03/04/2009 08:46 GMT+7

Vỉa hè TP.HCM: hết đào lại xới!

NGỌC ẨN - CHÍ QUỐC
NGỌC ẨN - CHÍ QUỐC

TT - Nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM đang bị xới tung lên để làm vỉa hè, gây ảnh hưởng việc mua bán, đi lại của người dân. Có quận cho biết phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để cải tạo vỉa hè, chưa kể các khoản do dân đóng góp.

uOM9IAbO.jpgPhóng to
Đường Lý Tự Trọng (Q.1, tp.hcm) đang được trải đá để chuẩn bị tráng ximăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 1-4, vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) vẫn còn bị đào xới ngổn ngang. Người dân ở đây cho biết trước khi làm vỉa hè, UBND phường có họp dân về chủ trương đóng góp kinh phí. Theo đó, kinh phí cho mỗi mét vuông vỉa hè tốn khoảng 400.000 đồng, thực hiện dưới hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm với cách chia “bảy ba” (ngân sách chịu bảy phần, người dân chịu ba phần). Với cách tính này, mỗi mét vuông người dân phải chịu 180.000 đồng.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Bà C.H.P. - một người dân ở P.Nguyễn Thái Bình - nói trước khi bị đào xới để làm lại, vỉa hè đường này còn khá tốt. Bà P. tính toán với phần mặt tiền nhà khoảng 20m2, gia đình bà phải đóng gần 4 triệu đồng, số tiền này chắc gia đình bà không có khả năng góp một lần mà chỉ có thể góp mỗi tháng vài chục ngàn đồng. Như vậy phải góp cả chục năm mới xong! Bà Lê Thu Huyền - phó chủ tịch UBND P. Nguyễn Thái Bình - giải thích đường Nguyễn Thái Bình do phường làm chủ đầu tư và vận động người dân đóng góp. Ngoài ra, còn ba tuyến đường khác trên địa bàn do phường làm chủ đầu tư cũng thực hiện như vậy.

Trong khi đó, một hộ dân trên đường Tô Hiến Thành (P.13, Q.10) cũng rất bức xúc trước thông báo của UBND phường về việc đo diện tích mặt tiền căn nhà để làm cơ sở tính kinh phí đóng góp làm vỉa hè. Hộ dân này cho biết người dân phải đóng góp phân nửa mức kinh phí làm vỉa hè. Ông Đặng Văn Lập - chủ tịch UBND P. 13 - xác nhận mức vận động người dân đóng góp là 50%, được thực hiện theo chủ trương của quận. Theo thống kê của UBND P.13, trên địa bàn phường có 175 hộ dân mặt tiền đường phải đóng góp kinh phí làm vỉa hè.

Ông Lê Hữu Thanh - trưởng phòng tài chính kế hoạch Q.10 - cho biết trong năm 2009 quận sẽ làm vỉa hè 17 tuyến đường với tổng mức đầu tư khoảng 36 tỉ đồng, trong đó ngân sách quận chi hơn 26 tỉ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Theo ông Thanh, mức đóng góp của người dân ở các tuyến đường từ 30-50% trên giá trị xây lắp. Ông Thanh cũng cho biết những trường hợp gia đình nghèo, chính quyền sẽ xem xét miễn giảm mức phí đóng góp cho từng trường hợp cụ thể.

Đủ kiểu gạch lát

Khảo sát vỉa hè ở các tuyến đường thuộc quận nội thành, chúng tôi ghi nhận vỉa hè được lát đủ kiểu. Như vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến đường Ba Tháng Hai) được lát gạch đá mài, loại 40x40cm. Nhưng đến đoạn thuộc Q.10 và Q.11 thì chuyển sang lát gạch con sâu, loại 10x15cm. Cũng trên đường Lý Thường Kiệt, đoạn từ đường Vĩnh Viễn đến Tân Phước (Q.11) thì lát đá rửa (ximăng sỏi), trong khi đó đoạn từ Tân Phước đến Hòa Hảo (Q.11) lại lát bằng gạch đá mài. Riêng đường Điện Biên Phủ qua các Q.3, Q.10 vỉa hè lát gạch bông cách đây năm năm nay đã hư hỏng xuống cấp…

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM, hiện nay Sở Giao thông vận tải chỉ quy định về cao độ vỉa hè không quá 20cm so với mặt đường, làm triền lề vát trước nhà dân và triền lề đứng trước các cơ quan nhà nước. Còn việc sử dụng loại vật liệu nào để lát vỉa hè là do chủ đầu tư dự án quyết định, vì vậy mới có chuyện cùng một tuyến đường nhưng mỗi nơi lát mỗi kiểu gạch khác nhau.

Sao lại “bêtông hóa” vỉa hè?

Cùng với việc cải tạo vỉa hè hàng loạt, nhiều tuyến vỉa hè đang bị “bêtông hóa” làm giảm mật độ thoát nước xuống lòng đất và xóa sổ nhiều mảng xanh của TP.HCM.

Có thời gian việc lát vỉa hè bằng đá rửa chiếm ưu thế và xóa sổ nhiều mảng xanh ở TP.HCM. Theo một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, cách làm này là một “sai lầm”, thay vì cải tạo lại mảng xanh để hạn chế việc người dân vứt rác thì cơ quan chức năng đã dùng đá rửa lấp đi khiến mảng xanh bị thu hẹp, nước mưa không thấm được xuống đất.

Hiện nay, các địa phương lại chuyển sang lát gạch đá mài. Kết cấu xây dựng vỉa hè loại này là đổ lớp bêtông bên dưới nền đất và bên trên lát gạch. Với cách làm này, dường như cơ quan chức năng không còn quan tâm đến việc tạo cho vỉa hè những khoảng hở để nước mưa có thể thấm vào lòng đất, hạn chế tình trạng lún của TP.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình Q.Tân Bình cho rằng lát gạch đá mài bền, chịu được lực cho xe gắn máy đi trên vỉa hè và đẹp vì có nhiều hoa văn và màu sắc hơn so với loại gạch con sâu. Tuy nhiên các lãnh đạo một số ban quản lý dự án quận đều thừa nhận nhược điểm của lát gạch đá mài là do làm lớp bêtông dưới nền vỉa hè nên nước mưa không thể thấm xuống lòng đất.

Lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP.HCM nhìn nhận để đối phó với nạn đổ rác và xà bần ở các dải phân cách trồng cây xanh trên các đường Châu Văn Liêm, Ngô Gia Tự (Q.5), Trần Hưng Đạo, Tôn Đức Thắng và Pasteur (Q.1), ngành giao thông vận tải đã tráng bêtông đá sỏi làm mất mảng xanh. Mới đây, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã đề xuất các cơ quan chức năng cho phục hồi mảng xanh trên các đường Trần Hưng Đạo và Pasteur. Tuy nhiên mỗi sở, ngành góp ý mỗi kiểu: có người đề nghị chỉ nên trồng cỏ, có người đề nghị trồng cây lá màu, trồng hoa... Do đó, việc thí điểm gỡ bỏ mảng bêtông trả lại mảng xanh trên vỉa hè đang chờ các cơ quan thẩm quyền gút lại.

Ông Lê Thanh Sơn - phó giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM - cho rằng việc lót vỉa hè bằng gạch con sâu sẽ tạo thêm mật độ thoát nước cho TP. Ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết hiện đang sử dụng gạch con sâu để lót vỉa hè ở khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ và sắp tới khi mở rộng vỉa hè đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng sử dụng loại gạch này để tăng độ thoát nước cho TP.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Công - phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - cũng khẳng định việc lót vỉa hè bằng gạch con sâu hoặc một loại vật liệu nào đó để bề mặt vỉa hè vẫn thoát nước xuống lòng đất là cần thiết. Mặc dù đây là vấn đề nhỏ nhưng nếu nhìn trong tổng thể hệ thống thoát nước ở TP thì là việc cần làm.

Hà Nội: cũng mỗi nơi làm một kiểu

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, việc lập lại trật tự hè phố và chỉnh trang diện mạo vỉa hè mọi tuyến phố là một trong những công việc phải hoàn tất trước thời điểm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010. Cũng vì mục tiêu này, TP đã đầu tư cải tạo hàng loạt tuyến hè phố nhưng thực tế thi công tại nhiều nơi khiến người dân phải kêu trời bởi đủ kiểu đào lên, lấp xuống.

Một hộ dân nhà ngay mặt phố Hàng Bông (Q.Hoàn Kiếm) cho biết trong năm 2008, tuyến phố này đã được lát gạch vỉa hè tới 2-3 lần và việc đào hè lát gạch đến tháng 4-2009 vẫn chưa dừng lại. Theo ghi nhận tại tuyến phố này vào sáng 2-4, dù được cải tạo nhiều lần trong năm 2008 nhưng cả tuyến phố mỗi chỗ lại được lát một kiểu gạch khác nhau. Theo các hộ dân nơi đây, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy toàn bộ phần gạch lát vỉa hè bằng ximăng đoạn cuối phố Hàng Bông vẫn còn chất lượng khá tốt, nhưng đoạn đầu phố Hàng Bông đã được đào lên để thay mới bằng gạch đá xẻ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở phố Kim Mã (Q.Ba Đình) nói cả đoạn vỉa hè ở phố này dài tới vài trăm mét được đào xới lên từ tết, đến giờ vẫn để đó và chưa biết tới khi nào hoàn thành.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định trong việc cải tạo vỉa hè đúng là còn bất cập. Nếu so sánh từng loại gạch giữa các tuyến hè phố đã cải tạo và chưa cải tạo thì đúng là có sự thiếu thống nhất. Ông Hùng cho biết đối với những tuyến vỉa hè cải tạo, lát gạch mới tại các quận huyện TP đã có quy định chung dùng gạch (ximăng - cát) xếp thành hàng, chỉ riêng các tuyến phố cổ của quận Hoàn Kiếm mới được dùng gạch đá xẻ.

NGỌC ẨN - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên