20/12/2017 14:42 GMT+7

Video clip vạch trần rau giả chỉ là 'tin giả'

TƯỜNG HÂN ghi
TƯỜNG HÂN ghi

TTO - Trên mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip quay cảnh tách màng bọc trong suốt trên từng lá xà lách. Đây không phải lần đầu tiên có những clip gieo hoang mang về kỹ xảo làm thực phẩm giả.

Clip bóc lớp màng nhựa khỏi rau lan truyền trên mạng với 'cảnh báo' đó là rau giả

Trong clip phát tán trên mạng, độ xốp và màu sắc của rau rất tự nhiên nên khiến nhiều bạn đọc lo ngại. 

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định việc làm giả rau để kiếm lời là không khả thi và việc phân biệt rau giả - nếu có - với rau thật cũng cực kỳ dễ dàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS Nguyễn Lê Đại Phúc, giảng viên khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, cho rằng: "Người ta thường sử dụng màng chitosan nói riêng, các màng phân hủy sinh học nói chung để bảo quản thực phẩm, nhưng chủ yếu là bao bọc trái cây, rau ít khi nào bảo quản bằng màng. Nhưng trong clip rõ ràng không phải hiện tượng tự nhiên, lá rau đã được nhúng vào dung dịch nào đó, khi khô ráo tạo thành lớp màng. Dựa vào màu sắc và độ dẻo, đây không phải màng chitosan. Nhưng để khẳng định tính an toàn, phải đem mẫu màng đi kiểm tra hoặc có những thông số khác".

Là chuyên gia về hóa thực phẩm, GS.TS Đổng Thị Ánh Đào ở Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM cho rằng: "Để biết rau thật, giả, các bà nội trợ chỉ cần dùng móng tay bấm, ngắt rau là phân biệt được. Đặc tính xoăn, độ xốp, dễ rách của rau xà lách cũng rất khó để giả. Công nghệ làm giả đòi hỏi tinh vi, tốn kém hơn nhiều. Không ai muốn kiếm lời lại làm rau giả. Trong các loại phụ gia tạo màng không có loại nào dai như vậy. Để dai như vậy có thể là plastic hoặc loại bánh tráng chúng ta thường ăn".

Video clip vạch trần rau giả chỉ là tin giả - Ảnh 2.

Xà lách trong vườn rau thủy canh tại Cầu Đất, Đà Lạt - Ảnh: TƯỜNG HÂN

TS Đào chia sẻ dưới góc độ cá nhân: "Có 1 số trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, rau trong clip được cố tình làm giả gồm nhiều lớp nên bóc dần ra thành các màng, theo chủ ý của người thực hiện muốn hạ uy tín nông nghiệp trong nước. Thứ hai, rau trong clip là rau thật nhưng được bao bọc bởi một số vật liệu trong. Nhưng đây không phải chitosan - loại dung dịch bảo quản thực phẩm thường gặp - vì chitosan chỉ có hiệu quả bám dính với củ quả tròn, có độ nhám ở bề mặt, nếu không dung dịch sẽ trôi tuột. Rõ ràng người tạo ra hiện tượng này phải dành nhiều thời gian để nhúng từng lá rau vào dung dịch nào đó".

Đến trưa 20-12, clip bóc tách lá rau xà lách đã được tháo khỏi mạng xã hội.

Cách đây không lâu, cộng đồng mạng từng trố mắt khi thấy một nghệ nhân Nhật Bản pha chế dung dịch đầy màu sắc, đổ vào thau nước để tạo hình rau củ, tôm cá, sushi... Với tính chất đông lại khi gặp nước, thực phẩm giả được tạo ra chỉ mang hình dáng và màu sắc thật đến không ngờ, nhưng vẫn là "không ăn được".
Video clip vạch trần rau giả chỉ là tin giả - Ảnh 4.

Các công nhân thu hoạch xà lách tại Đà Lạt - Ảnh: TƯỜNG HÂN

TƯỜNG HÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên