Hà Nội đập bỏ hàng hoạt bậc tam cấp nhà dân vi phạm vỉa hè - Ảnh: Nam Trần |
Phát biểu tại tọa đàm do báo Giao thông tổ chức này, tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng thay vì cho chủ nhà mặt phố được tùy ý sử dụng 2m chiều rộng vỉa hè để xe máy thì chính quyền cần cho chủ nhà thuê diện tích đó.
Bởi vì vỉa hè là đất công, chủ nhà không thể tùy ý sử dụng. Việc sử dụng vỉa hè ngoài công năng cho người đi bộ phải được thể chế hóa. Nếu không làm được điều này thì chắc chắn sẽ tiếp tục quay trở lại tình trạng bảo kê vỉa hè.
Không cho thuê vỉa hè, dễ có bảo kê
Theo ông Nam, vỉa hè là sở hữu toàn dân vì là đất công. Ông Nam cho rằng, nếu hiểu theo Luật giao thông đường bộ thì vỉa hè dành cho người đi bộ, loại bỏ mọi công năng khác nên không ai có quyền quy định, ban hành quyền cho thuê vỉa hè.
Nhưng tại nhiều nước Châu Âu, Mỹ cho phép các hoạt động thương mại dịch vụ trên vỉa hè như mô hình nhà hàng cà phê, sạp báo, quầy bán rau quả…
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc sử dụng vỉa hè cho mục đích ngoài giao thông đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố. Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên.
Ông Nam đề nghị trường hợp ngoài công năng chính là để đi bộ, nếu có thể bố trí được không gian phục vụ cho công năng khác nữa trên vỉa hè là trách nhiệm của các cơ quan là quy hoạch công năng cụ thể trên từng lô vỉa hè.
Nếu không ai quản lý, quy hoạch, sử dụng đúng những diện tích cho thuê vỉa hè đó thì sẽ có hiện tượng quay lại tình trạng bảo kê cho hành động sử dụng vỉa hè.
Ông Nam cũng cho rằng TP Hà Nội rộng 2m trên vỉa hè tính từ mép nhà ra để chủ nhà tùy ý sử dụng 2m đó cũng không đúng vì đó vẫn là đất công.
Nếu chủ nhà có yêu cầu mà chính quyền đáp ứng được thì họ được phép cho thuê 2m bề rộng đó cho việc để xe máy của gia đình mình.
Vì vậy, nếu cần thiết thì sửa đổi Luật, cho phép người dân thuê vỉa hè, mức tiền thế nào thì địa phương quyết định.
Để xe trên vỉa hè trước cửa nhà thì không thu phí
Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, từ năm 2008, UBND TP.HCN đã ban hành Quyết định 74/2008 quy định cụ thể việc sử dụng lòng đường.
Trong quy định buôn bán hàng hoá, để xe tự quản trước nhà. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của vỉa hè là ưu tiên nhất là dành cho người đi bộ.
Vì vậy, quy định vỉa hè có bề rộng trên 3 m thì phạm vi sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông có phạm vi bề rộng lớn nhất 1,5m tính từ mép nhà trở ra hoặc từ mép bó vỉa trở vào.
Trên cơ sở đề xuất của các quận huyện, năm 2009 UBND TP.HCM đã ban hành danh mục quy định các tuyến đường nào được sử dụng để kinh doanh buôn bán, được đậu xe, được để xe tự quản trước nhà.
UBND quận, huyện được kẻ vạch, và quản lý vỉa hè. Người dân chỉ tạm sử dụng vỉa hè trước nhà để kinh doanh buôn bán, để xe của gia đình thì không thu phí.
Giải tỏa vỉa hè ở Hà Nội - Ảnh: Nam Trần |
Còn ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết năm 1995, Chính phủ đã có Nghị định 36 của Chính phủ về đảm bảo trật tự ATGT.
Nhưng nghị định có những mâu thuẫn, hiểu vấn đề chưa thấu đáo nên việc triển khai chưa được thực hiện thường xuyên.
Cụ thể trong mục 2 điều 14 quy định cho UBND các tỉnh, TP quy định việc sử dụng một phần bên trong vỉa hè của một số đường phố đặt biệt để bán hàng hoá nhưng không được ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, mục 5 lại quy định: “nghiêm cấm cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dưới mọi hình thức".
Về việc kẻ vạch trừ 2m chiều rộng trên vỉa hè cho dân để xe máy, ông Viện cho biết nhằm phục vụ giao thông tĩnh, làm nơi đỗ xe theo quy định của UBND TP Hà Nội từ năm 2013.
Theo đó, ngoài những điểm được cấp phép, có thể kinh doanh, đỗ xe và thu phí theo quy định, những tuyến đường không tổ chức kinh doanh thì cho phép các phường tổ chức hướng dẫn nhân dân tự để xe trên vỉa hè.
Còn theo ông Khuất Việt Hùng, nghị định 36 có từ lâu còn Luật phí và lệ phí mới cho phép thu phí ở một số vị trí vỉa hè, lòng đường hợp pháp nên không cần băn khoăn về quy định cấm trong nghị định 36. Vấn đề là chính quyền địa phương tổ chức thu phí thế nào cho phù hợp với đặc điểm từng nơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận