Chiều 6-9, HĐND TP.HCM có buổi giám sát với UBND TP về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên các khu phố, ấp trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đánh giá cao những kết quả sau khi thực hiện thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên các khu phố, ấp trên địa bàn.
Việc thực hiện sắp xếp lại khu phố, ấp không còn “chân rết” tổ dân phố đã giúp chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân nhanh hơn, gần với dân hơn.
Nhiều đại biểu HĐND trăn trở việc thiếu hụt trụ sở gây khó khăn trong hoạt động khu phố, ông Hoan cho rằng với đặc thù đô thị của TP.HCM cần có sự cân nhắc kỹ càng trong việc bố trí.
Chỉ thị của Thành ủy từng nêu khi sắp xếp khu phố, ấp trước hết phải tận dụng các thiết chế, cơ sở hiện có, sắp xếp, bố trí lại cho khoa học; có sự phối hợp điều hành giữa các khu phố với nhau dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.
TP cùng ngành tài chính cũng đã có những kiến nghị về việc sắp xếp, tận dụng các mặt bằng hiện có nhưng phải có thời gian. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế chính quyền địa phương ở cơ sở có thể đề xuất việc này vì lợi của nhân dân.
“Chúng ta không bán nhà, bán đất, không giao tài sản cho người khác, mà chúng ta phục vụ cho hoạt động của khu phố tạm thời một thời gian.
Chính vì tư tưởng chờ đợi quyết định sắp xếp ở trên nên rất nhiều cơ sở vật chất không chỉ về những cái phục vụ khu phố, mà kể cả những tổ chức hành chính, sự nghiệp, thiết chế văn hóa, thể thao không làm gì cả. Đề nghị các địa phương có quan tâm, suy nghĩ thêm theo hướng tận dụng làm việc chung”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, nghị định 84 ban hành đã cho phép TP ủy quyền cho chủ tịch UBND các địa phương quyết định sử dụng tài sản công, TP cũng đang chuẩn bị công tác triển khai. Việc triển khai nghị định này sẽ giúp các địa phương có cơ hội sử dụng phục vụ việc bố trí các trụ sở khu phố, ấp.
Về việc sắp xếp khu phố, ấp có ảnh hưởng đến giấy tờ của người dân hay không, lãnh đạo TP nhận định 6 tháng vừa qua việc sắp xếp không tác động quá lớn đến đời sống của người dân.
Bởi việc sắp xếp khu phố, ấp không ảnh hưởng bằng sự thay đổi địa chỉ, tên đường, phường, quận khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Thời gian tới khi sắp xếp đơn vị hành chính, TP chủ trương không thay đổi hết tất cả, có nghĩa các loại giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không có chủ trương đồng loạt thay đổi ngay, mà sẽ thực hiện thay đổi dần khi người dân đến thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra có những thông tin sẽ được thực hiện thay đổi ngay trên hệ thống, còn những giao dịch cụ thể cần làm ngay trước khi ngành công an điều chỉnh trên hệ thống TP vẫn sẽ giải quyết cho người dân không thu phí. Cố gắng hạn chế ảnh hưởng đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo đề án sắp xếp khu phố, ấp của phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM, tổng số quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện sắp xếp là 22 đơn vị. Tổng số phường, xã, thị trấn thực hiện sắp xếp là 299/312.
Tổng số phường, xã, thị trấn không thực hiện sắp xếp khu phố, ấp mới, giữ nguyên hiện trạng, ranh giới (không còn tổ dân phố, tổ nhân dân) là 13 (trong đó có 10 phường, 2 thị trấn, 1 xã).
Tổng số khu phố, ấp sắp xếp, thành lập mới: 4.861. Trong đó tổng số khu phố sắp xếp, thành lập mới: 3.654. Tổng số ấp sắp xếp, thành lập mới: 1.207
Việc sắp xếp đã giúp TP tinh gọn bộ máy từ 25.377 tổ chức còn 4.861 khu phố, ấp (giảm 20.516 tổ chức), tinh giản nhân sự từ khoảng 64.293 người còn khoảng 43.749 người (giảm 20.544 người).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận