26/08/2023 12:01 GMT+7

Vị thế đồng USD suy giảm, đồng tiền nước nào sẽ là 'tân vương'?

Nếu theo dõi truyền thông nước ngoài từ đầu năm tới nay, ta sẽ thấy nhan nhản câu chuyện về "phi USD hóa". Càng về cuối năm, từ khóa này xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là kể từ cuộc họp của khối BRICS tại Nam Phi.

Nguồn: IMF, REFINITIV, REUTERS - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nguồn: IMF, REFINITIV, REUTERS - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Phi USD hóa hiểu ngắn gọn là tình thế đồng bạc xanh của Mỹ đã mất hoặc đang mất vị thế là lựa chọn hàng đầu trong thương mại và tài chính thế giới. Những người tin vào phi USD hóa dự đoán cái chết của đồng USD trên trường quốc tế là không thể tránh khỏi.

Dự trữ ngoại hối thấp nhất 20 năm

Để biết phi USD hóa có thực sự diễn ra hay không, ta cần hiểu bối cảnh đồng USD trở thành thế lực trên toàn cầu. Đó là lúc sau Thế chiến 2, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chiếm gần một nửa GDP của thế giới. 

Tình huống này khiến đồng USD trở thành đồng tiền chính của trao đổi, tích trữ.

Trong báo cáo tháng 4-2023, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ước tính rằng đồng USD tham gia gần 90% giao dịch ngoại hối và chiếm 85% giao dịch trên thị trường giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi. 

Một nửa thương mại toàn cầu và 3/4 thương mại châu Á - Thái Bình Dương được tính bằng USD.

Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đã giảm theo thời gian và các đối thủ cạnh tranh chiến lược ở các thị trường mới nổi đang kêu gọi thay đổi, bao gồm cả khả năng "tách rời" (decoupling) khỏi nền kinh tế Mỹ.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỉ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm từ 61,5% vào năm 2012 xuống còn 58,4% vào quý cuối cùng của năm 2022. Theo Hãng tin Reuters, đây là mức thấp nhất trong 20 năm qua của đồng USD.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân một số ý kiến cho rằng quãng ngày mà đồng USD duy trì vị thế thống trị toàn cầu đã sắp hết.

Theo tạp chí Asia Times, sự bất mãn với vai trò thống trị của đồng USD xuất hiện theo chu kỳ, thường tương ứng với một sự thay đổi lớn trong nền kinh tế toàn cầu hoặc một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Ví dụ khi Nhật Bản nổi lên như một "cường quốc kinh tế" vào cuối những năm 1980, nhiều người nghĩ rằng đồng yen sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

Nhưng điều này không diễn ra. Ngày nay, đồng yen chỉ chiếm khoảng 5% lượng dự trữ ngoại hối. 

Những kỳ vọng lớn hơn cũng đến với đồng euro khi nó ra đời, nhưng ở bên ngoài châu Âu thì vai trò của đồng tiền này vẫn chưa cao.

Điều này cũng đúng với sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc cùng đồng nhân dân tệ trong vài thập niên qua. Tỉ trọng đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu ở mức dưới 3%, chỉ bằng một nửa so với đồng bảng Anh và bằng 2/5 so với đồng yen.

Hóa ra, rất khó để hạ bệ đồng USD. Nói cách khác, ở thời điểm hiện tại, đồng USD vẫn là "vua" dù đã giảm vị thế.

Đi tìm "tân vương"

Đồng USD sẽ thống trị tới khi nào? Câu trả lời rất đơn giản: cho đến khi có đồng tiền khác nổi lên và đủ sức mạnh.

Bên cạnh lời kêu gọi phi USD hóa từ các đối thủ địa chính trị như Nga và Trung Quốc, một số quốc gia có mối quan hệ tốt với Mỹ cũng đang muốn đa dạng hóa thanh toán. Thậm chí đã có ý tưởng về việc phục hồi Quỹ Tiền tệ châu Á, vốn được Nhật Bản đề xuất lần đầu cách đây 1/4 thế kỷ.

Trong năm nay, Bolivia trở thành quốc gia Mỹ Latin thứ ba sau Argentina và Brazil sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại. Thậm chí, Saudi Arabia còn cân nhắc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch dầu mỏ với Trung Quốc.

Nhưng khó có khả năng sẽ sớm có bất kỳ sự thay đổi lớn nào. Nền kinh tế Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn đa dạng, năng động, đổi mới và tương đối linh hoạt.

Tỉ trọng của nước này trong GDP toàn cầu giảm là do tỉ trọng của các thị trường mới nổi tăng lên. 

Tỉ trọng của Mỹ trong tổng GDP của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực tế đã tăng từ 37% trong năm 2000 lên 43% vào năm 2023.

Nếu các quốc gia muốn tránh sử dụng đồng USD vì lo ngại các biện pháp trừng phạt, họ cũng sẽ phải cẩn thận với đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt và bị chỉ trích "ngoại giao bẫy nợ".

Ông Ian Bremmer, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, viết trên trang tin Gzero Media do ông thành lập, rằng bất chấp vai trò ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu và mong muốn lật đổ đồng USD từ lâu, Trung Quốc vẫn thiếu biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, chất lượng thể chế và sự cởi mở của thị trường... vốn cần thiết để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ".

Với ông Bremmer, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự thống trị của đồng USD đến từ bên trong nước Mỹ.

"Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất, nhưng cũng là quốc gia bị chia rẽ về mặt chính trị và hoạt động kém hiệu quả nhất trong số tất cả các nền dân chủ lớn", ông Bremmer nói. "Rủi ro lớn nhất đối với vị thế toàn cầu của đồng USD là sự bất bình đẳng ngày càng tăng, chủ nghĩa bộ lạc (tribalism) và sự phân cực đang làm xói mòn niềm tin vào sự ổn định và uy tín của nước Mỹ".

Tiên đoán của Elon Musk

Đối với tỉ phú Elon Musk, CEO của Hãng xe Tesla và mạng xã hội X (Twitter), chuyện đồng USD mất vị thế là chuyện không thể tránh khỏi, đến từ việc Mỹ sử dụng tiền tệ làm vũ khí.

Thứ mà đồng bạc xanh được dùng làm vũ khí chính là các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt với các quốc gia khác.

Có thể kể đến việc Mỹ và các đồng minh loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine.

Do đó, hồi tháng 4-2023, ông Elon Musk cho rằng đến một lúc nào đó các nước sẽ không còn muốn sử dụng đồng USD để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.

Thượng đỉnh BRICS: Ông Putin nói phải phi USD hóaThượng đỉnh BRICS: Ông Putin nói phải phi USD hóa

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc phi USD hóa là không thể tránh khỏi khi dự đoán khối này sẽ còn mạnh hơn cả G7 về kinh tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên