Nhưng "công, tội" của video cải lương nên được nhìn nhận ra sao?
1. Trong tọa đàm Sân khấu cải lương TP.HCM, 1975-2025, đạo diễn Nguyễn Mộng Long - con trai soạn giả Quy Sắc (người nổi tiếng với những kịch bản, bài ca cổ như Sơn nữ Phà Ca, Kim Vân Kiều, Khi rừng mới sang thu, Nấu bánh đêm xuân, Cô bán đèn hoa giấy...) - cho rằng không phải tự nhiên mà khán giả ào ạt chọn xem video cải lương.
Vì có một thời kỳ, những người làm video cải lương nhanh nhạy biết làm lại kịch bản xưa ăn khách với sự xuất hiện của những nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu...
Ông Long cho rằng sự tích cực của phương thức này là đưa cải lương đến với công chúng rộng rãi hơn.
Soạn giả Hoàng Song Việt có thâm niên "chinh chiến" thị trường video cải lương cho biết video cải lương ra đời để đáp ứng nhu cầu của những người xa xứ mê cải lương. Ông kể những ngày đầu quy trình làm băng đĩa rất kỹ lưỡng, nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, khi trào lưu phát triển rầm rộ thì bắt đầu có sự cẩu thả. Vì cho rằng video cải lương làm kiểu gì cũng ăn nên mọi khâu chuẩn bị rất chụp giật, một ngày có khi quay ba tuồng, người người nhà nhà nhảy vô làm. Sự bát nháo đó từ từ dẫn đến "thảm trạng" khiến người ta lên án video cải lương.
2. Có thể nói trong ký ức của nhiều khán giả cả nước, tối thứ bảy hằng tuần là thời khắc giải trí tuyệt vời khi cả nhà, cả xóm xúm vào chiếc tivi để chờ đón giờ phát sóng vở sân khấu mới.
Nhờ truyền hình mà nghệ thuật cải lương càng được khán giả yêu mến và nhiều vở diễn đã đi vào tâm khảm người xem như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Khách sạn Hào Hoa, Nàng Xê Đa...
Tuy nhiên, một số vở cải lương mới mà nhiều đài thực hiện sau này đang vấp phải những lời chê vở không đủ hấp dẫn, không tạo được ấn tượng mà những vở cải lương xưa đã ghi dấu trong lòng công chúng.
Thậm chí có người còn "buộc tội" chính vì nhà đài làm không hay nên khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ không còn mặn mà với cải lương nữa.
Ông Việt cho biết ngày xưa thường đài đặt vấn đề xin quay một vở cải lương là khi vở đã diễn trên sân khấu cả ngàn suất, gần hết khách rồi người ta mới đồng ý cho quay. Vì lẽ đó nên vở rất hay, khi quay thì đưa nguyên xi, đảm bảo đúng chất lượng như trên sân khấu.
"Hiện tại thật khó khi vở cải lương trên truyền hình khống chế trong 90 phút. Diễn viên thì mời khắp các nơi, thời gian tập ít không kịp thấm nhân vật nên vở cứ nhàn nhạt. Đã vậy còn phát 2h, 4h khuya ai mà coi" - ông Việt ngậm ngùi.
Rõ ràng, trào lưu video cải lương và cải lương trên truyền hình chưa được chăm chút như hiện nay đều có những tác động không hay đến sức sống cải lương. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng sự suy yếu của sân khấu cải lương căn bản vẫn ở nội tại.
Như đạo diễn Trần Ngọc Giàu đặt câu hỏi tại sao trước đó sân khấu kịch "lép vế" so với cải lương nhưng giờ đã vượt mặt, phải chăng cải lương đã không đáp ứng nhu cầu giải trí để bị lấn.
Từ gợi mở của ông Giàu cho thấy có những điều người ta cho là "giết" cải lương nhưng dường như chỉ là hiện tượng.
Còn cải lương muốn tồn tại vẫn phải dựa vào nội lực mạnh mẽ. Đó là sự thay đổi từ nội dung đến hình thức, những đầu tư dài hơi vào con người, từ tác giả, đạo diễn đến diễn viên, những chiến lược tiếp cận khán giả để có thể đồng hành cùng với thời đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận