Người dân liều minh băng qua cầu tràn nước lũ chảy xiết - Video: DOÃN HÒA
Đã 5 ngày trôi qua sau đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên diện rộng, con đường duy nhất vào ba xóm 6, 7 và 9 của xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An vẫn còn ngập trong nước lũ.
Đây là các xóm nằm ngoài vùng đê tả Lam, bị cô lập hoàn toàn do nước sông Lam từ thượng nguồn đổ về nhiều. Đứng từ xa nhìn vào vùng này giống như một "ốc đảo" bởi bốn bề đều bị nước lũ bủa vây.
Con đường dài hơn 1km nối khu dân cư này với trung tâm xã giờ chỉ còn một màu nước đục ngầu. Những hàng cột điện, cọc tiêu giao thông trở thành điểm chỉ dẫn cho người dân phân biệt giữa đường đi lại và bờ sông.
Gần trưa 14-10, có mặt tại đoạn đường này, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục người dân liều mình băng qua đoạn đường có nước lũ chảy xiết để ra vào khu dân cư, dù ở ngay đầu đường đã có tấm biển cảnh báo "Nguy hiểm. Cấm lội qua khi có lũ".
Do xe máy không thể đi qua đoạn đường ngập sâu gần 0,5m nên người dân đành phải gửi xe máy lại ở các nhà người quen trong đê để lội nước - cách duy nhất để vào làng. Một số người mang theo chiếc gậy để dò dẫm đường đi vì có những đoạn ngập sâu ngang thắt lưng.
Ông Nguyễn Văn Lạng, 47 tuổi, ngụ xóm 6, xã Hưng Lam cho hay: "5 ngày qua, do nước lũ lên nên gia đình tôi không thể ra bên ngoài đi chợ mua lương thực thực phẩm được. Hôm nay thấy nước lũ rút bớt, dù biết nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác đành đánh liều đi qua để mua thêm nhu yếu phẩm vì mấy ngày tới còn mưa lũ nữa".
Tuyến đường nối ra ba xóm ở ngoài đê Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bị chia cắt bởi nước lũ 5 ngày qua - Ảnh: DOÃN HÒA
Lo lắng trước đợt mưa lũ mới khi cơn bão số 11 đang được dự báo có thể vào đất liền trong ít ngày tới, anh Phạm Trung Hóa, 35 tuổi, ngụ xóm 9, xã Hưng Lam, đưa vợ và con vào trong đê ở tạm nhà người thân.
"Tranh thủ lúc nước lũ rút tôi mới dám đưa vợ con ra ngoài, chứ nếu ở lại mà mưa lũ tiếp, nhà ngập thì không biết xoay xở cầm cự thế nào", anh Hóa nói.
Ông Trần Văn Duyệt, chủ tịch UBND xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên cho biết: "Từ ngày 10-10, ba xóm ở vùng ngoài đê đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống của 280 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu.
Thời gian qua, địa phương đã di dời 62 hộ dân vào bên trong đê còn những hộ dân khác chưa di dời được do đang thiếu nguồn vốn xây dựng hạ tầng, giải phóng khu tái định cư".
Để đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa lũ, ông Duyệt cho hay xã liên tục phát thông báo cảnh báo trên hệ thống truyền thanh xã để người dân chủ động phòng chống mưa lũ, có kế hoạch di tản đến nơi an toàn; cắt cử người canh gác qua cầu tràn có nước lũ nguy hiểm.
Bất chấp nguy hiểm, người dân vẫn liều mình băng qua nước lũ bởi đây là con đường duy nhất để ra bên ngoài - Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân 3 xóm ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An sống ở vùng ngoài đê bị nước lũ chia cắt - Ảnh: DOÃN HÒA
Một gia đình đi chạy lũ trước khi cơn bão số 11 được dự báo vào đất liền trong ít ngày tới - Ảnh: DOÃN HÒA
Những cọc tiêu trở thành điểm chỉ dẫn để người dân phân biệt giữa đường và sông khi băng qua đoạn đường ngập nước lũ - Ảnh: DOÃN HÒA
Trẻ con phải nghỉ học 5 ngày qua do nước lũ chia cắt. Người lớn phải cõng qua đoạn đường ngập nước lũ - Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân phải dùng gậy để... dò đường - Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân khổ sở băng qua đoạn đường nước lũ dâng - Ảnh: DOÃN HÒA
Một khúc gỗ to do nước lũ cuốn trôi về. Người dân vớt củi trong nước lũ - Ảnh: DOÃN HÒA
Đến ngày 14-10, Nghệ An vẫn còn 179 hộ dân bị ngập nước do mưa lớn ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trong ảnh: Một ngôi nhà ở sông Cửa Tiền, TP Vinh ngập sâu trong nước - Ảnh: DOÃN HÒA
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, đến ngày 14-10, Nghệ An vẫn còn 179 hộ dân ở Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu và Thanh Chương bị ngập.
Lũ trên sông Cả đang xuống chậm, mực nước tại trạm thủy văn Nam Đàn lúc 11h ngày 14-10 ở mức 6,23m (dưới mức báo động II là 0,67m).
Tuyến đê Tả Lam đã được phê duyệt phương án bảo vệ, hiện nay vẫn bình thường. Chi cục Thủy lợi đang triển khai kiểm tra, tuần tra canh gác theo cấp báo động đê Tả Lam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận