết tới ghi lại khoảnh khắc một con voi hoang dã phô diễn hành vi như vậy khiến các nhà khoa học và các chuyên gia ngỡ ngàng".
Theo anh Vinay Kumar, than củi có những thành phần có thể có giá trị y học với các loài vật. Nó cũng là thứ vốn rất sẵn tại các khu rừng, nhất là sau các đợt cháy rừng, sét đánh hoặc những đám cháy chủ ý của con người.
Mặc dù người ta chưa từng thấy các con voi nhả khói như vậy trước đây, nhưng hoạt động tự tìm cách chữa bệnh vốn là hành vi phổ biến ở nhiều loài vật.
Trang web Smithsonian dẫn ra một số trường hợp như các chú khỉ colobus đỏ ở Zanzibar đã ăn than củi để vô hiệu hóa các chất độc có trong thức ăn của chúng.
Một nghiên cứu khác cũng nhận thấy loài tinh tinh lùn đã nuốt những loại lá có bề mặt xù xì để loại bỏ ký sinh trùng trong ruột.
Theo số liệu thống kê năm 2017, Ấn Độ là nơi ở của hơn 27.000 con voi châu Á, chiếm khoảng 60% số voi châu Á toàn cầu. Con số này cũng là mức giảm 10% so với thống kê năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận