Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây phối hợp Google xây dựng một video giả lập các tình huống lừa đảo trực tuyến mà người lớn tuổi thường gặp phải và hướng dẫn cách xử lý.
Video đã giả lập ba tình huống lừa đảo trực tuyến mà người lớn tuổi thường gặp phải và hướng dẫn cách xử lý đối với từng tình huống.
Các tình huống gồm: trang web giả mạo, ứng dụng không rõ nguồn gốc, kẻ gian chiếm tài khoản. Nội dung video được nghệ sĩ Xuân Bắc thể hiện thông qua những lời thơ dí dỏm và dễ nhớ, nhấn mạnh thông điệp "Nâng cao cảnh giác - Cập nhật thường xuyên - An tâm vui sống".
Trong video có đề cập đến những công cụ bảo mật như: sử dụng duyệt web an toàn để kiểm tra các đường dẫn lạ, bật tính năng cảnh báo khi cài đặt các ứng dụng về trò chơi (game) trước khi sử dụng.
Video cũng khuyến cáo người dùng cần lưu ý kiểm tra bảo mật thường xuyên, tỉnh táo trước những yêu cầu về cung cấp thông tin bảo mật, tránh để kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài khoản, thông tin cá nhân.
Trước đó, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, xu hướng lừa đảo trực tuyến hướng vào nhóm đối tượng người cao tuổi vẫn tiếp tục tăng.
Để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, cảnh báo người dân về những tình huống bảo mật, tháng 11-2023, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với Google ra mắt cuốn "Cẩm nang an toàn trực tuyến" tập trung nhiều cho nhóm người cao tuổi với mục tiêu thanh niên có thể hướng dẫn cho người cao tuổi sử dụng mạng Internet an toàn hơn.
Cẩm nang được trình bày đơn giản, dễ hiểu giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ số giữa các thế hệ, tạo nên một môi trường Internet an toàn, lành mạnh và bổ ích cho mọi lứa tuổi. Bạn đọc có thể tham khảo cẩm nang tại đây.
Vì sao người lớn tuổi dễ bị sập bẫy lừa đảo trực tuyến?
Trong các hoạt động hướng đến Ngày An toàn mạng thế giới 6-2-2024, Google đã thực hiện khảo sát trên 1.248 người dùng Internet Việt Nam về an toàn thông tin trực tuyến. Kết quả khảo sát cho thấy 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% đã từng bị lừa đảo.
Theo phân tích của Google, Top 3 lý do khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến là: không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo (48%); giao dịch, giải thưởng có vẻ hấp dẫn (39%); cảm thấy tò mò (38%).
Về ảnh hưởng của thói quen, 78% người dùng có thói quen online không an toàn đã từng bị lừa, cao hơn so với con số tương ứng là 66% ở nhóm người dùng có thói quen online an toàn.
Một số thói quen không an toàn phổ biến là: sử dụng các tổ hợp dễ nhớ làm mật khẩu, sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản, hoặc bỏ qua các cảnh báo từ trình duyệt web hoặc cửa hàng ứng dụng. Điển hình như việc sử dụng mật khẩu đơn giản, khảo sát cho thấy 33% nhóm người dùng trên 55 tuổi mắc phải thói quen này - chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận