Video nắn xương, bẻ cổ trên TikTok: Chớ nghe "thấy đã" mà vội làm theo

PHẠM HẰNG 11/07/2024 06:42 GMT+7

TTCT - Trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic) là phương pháp có thật, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại cách phổ biến nó qua TikTok có thể khiến nhiều người hiểu sai về nó.

Ảnh chụp màn hình một số video trị liệu cột sống trên TikTok.

Ảnh chụp màn hình một số video trị liệu cột sống trên TikTok.

Trên TikTok trong và ngoài nước bỗng xuất hiện nhiều video cảnh nắn chỉnh cổ, xương khớp, sống lưng nghe răng rắc tạo cảm giác "thấy ghê" hay "thấy đã", tùy người. Đó là cách trị liệu có thật, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại cách phổ biến nó qua TikTok có thể khiến nhiều người hiểu sai về phương pháp này

Trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic) là phương pháp dùng lực của tay, nắn chỉnh khớp đốt sống, hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về trật khớp cột sống, bên cạnh phương pháp dùng thuốc và phẫu thuật. 

Phương pháp này đã trải qua một thời gian dài thăng trầm để được công nhận và trở nên phổ biến như hiện nay. Tuy nhiên, xem TikTok có thể dẫn tới hiểu sai và thực hành sai về phương pháp này, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.

Tính khoa học và pháp lý

Từ chiropractic xuất phát từ tiếng Hy Lạp cheir (tay) và praktos (hoàn thành) - tức là được thực hiện bằng tay. Phương pháp chữa bệnh bằng tay có thể bắt nguồn từ thời cổ đại và là một trong những phương pháp gây tranh cãi nhất, từ khi hình thành, phát triển và đến lúc được cấp phép.

Trị liệu thần kinh cột sống chỉ được biết đến rộng rãi sau khi Daniel David Palmer (1845-1913), một người đam mê nghiên cứu về giải phẫu cột sống và các biện pháp tác động lên cột sống, thực hiện ca bệnh chỉnh hình đầu tiên vào năm 1895.

Người bệnh là một người gác cổng. Trong một lần làm việc, ông ta di chuyển sai hướng và nghe thấy tiếp "bốp" ở sau lưng và bị điếc kể từ thời điểm đó. Palmer đã tìm thấy một khối u đau ở lưng mà ông cho rằng do lệch cột sống và có thể là nguyên nhân gây giảm thính lực. 

Sau những động tác chỉnh sửa bằng tay của Palmer, thính giác người bệnh dần hồi phục. Đây được xem là mốc khởi đầu cho sự ra đời của phương pháp này, song cũng gây ra nhiều phản đối về tính khoa học.

Sự phục hồi thính giác này được coi là "kỳ lạ" và mang màu sắc "thần thoại" khi không phải là kết quả điều trị trong môi trường y tế. Điều này được lý giải như thế nào? Có rất ít nhân chứng tại thời điểm đó và không ai biết điều gì đã thực sự xảy ra. 

Cuộc tranh luận gay gắt giữa "những người chính quy" (bác sĩ) và "những người không chính quy" (những người hành nghề y học thay thế) lan rộng khắp nước Mỹ. 

Ngay cả Pamler lúc đó cũng thừa nhận "phương pháp chỉnh hình không được phát triển từ y học hay bất kỳ phương pháp nào khác, ngoại trừ phương pháp từ tính", tức là xác định dòng năng lượng lưu thông trong cơ thể và coi bệnh tật là sự cản trở.

Daniel David Palmer (1845-1913)

Daniel David Palmer (1845-1913)

Sự đóng góp chính của Palmer là khẳng định vai trò của hệ thống thần kinh, đặc biệt là tủy sống. Các đốt sống bị lệch (trật khớp) gây áp lực lên dây thần kinh và làm suy giảm chức năng liên quan. Các hoạt động hằng ngày - tập thể dục, xoay người, vặn người, uốn cong quá phạm vi chuyển động có thể gây ra trật khớp với các cơn đau ở vùng cổ, lưng, ngực…

Lúc này, điều trị chỉnh hình liên quan đến việc dùng lực của tay, một lực đẩy nhanh, có kiểm soát tại khớp nhằm khôi phục lại vị trí, chuyển động hoặc cả hai. Từ đó, khôi phục khả năng vận động của khớp, giảm đau và căng cứng cơ liên quan, giúp dây thần kinh hoạt động trở lại. 

Các điều chỉnh thường đi kèm hiện tượng khí thoát ra nghe giống như tiếng "rắc". Âm thanh đôi khi nghe hơi sợ nhưng cảm giác thường dễ chịu. Đây được xem là cơ sở lý thuyết của phương pháp trị liệu thần kinh cột sống.

Tuy nhiên, phương pháp này cần chứng minh tính khoa học dựa trên bằng chứng. Một khảo sát từ năm 1986 của tổ chức bảo vệ sức khỏe của bang Washington đăng trên Viện Y tế quốc gia Mỹ đã so sánh phản ứng của 359 bệnh nhân bị đau cột sống thắt lưng, được điều trị bằng phương pháp thông thường với 348 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp chỉnh hình. 66% bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp chỉnh hình cho biết họ "rất hài lòng" với kết quả nhận được, cao gấp 3 lần tỉ lệ của nhóm kia (22%).

Một bài phân tích tổng hợp từ năm 1998 trên JAMA Network cho biết có khoảng 40 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại thời điểm đó, chủ yếu về chứng đau thắt lưng, cho thấy hiệu quả của phương pháp trị liệu cột sống. 

Những cơ sở này là bằng chứng để phương pháp này được công nhận về mặt pháp lý. Hiện nay, Mỹ và hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới cấp phép cho các bác sĩ trị liệu thần kinh cột sống (chiropractor) và hàng triệu người hưởng lợi ích từ phương pháp này.

Đừng nghe "răng rắc" mà ham

Trở lại các video thực hành liệu thần kinh cột sống trên TikTok, mỗi clip có thể có từ vài triệu đến hàng chục triệu lượt xem. Người xem bị thu hút khi chứng kiến sự thay đổi trạng thái "thần kỳ" của người bệnh từ vẻ mặt đau đớn, mệt mỏi với cơn đau vùng cổ hoặc thắt lưng sang cảm giác khoan khoái, vui vẻ. 

Các video có hình ảnh sống động, thao tác đơn giản nhanh gọn, âm thanh là tiếng "rắc rắc" vừa gây cảm giác sợ hãi nhưng cũng kích thích sự tò mò, thúc đẩy mong muốn được trải nghiệm của người xem. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi người xem có thể hiểu sai và thực hành sai phương pháp này.

Tháng 9-2023, bác sĩ Ever Arias - người chuyên giải thích, bác bỏ các tin tức y khoa vô căn cứ trên TikTok - phải lên tiếng cảnh báo cộng đồng đừng bao giờ tự bẻ cổ kêu răng rắc (neck cracking), bởi gương nhãn tiền: một phụ nữ 20 tuổi đã bị gãy xương do nén cổ với lực mạnh chỉ vì tự "bẻ cổ" hai lần. 

Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Mỹ, các vết gãy nhỏ này cần được điều trị bằng nẹp trong thời gian 8 tuần, nếu nặng hơn có thể phải phẫu thuật và bó bột trong nhiều tháng. Riêng video về neck cracking đã có 1,9 tỉ lượt xem trên TikTok tính tới thời điểm đó.

Trong y văn đã ghi nhận nhiều trường hợp bị thoát vị đĩa đệm do tự nắn chỉnh cột sống tại nhà, hay một biến chứng nguy hiểm khác là bóc tách động mạch cổ gây đột quỵ sau nắn chỉnh cột sống cổ.

Video thực hành chiropratic trên TikTok

Video thực hành chiropratic trên TikTok

Trên Nature hồi tháng 1-2023, một kết quả nghiên cứu với gần 55.000 bệnh nhân tham gia nắn chỉnh xương trong thời gian gần 5 năm tại Hong Kong cho thấy có 39 trường hợp gặp biến chứng, trong đó gãy xương sườn là nghiêm trọng nhất khi áp dụng nắn xương khớp bằng tay tại cột sống ngực với bệnh nhân nằm sấp trên mặt phẳng. 

Nguyên nhân có thể do bác sĩ không nhận thức được các yếu tố nguy cơ gãy xương như tuổi cao, loãng xương người già, tiền sử gãy xương sườn trước đó hoặc mật độ khoáng xương thấp do lối sống ít vận động, uống rượu hoặc sử dụng nhiều corticoid… 

Có hai trường hợp gãy đốt sống, một trường hợp bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Các tác dụng phụ nhẹ, thoáng qua được đề cập gồm: đau nhức người, đau ngực mà không gãy xương, chóng mặt, đau đầu không do đột quỵ…

Ngoài ra là sự quảng bá "quá mức" về hiệu quả, vượt ra ngoài các bệnh lý cột sống. Một cuộc khảo sát cho thấy 3/4 bác sĩ trị liệu nắn chỉnh ở Mỹ và 8/10 bác sĩ ở Pháp ủng hộ hoặc quảng cáo phạm vi hành nghề rộng rãi. 

Tuy nhiên, thực tế không "thần kỳ" như vậy. Một phân tích tổng hợp trên Pubmed năm 2015 cho thấy nắn chỉnh khớp có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng đau cổ, vai cũng như chấn thương thể thao. Trường hợp hen suyễn, đau bụng ở trẻ sơ sinh, rối loạn phổ tự kỷ, các vấn đề về đường tiêu hóa, đau xơ cơ và hội chứng ống cổ tay không có bằng chứng khoa học thuyết phục.

Ngay trong đợt dịch COVID-19, một số nhà trị liệu tuyên bố điều chỉnh cột sống có thể bảo vệ bệnh nhân không nhiễm bệnh hoặc sẽ tăng cường khả năng hồi phục của họ. Liên đoàn Chiropractic thế giới (WFC) đã chính thức bác bỏ thông tin "thiếu cơ sở khoa học" và "gây hại cho sức khỏe cộng đồng" này.

Có một thực tế nữa là người hành nghề tại nhiều quốc gia không được đào tạo chuyên môn bài bản. 

Tại Mỹ, trước khi được cấp giấy phép hành nghề, các bác sĩ trị liệu thần kinh cột sống phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trình độ học vấn và năng lực do hội đồng giám định chiropractic quốc gia và từng tiểu bang đặt ra, với hơn 9 năm đào tạo, tương đương 4.000 giờ học. 

Có nhiều người trên thực tế là bác sĩ đa khoa, kỹ thuật viên, thậm chí là người không hành nghề y, do vậy khi thức hiện thao tác có thể không đúng kỹ thuật.

"WFC không tha thứ cho việc đăng video về các bệnh nhân đang được điều trị bằng thao tác cột sống hoặc bất kỳ hình thức chăm sóc nào khác, không rõ liệu người thực hiện điều chỉnh có phải là bác sĩ nắn khớp xương đủ tiêu chuẩn và được cấp phép hay không, đối tượng có phải là những bệnh nhân thực sự" - tổng thư ký Richard Brown nói với The New York Time.

Không thể phủ nhận phương pháp trị liệu thần kinh cột sống tương đối an toàn, chi phí thấp. So với việc dùng thuốc và phẫu thuật thì chúng khiến người bệnh dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, đánh giá nguy cơ trước khi tiến hành phương pháp trị liệu. Đây là cách giúp bảo vệ bản thân tránh nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng.

Video nắn xương, bẻ cổ trên TikTok: Chớ nghe "thấy đã" mà vội làm theo- Ảnh 4.

Nước Úc đã loay hoay với việc cấm hay cho phép thực hành nắn chỉnh cột sống ở trẻ dưới 2 tuổi trong 5 năm qua.

Đầu tiên là lệnh cấm tạm thời vào năm 2019, để giới khoa học tiếp tục thu thập thêm bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả. Sang tháng 11-2023, quy định được gỡ, nhưng đến giữa tháng 6-2024, Hội đồng chiropractic Úc tái ban hành lệnh cấm.

Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy nắn chỉnh cột sống ở trẻ dưới 2 tuổi mang lại lợi ích rất nhỏ cho chứng đau lưng, đau bụng và đái dầm - một số lý do phổ biến để cha mẹ đưa con đến gặp bác sĩ chỉnh hình. Bằng chứng hiệu quả nhìn chung là kém, song biến chứng nghiêm trọng cũng cực kỳ hiếm gặp và nhiều trường hợp trẻ cải thiện bệnh lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp không có bằng chứng rõ ràng về lợi ích và tính an toàn thì nên áp dụng nguyên tắc phòng ngừa trước khi có nghiên cứu chất lượng cao hơn để kiểm chứng.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận