Trong 20 năm phát triển, Tuổi Trẻ Online luôn hướng tới giá trị "định chế tham khảo", là chuẩn mực thông tin để bạn đọc tin tưởng.
Về định hướng này, đạo diễn Victor Vũ nhận xét: "Điều này thể hiện Tuổi Trẻ Online đã xác lập mục tiêu vươn tới đỉnh cao trong lĩnh vực thông tin đại chúng, rất chính đáng và nhiều hy vọng".
Tuổi Trẻ Online đánh dấu cột mốc tuổi 20
Theo anh, việc xác lập được giá trị đó và đưa nó trở thành một giá trị cao đẹp phụ thuộc vào sự đánh giá của đại bộ phận bạn đọc trên cả nước.
Victor Vũ góp ý thẳng thắn cho Tuổi Trẻ Online
Anh phân tích: "Định chế tham khảo là một thuật ngữ khá mới, cho thấy Tuổi Trẻ Online muốn trở thành một địa chỉ chuẩn mực thông tin đáng tin cậy và luôn được độc giả tìm kiếm về những vấn đề liên quan tới một sự việc, sự kiện nào đó".
Đạo diễn cho rằng cần phấn đấu để khi bàn luận một vấn đề, người ta sẽ nói với nhau rằng: "Báo Tuổi Trẻ viết thế này", "Báo Tuổi Trẻ bình luận thế kia".
Là một độc giả thường xuyên, anh luôn mong muốn Tuổi Trẻ Online sẽ làm được như vậy.
Riêng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và giải trí mà anh là người hoạt động trong đó, Victor Vũ góp ý rằng các bài bình luận cần có quan điểm riêng và không bị ảnh hưởng bởi những luồng quan điểm khác.
Anh nói: "Trong một số bài bình luận về một tác phẩm hoặc một vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa - giải trí, tôi thường bắt gặp những quan điểm na ná nhau trên các bài viết của các báo, nhất là ở phần bình luận, đánh giá.
Điều ấy chứng tỏ tính độc lập rất yếu của báo A, báo B hoặc báo C.
Để chuẩn mực thông tin, cần khách quan và có những bình luận sâu sắc chuyên biệt, không mượn ý tưởng của báo khác và đề cao tính độc lập để bạn đọc khẳng định đó là một "định chế tham khảo" đáng tin cậy trong lĩnh vực văn hóa - giải trí.
Muốn vậy, cần có một đội ngũ làm báo với các tiêu chí ra sao thì quý báo chắc hiểu rõ hơn tôi".
Bên cạnh đó, đạo diễn phim Người vợ cuối cùng góp ý về mối quan hệ tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc. Anh cho rằng Tuổi Trẻ Online cần làm tốt hơn việc kết nối chặt chẽ và nhanh chóng với bạn đọc.
Đạo diễn lấy ví dụ: "Có một số người từng phàn nàn với tôi là họ đã gửi ý kiến, thắc mắc hoặc câu hỏi tới báo này hoặc báo kia. Nhưng tòa soạn báo không hồi đáp.
Tôi không biết người ta hỏi gì, thắc mắc vấn đề gì, nhưng điều ấy chứng tỏ tờ báo đó không quan tâm, không tôn trọng bạn đọc.
Họ là cá nhân, song mỗi cá nhân trong thời đại mà mạng xã hội có vị thế rất lớn và sâu rộng thì nhà báo chuyên nghiệp nên coi họ là phóng viên nghiệp dư, nhiếp ảnh nghiệp dư, nhà bình luận nghiệp dư...
Bỏ qua mỗi cá nhân sẽ là cái dở của giới làm báo muốn chinh phục niềm tin của đại chúng".
Giao diện đẹp, nhưng cần chú ý khâu quảng cáo
Về giao diện, Tuổi Trẻ Online luôn nỗ lực thay đổi để trở nên hiện đại hóa theo thời gian. Đạo diễn Victor Vũ nhận xét: "Giao diện Tuổi Trẻ Online đẹp, tiện dụng và hiện đại". Bên cạnh đó, anh cũng có vài góp ý về cách thể hiện các nội dung quảng cáo.
Đạo diễn cho rằng nhiều lúc quảng cáo trên trang quá nhạy, đôi khi chỉ lướt qua một quảng cáo là nó đã choán chỗ cả màn hình. Điều này vô tình làm chậm trải nghiệm đọc của bạn đọc.
Anh góp ý rằng không nên trộn lẫn các bài viết mang tính tiếp thị một sản phẩm hoặc dịch vụ vào các chuyên mục của tờ báo. Giả sử chuyên mục Giải trí không nên hiển thị bài quảng cáo về vấn đề sức khỏe vì nội dung không tương đồng, gây cảm giác lạc lõng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận