27/10/2019 21:56 GMT+7

Vị 'sứ giả' đặc biệt của các làng nghề Quảng Nam

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ở số nhà 35 Nguyễn Thái Học nằm trong trung tâm phố cổ Hội An nhiều năm nay có một cửa hiệu đặc biệt trưng bày, trình diễn tinh túy các làng nghề xứ Quảng, chủ của nó là ông Lê Phước Tiến.

Vị sứ giả đặc biệt của các làng nghề Quảng Nam - Ảnh 1.

Gallery tinh hoa làng nghề xứ Quảng nằm ở số 35 Nguyễn Thái Học, Hội An là địa điểm yêu thích của khách du lịch - Ảnh: B.D.

Nếu đơn thuần chỉ làm sản phẩm ra để bán thì làng nghề sẽ khó trụ vững, khách du lịch họ cần biết tới, trực tiếp nhìn thấy, trải nghiệm cách làm ra sản phẩm và đó chính là những bạn hàng cuối cùng để giúp làng nghề sống và giúp nghệ nhân giữ nghề.

Ông Lê Phước Tiến

Trong cửa hiệu này, ông Lê Phước Tiến (48 tuổi) dành riêng một góc để kể cho khách về câu chuyện của các nghệ nhân tài hoa, trên đó kèm chân dung, số điện thoại, địa chỉ của từng người ở các làng nghề xứ Quảng.

Công việc mà ông Tiến đang làm hiện nay đã biến ông thành một "sứ giả" của các làng nghề tại Quảng Nam.

Tìm đường sống cho làng nghề

Ông Tiến hiện là phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam. Ông là nghệ nhân đời thứ 5 của làng nghề mộc, chạm trổ xứ Gò Nổi (huyện Duy Xuyên). 8 tuổi đã lẽo đẽo cầm đục theo cha vào các làng nghề. 22 tuổi tự mình làm chủ một tốp thợ chuyên đi thi công nhà cổ nổi tiếng khắp vùng Hội An, Đà Nẵng.

Khác với nhiều thanh niên khác, những năm 2001 khi thành thợ chính, Tiến quyết định rời những làng nghề ở quê để lên đường tới những tỉnh thành khác ôm một giấc mộng lớn: tìm hiểu thị trường, tầm sư học đạo cách kinh doanh, tạo các mối quan hệ để vực dậy làng nghề.

Thời điểm đó, mộc Kim Bồng, đồng Phước Kiều đang trong giai đoạn thoái trào. Thị trường nóng lạnh và biến đổi nhanh như bão gió mà nghệ nhân vẫn duy trì cách làm cũ, không thay đổi mẫu mã khiến làng quê im bặt dần tiếng đục tiếng gõ, những lò nung nguội lạnh bếp than tro.

Năm 2008, đủ vốn liếng và dằn túi nhiều mối quan hệ, Tiến đón xe về quê cũ. "Tôi đi khắp các làng, thấy du lịch lúc đó bắt đầu phát triển, nếu chỉ đơn thuần làm nghề để bán sản phẩm thôi thì sẽ không trụ được.

Phải giới thiệu để bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống ra thế giới, có vậy nghệ nhân mới sống được với nghề của tổ tiên..." - ông Tiến nói.

Vị sứ giả đặc biệt của các làng nghề Quảng Nam - Ảnh 3.

Nghệ nhân Lê Phước Tiến với góc mỹ nghệ gỗ do chính bàn tay mình chế tác - Ảnh: B.D.

Đưa làng nghề ra thế giới

Du lịch bùng nổ ở Hội An, khách kéo đến nườm nượp từng đoàn, Tiến nghĩ ra cách chế tác các món đồ thủ công, chạm khắc trên tre rồi mở quầy hàng đứng bán cho khách du lịch.

Không ai có thể ngờ từ một quầy hàng nhỏ của ông Tiến ở góc phố năm 2008, chỉ 10 năm sau đó đồ tre mỹ nghệ Hội An đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Khách du lịch đặt mua và tạo ra hẳn một dòng hàng nuôi sống hàng ngàn người dân ở các làng quê.

Đồ tre Hội An giờ đã trở thành món quà được du khách cầm lên máy bay, được các đầu mối lớn trên thế giới đặt hàng.

Ông Tiến kể lại câu chuyện ông đến với tre bắt đầu bằng sự liều lĩnh của một kẻ "khùng": "Năm 2009, lũ trên sông Thu Bồn về rất lớn. Tôi ngồi trên nóc nhà ngắm lũ, thấy tre khủng trôi dạt. Lúc đó nghĩ sao mình không vớt lên, biết đâu chế tác ra món gì đó bán được cho khách? Vậy là tôi bơi ra vớt, nguyên một buổi sáng vơ được một chồng tre.

Đem về rửa sạch, xông khô, ngồi hí hoáy đẽo đục, vẽ lên đó những hình hài. Sau đó kêu anh em mang ra bán ở góc phố khách Tây thường tới tham quan chụp hình. Khách trầm trồ mua khiến tôi không kịp làm. Tôi đem hàng đến chỉ cho các nghệ nhân, người dân đục đẽo, món mỹ nghệ tre "phất" lên từ đó".

Sự điêu tàn của hàng chục làng nghề tại tỉnh Quảng Nam khiến Tổ chức Jica Nhật Bản xắn tay vào thực hiện dự án vực dậy các làng nghề bằng những gói hỗ trợ để lưu giữ, khôi phục và đưa nhiều làng nghề xứ Quảng ra với công chúng thế giới.

Gian nhà cổ ở số 35 Nguyễn Thái Học (Hội An) được tổ chức ra để bày bán các sản phẩm tinh hoa tại các làng nghề xứ Quảng. Việc điều hành được giao cho một nghệ nhân tơ lụa rất nổi tiếng ở Mã Châu. Nhưng việc buôn bán không đơn giản. Người nghệ nhân giỏi tơ lụa nhưng kém chuyện thương trường đã sớm buông tay.

Một buổi sáng năm 2015, câu chuyện của ông Nguyễn Phước Tiến đến tai những người phụ trách điều phối từ Jica. Họ mời ông tới.

Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, những ý tưởng bài bản cũng như sự say mê, tài hoa của ông đã chinh phục toàn bộ ban điều phối. Ông Tiến được chọn để đứng ra điều phối cửa hiệu 35 Nguyễn Thái Học. Ông Tiến nói nghệ nhân xứ ông quá tài hoa, còn khách hàng thì không thiếu.

Nhưng chính vì thiếu kết nối và đường đi bài bản hạn chế đã khiến làng nghề cứ thui chột dần. Ông trực tiếp tìm tới các ngôi làng, tìm tới những thủ lĩnh của các làng nghề để trò chuyện, nghe họ kể về ước mơ giữ nghề bỏng cháy cùng những khó khăn của họ...

Ông thu gom hàng về tất cả, tập kết tại số 35 Nguyễn Thái Học. Góc bày biện gian hàng đất nung, gian bày tơ lụa, gian khác bày bộ ly tách, đồ trang trí buồng phòng bằng tre nứa... Tất cả được ông sắp đặt khéo léo, tổ chức cho nhân viên đứng bán, chọn những sản phẩm tinh hoa nhất, đẹp nhất giới thiệu cho khách.

Điều đặc biệt, mỗi gian hàng ông tổ chức thành một câu chuyện để khách du lịch được "nghe" về nơi làm ra sản phẩm đó, được tận mắt đặt chân tới và trải nghiệm. Ông Tiến còn chọn những nghệ nhân tài hoa nhất, tạc tượng, ghi tên họ trên gian hàng để tôn vinh, giới thiệu cho du khách.

Ông cũng đứng ra tự tổ chức tour du lịch để đưa khách về tận các làng nghề. "Nếu đơn thuần chỉ làm sản phẩm ra để bán thì làng nghề sẽ khó trụ vững, khách du lịch họ cần biết tới, trực tiếp nhìn thấy, trải nghiệm cách làm ra sản phẩm và đó chính là những bạn hàng cuối cùng để giúp làng nghề sống và giúp nghệ nhân giữ nghề" - ông nói.

Vị sứ giả đặc biệt của các làng nghề Quảng Nam - Ảnh 4.

"Bảng vàng” tôn vinh tên tuổi các nghệ nhân lừng danh xứ Quảng - Ảnh: B.D.

Người làm sống lại các làng nghề

Hai năm trở lại đây, từ cầu nối trung gian là gian hàng do ông Lê Phước Tiến điều phối, những làng nghề truyền thống tưởng chừng như chết tức tưởi, bị bỏ quên trong tốc độ sản xuất hàng hóa công nghiệp đã được sống lại như làng nghề đan thuyền thúng ở các làng chài, nghề dệt chiếu thủ công, mộc mỹ nghệ Kim Bồng...

Ông Tiến còn trực tiếp cầm các sản phẩm tinh hoa nhất từ bàn tay nghệ nhân đi ra các nước để giới thiệu, tìm đầu mối và giúp các làng nghề có được các hợp đồng lớn.

Triển lãm mỹ thuật Triển lãm mỹ thuật 'Di sản văn hóa' tại Quảng Nam

Ngày 7/9, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Di sản văn hóa".

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên