Thành phố Abu Dhabi, một trong những nơi thử nghiệm gieo mây để làm mưa nhân tạo - Ảnh: SKY NEWS
Trung tâm Khí tượng quốc gia (NCM) của UAE dùng drone để bay vào các đám mây và giải phóng điện tích, giúp các giọt nước phân tán kết hợp với nhau và tạo thành giọt nước đủ nặng để rơi xuống thành mưa.
Theo Gulf Today, NCM đã thực hiện 126 chuyến bay gieo mây kể từ đầu năm 2021, bao gồm 14 chuyến bay kể từ đầu tuần trước, mỗi chuyến bay kéo dài từ 2 đến 3 giờ.
Một số nghiên cứu cho thấy công nghệ gieo mây có thể làm tăng lượng mưa lên đến 35%, nhưng cũng có nghiên cứu đưa ra nghi ngờ về tính hiệu quả của phương pháp này.
Hạn chế lớn nhất là thiếu các đám mây chứa đủ hơi nước để tạo mưa và sẽ không thể tạo ra mưa ở tất cả các khu vực.
Video 3D quá trình hình thành mây nhân tạo gây mưa - Nguồn: NCM
UAE cũng áp dụng một số kỹ thuật khác để tạo mưa, như thả muối hay các chất xúc tác vào mây. Sau đó, hơi ẩm trên các đám mây sẽ bám vào các "hạt giống mưa" này và chuyển thành hạt mưa.
UAE còn tính tới việc xây núi nhân tạo để tạo mưa. Từ năm 2016, UAE đã tiến hành thử nghiệm công nghệ này.
Khi không khí ẩm chạm sườn núi, nó sẽ bay lên đỉnh và lạnh dần đi khi tăng dần độ cao. Lúc đó, không khí sẽ cô đọng lại thành dạng lỏng và biến thành mưa.
UAE có lượng mưa ít hơn 100mm mỗi năm, so với lượng mưa trung bình ở Vương quốc Anh là 1.300mm.
"Sự khan hiếm nước là một trong những vấn đề lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt và biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều bất ổn về lượng mưa", tiến sĩ Keri Nicoll từ Đại học Bath ở Vương quốc Anh cho biết.
Tiến sĩ Keri nói sáng kiến cải thiện lượng mưa là rất quan trọng ở những nơi "đang thực sự gặp khó khăn về nguồn nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận