Các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên đường Nguyễn Thị Tần, quận 8, TP.HCM khiến xe của khách đậu tràn lan dưới lòng đường - Ảnh: T.T.D.
Bên cạnh một số phản ảnh về việc lấn chiếm lòng lề đường làm bãi giữ xe, buôn bán hàng hóa, ăn uống... mất trật tự, nhếch nhác, bạn đọc tên Giang đã nêu ra một dạng lấn chiếm khác cũng "phiền lòng" không kém. Đó là lấy vỉa hè "làm của riêng".
"Tôi sinh sống ở quận 2 cũ, ở khu đô thị khang trang theo quy hoạch rõ ràng. Vậy mà tôi quan sát thấy mỗi nhà có một kiểu vỉa hè riêng và sử dụng theo cách riêng của mình.
Nhà nào nhà nấy tùy ý lát đá, trồng cây, đặt nguyên bộ bàn ghế đá... như thể đó là vườn riêng của nhà mình. Không biết đến bao giờ mới giải quyết được vấn nạn chiếm vỉa hè làm của riêng".
Bạn đọc Lien Pham cho rằng: "Hầu hết lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật về đất đai. Chủ nhà làm cam kết không chiếm dụng, lấn chiếm hay cho thuê phần đất vỉa hè mà chủ nhà không có chủ quyền".
Hoặc: "Nếu không quản lý được việc lấn chiếm vỉa hè thì hãy công khai cho thuê vỉa hè, như thế dễ quản lý lại còn thu được ngân sách. Bất cứ ai kinh doanh trên vỉa hè đều phải xin giấy phép với địa chỉ cụ thể, đóng thuế và cam kết giữ trật tự... kể cả bán hàng rong" - bạn đọc Trần Trọng Minh đề xuất.
Về tổng thể, bạn đọc PAS đề nghị: "Mạnh dạn quy hoạch cụ thể chỗ nào được bán, kinh doanh, chỗ nào để ở, đừng cứ có mặt tiền đường là kinh doanh. Nơi nào có tình trạng chiếm vỉa hè thì lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm. Quy hoạch giao thông, đừng nên để lại những nhà siêu mỏng.
Ví dụ như đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) chúng ta làm đường rộng, đẹp, chuẩn vậy sao tiếc gì không lấy thêm vào 40 - 50m sâu vào làm thêm đường nội bộ và phân lô lại mặt tiền, quy định lại phần xây mới sao cho mỹ quan, không chiếm vỉa hè".
"Không bao giờ và chẳng bao giờ có thể trả lại chức năng đúng nghĩa vỉa hè là dành cho người đi bộ nếu không có những chính sách ở tầm vĩ mô.
Nếu như quy định nhà ở không được phép kinh doanh, tất cả các hoạt động kinh tế như ăn uống, tạp hóa, làm đẹp... đều phải tập trung có nơi có chỗ vỉa hè sẽ sạch đẹp. Đây là chuyện toàn quốc chứ không riêng gì TP.HCM" - bạn đọc Da Nang góp ý.
Đồng quan điểm với Da Nang, bạn đọc Phạm Hát cũng đề nghị: "Mong báo Tuổi Trẻ có tiếp bài viết liên quan cung cấp các văn bản pháp luật quy định từ Chính phủ đến địa phương về nội dung trên, từ đó sẽ mổ xẻ vấn đề, tìm giải pháp tốt nhất, dung hòa nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong quản lý. Sẵn sàng đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong nội dung này".
- Ở TP của tôi lát đá vỉa hè rất đẹp nhưng người dân không thể đi lại. Vỉa hè dùng để xe máy, kinh doanh, thậm chí ôtô đậu. Không thể để vỉa hè như vậy được. Nên chăng tuyển ứng viên quản lý đô thị với cam kết xử lý được việc "tạo vỉa hè và lòng đường thông thoáng".
Hải Hà
- Một câu chuyện có thực được rút ra từ một vườn hoa tại Gia Lai để có thể giải quyết vấn đề trên. Năm 2018, vườn hoa V.F tại Gia Lai. Thay vì ghi chữ "không hái hoa bẻ cành" như những vườn khác, họ đã ghi "ĐƯỢC HÁI HOA BẺ CÀNH..." và ghi chú thêm chữ nhỏ ở dưới "tính phí 50.000 đồng/1 bông hoặc cành".
Kết quả: vườn cấm thì bị tơi tả, còn vườn cho hái thoải mái thì y nguyên. Bài học rút ra: vỉa hè bị lấn chiếm, lợi nhuận thuộc về người lấn chiếm. Vậy thay vì cấm, nên cho sử dụng với điều kiện có thu phí thật cao, tôi đảm bảo hiệu quả.
Bạn đọc Phan Nguyên Cát
- Nên cho đấu giá, cho thuê một phần hoặc toàn phần vỉa hè vào thời gian nhất định. Nhà nước cũng quy định một vài tuyến đường nào thôi, chứ không phải tuyến nào cũng cho thuê. Còn căn bệnh lấn chiếm vỉa hè thì chỉ có thể chữa thông qua giáo dục thôi!
Bạn đọc Trần Chí Cường
Thăm dò ý kiến
Thay vì cấm, nên cho phép sử dụng một phần vỉa hè thông qua một hệ thống quy định được nghiên cứu thận trọng. Thay vì giải tỏa các trường hợp "đánh cắp" vỉa hè, lòng lề đường, Nhà nước cần quy hoạch lại và đấu giá, cho thuê tạo nguồn thu để nâng cấp cho vỉa hè. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận