04/10/2015 12:00 GMT+7

Vị viện trưởng can trường

LÊ ĐỨC DỤC - HỒ TẤN VŨ
LÊ ĐỨC DỤC - HỒ TẤN VŨ

TT - Từ ga Huế xuôi ra đường Lê Lợi, ngay đầu đường, ở địa chỉ số 3 Lê Lợi, hàng ngàn người đi qua đây mỗi ngày, nhìn tòa nhà với kiến trúc rất đẹp treo cao tấm biển “Đại học Huế” nhưng ít ai biết đây từng là trụ sở của Viện dân biểu Trung kỳ.

Trụ sở Viện dân biểu Trung kỳ xưa, nay là trụ sở Đại học Huế ở số 3 Lê Lợi, thành phố Huế Ảnh: Đ.H.H.
Trụ sở Viện dân biểu Trung kỳ xưa, nay là trụ sở Đại học Huế ở số 3 Lê Lợi, thành phố Huế - Ảnh: Đ.H.H.

Đó là nơi gắn với cuộc đời cụ Huỳnh chỉ hơn hai năm, nhưng những câu chuyện về ông nghị Huỳnh từ tòa dân biểu này mãi mãi là một nhắc nhớ với hậu thế.

Tòa nhà được xây năm 1927, làm trụ sở Viện dân biểu Trung kỳ rồi sau này (1957) là trụ sở Viện đại học Huế, sau 1975 trở thành văn phòng hiệu bộ của Trường ĐH Tổng hợp Huế rồi trụ sở Đại học Huế như hôm nay.

“Đừng để thành cái bánh vẽ”

Việt Nam bị thực dân Pháp chia làm ba miền với ba chế độ cai trị khác nhau. Nếu Nam kỳ là xứ thuộc địa thì Trung kỳ và Bắc kỳ được coi là xứ bảo hộ với hai hình thức: Bắc kỳ được người Pháp bảo hộ trực tiếp, còn Trung kỳ lại bảo hộ gián tiếp bởi ở Trung kỳ còn có tòa khâm sứ đại diện cho sự có mặt của chính phủ bảo hộ bên cạnh chính phủ Nam triều.

Khi người Pháp lập Viện dân biểu Trung kỳ, dù biết viện dân biểu chỉ là một hình thức mị dân, một thứ “dân chủ trang trí” nhưng cụ Huỳnh vẫn ra ứng cử với hi vọng đây sẽ là diễn đàn công khai để có thể bảo vệ lợi ích người dân.

Kỳ bầu cử tháng 7-1926 đó, cụ Huỳnh đắc cử ở ba hạt Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình với số phiếu rất cao: 620/640 phiếu (có tài liệu ghi là 640/700 phiếu).

Thật ra việc một chính trị phạm mang tội chống chính quyền thực dân Pháp với 13 năm tù Côn Đảo nay trúng cử với số phiếu cao như cụ Huỳnh, trong khi các ứng viên do chính phủ bảo hộ giới thiệu bị thất cử, có thể làm dấy lên chút hi vọng nhỏ nhoi nào đó.

Diễn văn đầu tiên cụ Huỳnh đọc ở Tam Kỳ đã bày tỏ chút hi vọng này: "...Bốn chữ "nhân dân đại biểu" xuất hiện, chưa nói nội dung thế nào, chưa nói hiệu quả thế nào, mà chỉ trông thấy bốn chữ danh nghĩa đường đường quang minh chính đại thì đã sinh lòng tin cậy”.

Cũng trong bài diễn văn này, cụ Huỳnh đã không quên cảnh giác: “Họa may cái chính thể này nêu một bài thuốc hay, bắt đầu chữa bệnh cho nòi giống mình, đừng để thành ra bánh vẽ ...”.

Cụ Huỳnh tiếp tục đắc cử chức viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ. Người Pháp cũng hi vọng với chức sắc này cụ Huỳnh sẽ trở thành một “nghị gật” phục vụ cho lợi ích của chính quyền bảo hộ, nhưng họ đã nhầm.

Hun đúc sẵn khí chất xứ Quảng, lại được tôi luyện qua 13 năm lao tù Côn Đảo, những điều cụ Huỳnh để lại luôn là bài học về nhân cách và phẩm giá của “người đại biểu của dân”.

Vụ “D’Elloy - Huỳnh Thúc Kháng” đã trở thành một dấu son trong cuộc đời hoạt động nghị trường của cụ Huỳnh! Chỉ mấy tháng sau khi Viện dân biểu thành lập, khâm sứ Trung kỳ Pasquier được điều ra Hà Nội làm toàn quyền Đông Dương, thay thế Pasquier làm khâm sứ Trung kỳ là D'Elloy.

Khâm sứ D'Elloy vốn là người bảo thủ, không muốn các nghị viên đấu tranh đòi hỏi nhiều yêu sách có lợi cho dân bản xứ, vì thế trong một thông tư đề tháng 11-1926, khâm sứ D'Elloy đã viết "nhiều lời mạt sát chửi mắng" khiến các nghị viên của Viện dân biểu Trung kỳ tức giận.

Trong cuốn Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, cụ Huỳnh kể lại rằng khi đó, lấy tư cách viện trưởng, cụ triệu tập hơn bốn chục dân biểu, đồng thanh phản kháng, vạch từng đoạn trong thông tư, biện bác, cho đăng trên báo Nam Bắc Tân Văn và nhiều tờ báo khác. Dư luận khắp cả nước xôn xao, ủng hộ cụ Huỳnh và các nghị viên.

Không bao lâu sau, D'Elloy bị điều trở về Pháp. Toàn quyền Pasquier phải gửi thông tư tìm cách xoa dịu sự bất bình của các đại biểu của Viện dân biểu Trung kỳ và điều Friès làm khâm sứ Trung kỳ thay cho D'Elloy.

Sau vụ khâm sứ D'Elloy, chỉ hơn một năm sau, tháng 10-1928 cụ Huỳnh lại gây chấn động nghị trường và báo giới bằng một bài diễn văn nảy lửa vạch rõ cái bánh vẽ nghị trường, đồng thời ngay sau đó cụ khẳng khái từ luôn chức viện trưởng!

Trụ sở báo Tiếng Dân, một di tích khác ở Huế gắn với cụ Huỳnh Thúc KhángẢnh tư liệu
Trụ sở báo Tiếng Dân, một di tích khác ở Huế gắn với cụ Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh tư liệu

“Nhân dân đại biểu mà thật ra là một quan trường mới”

Phiên họp cuối của nhiệm kỳ dân biểu 1926-1928, thay vì như thông lệ khâm sứ Jabouille sẽ đọc diễn văn khai mạc như là sự chỉ đạo cho các nghị viên bàn bạc thì lần này, ngày 1-10-1928, viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng đọc diễn văn trước để rồi sau đó khâm sứ Jabouille lên phủ định tất cả tinh thần diễn văn của ông viện trưởng Huỳnh.

Trên báo Tiếng Dân số 119 ra ngày 6-10-1928 đã đăng lại bài diễn văn này của cụ Huỳnh với tất cả tinh thần chiến đấu của một nghị viên vì dân, vừa chỉ rõ tính chất mị dân của người Pháp vừa đau đáu trước nhân dân vì đã không thể làm tròn vai trò đại diện:

“Thế mà đã hai năm nay hình như nhà nước không lấy lời yêu cầu của chúng tôi làm điều để chung cho nhân dân trong xứ hiểu rằng một cái cơ quan mới của nhà nước (tức Viện dân biểu) khác với chính phủ chuyên chế ngày xưa, bởi thế nhân dân đã ngả lòng tin cậy nơi chúng tôi mà nhân dân chúng tôi không dám tin đến cái chính thể của nhà nước.

Chính chúng tôi đã từng nghe những câu trong dân gian phê bình viện chúng tôi: “Tên là nhân dân đại biểu mà thật ra là một quan trường mới” (dòng này in đậm trong nguyên văn). Chúng tôi ở vào địa vị dở dang bỡ ngỡ này, đối với chính phủ cũng không làm gì được và đối với nhân dân cũng không thể cầm hai chữ đại biểu suông mà đáp lại cái lòng mong mỏi của họ, đêm nằm tự nghĩ cứ thẹn lại buồn” (Tiếng Dân ngày 6-10-1928).

Ngay lập tức khâm sứ Jabouille đăng đàn công kích viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng: "Bản chức quyết phản kháng lại một cách kịch liệt những điều công kích của ông nghị trưởng" và cho rằng ông nghị trưởng (tức cụ Huỳnh) thuộc “đám người không toại chí”, “nóng nảy”... khiến cho Viện dân biểu cũng bị nhiễm cái ảnh hưởng ấy”.

Sau bài diễn văn được đọc trước Viện dân biểu Trung kỳ này vào ngày 1-10-1928 và phản ứng với thái độ của khâm sứ Jabouille, ngay ngày hôm sau, 2-10-1928, cụ Huỳnh đưa đơn từ chức nghị viên và viện trưởng dân biểu.

Nếu có một điều gì đó về cụ Huỳnh, chí ít, từ nghị trường này cụ đã vạch mặt tính chất “bánh vẽ”, “trang trí” của cái gọi là dân chủ mà người Pháp trưng ra ở Trung kỳ. Và thêm một điều nữa, từ danh nghĩa Viện dân biểu, cụ Huỳnh đã gầy dựng nên được tờ báo Tiếng Dân.

Dù chỉ có ba năm cụ Huỳnh ở Viện dân biểu nhưng tờ Tiếng Dân của cụ đã có một đời sống dài hơn thế, kéo dài đến năm 1943.

Suốt 16 năm tồn tại, vai trò nhóm lửa “dân chủ” của cụ Huỳnh từ nghị trường đến trang báo là một thành công mà không mấy ai trong những người cùng thời với cụ Huỳnh trong bối cảnh ấy có thể làm được như cụ!

Chính sức thuyết phục diệu kỳ như vậy từ cuộc đời cụ đã tạo ra “hấp lực” khiến hiện nay có rất nhiều người đang say mê nghiên cứu về cụ.

Những sử gia, những giáo sư, tiến sĩ của viện này trường nọ nghiên cứu thì đã đành, nhưng thật bất ngờ có một nhà “Huỳnh Thúc Kháng học” miệt mài suốt cả cuộc đời mình chỉ làm hai việc: đó là mổ heo như kế sinh nhai và tập trung nghiên cứu về cụ Huỳnh Thúc Kháng!

__________

Kỳ tới: Tuyển tập của người mổ heo

LÊ ĐỨC DỤC - HỒ TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên