
Đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh có đoạn bị lấn chiếm từ vỉa hè ra tới lòng đường (ảnh chụp tối 23-2) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tối 23-2, Tuổi Trẻ trở lại hai tuyến đường Vạn Kiếp và Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh ghi nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại đây.
Thực trạng nhức nhối
Tại đường Nguyễn Gia Trí, vỉa hè hầu như biến mất dưới các hàng bàn ghế, xe máy xếp chồng chéo. Người đi bộ phải chen chúc giữa dòng xe cộ trên đường.
Anh Minh Trí, nhà ở đường này, kể: "Có lần tôi yêu cầu chủ cửa hàng dọn ghế khỏi vỉa hè hoặc xếp gọn lại, để dành khoảng 1 - 1,5m cho người đi bộ chứ đường này đông đúc xe mà đi bộ dưới lòng đường rất nguy hiểm.
Ngay lập tức họ chửi tôi xối xả và nói tôi không có quyền can thiệp, vỉa hè trước nhà là đất của họ, họ có quyền quyết định".
Chị Ngọc Ánh (28 tuổi, quận 3) thường xuyên đi bộ ở khu vực bờ kè đường Trường Sa, Hoàng Sa để đi chợ, cửa hàng bách hóa gần nhà.
Mấy năm nay đã không còn vỉa hè để có thể đi, bàn ghế của các quán cà phê, quán bán đồ ăn sáng như hủ tiếu, bánh cuốn, bánh mì... đã "xài" gần như hầu hết các vỉa hè.
"Tôi đi được vài bước trên vỉa hè thì lại phải né các hàng quán ra. Chỗ người ta buôn bán mình đi xuyên qua cũng bị ngó, có khi bị trách móc, đi xuống lòng đường thì gây cản trở các phương tiện tham gia giao thông khác, có khi xảy ra va quẹt", chị Ánh thở dài kể.
Còn ở đường Vạn Kiếp, vỉa hè "có cũng như không" vì tất cả không gian này đều bị các hộ kinh doanh đặt bàn ghế, tủ đồ, dựng xe chiếm dụng. Tình trạng xe cộ ùn ứ do mâu thuẫn giao thông với người dừng mua hàng diễn ra như cơm bữa.
Hình ảnh lấn chiếm cũng phổ biến ở các tuyến đường như Nguyễn Trãi (quận 5), Nguyễn Du, Cống Quỳnh (quận 1), Phạm Văn Đồng, Hiệp Bình (TP Thủ Đức), Nguyễn Chí Thanh (quận 11).

Vỉa hè đường Phan Xích Long giao Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh bị quán ăn lấn chiếm - Ảnh: TRÚC QUYÊN
Thu phí dùng tạm vỉa hè: vẫn gặp khó
Để giữ gìn trật tự đô thị, đảm bảo vỉa hè có khoảng trống dành cho người đi bộ, thời gian qua UBND TP.HCM đã triển khai Đề án quản lý, sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí (được HĐND TP.HCM phê duyệt), nhưng mô hình này chưa được phổ biến rộng rãi.
Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết đề án này còn góp phần tăng mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và nâng cao trách nhiệm của người dân, đảm bảo trật tự giao thông an toàn.
Tính đến hết tháng 11-2024, phí thu từ hoạt động của đề án được hơn 6,5 tỉ đồng. Trong đó số phí Sở Giao thông công chánh thu khoảng trên 1,5 tỉ đồng, số phí thu được của các quận, huyện (gồm quận 1, quận 3, quận 4, quận 10, quận 12) khoảng gần 5 tỉ đồng, các địa phương còn lại chưa triển khai. Khu vực đang làm đề án là 300 tuyến vị trí/tuyến đường, diện tích sử dụng khoảng 30.600m2.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Giao thông công chánh đã phát hành 60 văn bản hướng dẫn, đôn đốc, góp ý gửi các đơn vị triển khai đề án.
Đồng thời sở đã giao các đơn vị thuộc sở theo dõi, giám sát và phối hợp Ban An toàn giao thông thành phố kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai của các địa phương sau một năm.
Theo báo cáo mới đây, ghi nhận một số địa phương đã triển khai tích cực như quận 1, quận 3, quận 10, quận 12. Các địa phương còn lại vẫn còn chậm trễ trong triển khai, chờ vào kết quả thực hiện của các quận làm trước...
Tuy vậy, bước đầu cũng đạt được một số kết quả nhất định. Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè được quản lý chặt chẽ hơn, giảm tình trạng lấn chiếm, hoạt động để xe, kinh doanh, mua bán...
Đề án này cũng tạo được sự đồng thuận từ người dân, tâm lý ổn định khi dùng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè đúng theo quy định. Trong thời gian đầu thực hiện, các đơn vị đang phối hợp, xác định các vướng mắc trong việc quản lý để đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên hiện vẫn còn một số khó khăn tồn tại. Không ít người dân vẫn duy trì tâm lý, thói quen xem vỉa hè, lòng đường trước nhà thuộc quyền quản lý, định đoạt của mình. Một số đơn vị quản lý còn chậm trễ và lúng túng trong triển khai quản lý lòng đường, vỉa hè.
Hiện trạng chiều rộng lòng đường, vỉa hè còn nhiều bất cập, tồn tại các công trình, việc bảo trì chưa được quan tâm xử lý kịp thời, nguồn kinh phí cho bảo trì còn hạn chế...
Vỉa hè TP.HCM: ai được sử dụng tạm thời, ai phải trả lại?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông công chánh TP.HCM), khẳng định vỉa hè, lòng đường trước hết phải ưu tiên cho người đi bộ.
Phần còn lại nếu đáp ứng điều kiện phù hợp mới được xem xét cho sử dụng tạm thời với mục đích trông giữ xe, buôn bán có thu phí theo nghị quyết số 15 về mức phí sử dụng tạm lòng đường vỉa hè.
Tuy nhiên không phải tuyến đường nào cũng có thể áp dụng. Những trường hợp không đủ điều kiện sẽ phải kiên quyết lấy lại vỉa hè, không để lấn chiếm.

Xe máy, hàng quán lấn chiếm hết vỉa hè đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh khiến người đi bộ bị đẩy xuống đường - Ảnh: CHÂU TUẤN
Liên quan đến vấn đề có hay không tình trạng "bảo kê vỉa hè", ông Hải cho biết đến nay Sở Giao thông công chánh TP.HCM chưa tiếp nhận phản ánh, nhưng không loại trừ khả năng xảy ra. Ông nhấn mạnh nếu địa phương không xử lý triệt để việc lấn chiếm, vô tình sẽ tạo ra môi trường thiếu minh bạch.
Theo ông Hải, nếu có nhu cầu dùng tạm thời vỉa hè, người dân phải đăng ký với chính quyền địa phương để được xem xét. Các tuyến đường nếu có thể cho người dân dùng tạm thời sẽ được công khai minh bạch trên trang thông tin của Sở Giao thông công chánh TP.HCM, kèm theo quy định cụ thể về mục đích sử dụng.
Người chủ nhà hoặc người thuê căn nhà mặt tiền đó không thể tự ý thỏa thuận, cho người khác thuê vỉa hè phía trước hoặc tự ý thỏa thuận với địa phương. Tiền thu phí từ hoạt động này sẽ nộp ngân sách toàn bộ.
Hiện nay phần lớn lòng đường thuộc quyền quản lý của Sở Giao thông công chánh, trong khi vỉa hè do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Nếu muốn kiểm tra, xử lý vi phạm, các đơn vị của sở cần phối hợp với đoàn liên ngành và công an địa phương.
Với hướng quản lý chặt chẽ của nghị quyết 15, TP.HCM kỳ vọng sẽ lập lại trật tự vỉa hè, đảm bảo công bằng giữa người có nhu cầu sử dụng hợp pháp và người đi bộ, đồng thời chấm dứt tình trạng lấn chiếm tràn lan.
Nhiều quận huyện cải tạo vỉa hè
Cuối năm 2024, gần 80 vỉa hè, tuyến hẻm ở quận 1 bị sụt lún, vỡ gạch, bong tróc đang được chỉnh trang, lát đá granite với tổng mức đầu tư khoảng 220 tỉ đồng.
Tại quận Bình Thạnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh (chủ đầu tư) cho biết đã hoàn thành nâng nền và lát gạch vỉa hè đường Điện Biên Phủ.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 31 tỉ đồng, chiều dài tuyến 5.048m (điểm đầu là cầu Điện Biên Phủ, còn điểm cuối ở cầu Sài Gòn).
Hiện nay quận Phú Nhuận cũng đang thực hiện duy tu, cải tạo nhiều tuyến đường trọng điểm của quận. Quận 11 đang cải tạo, nâng cấp các tuyến đường Hàn Hải Nguyên, Trần Quý, Hòa Hảo, Lê Đại Hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận