Cùng lúc đó tại gallery Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM vừa diễn ra cuộc triển lãm mang tên Kịch Noh và thiết kế đồ họa (mở cửa đến ngày 30-11) của họa sĩ Norio Fujishiro.
Phóng to |
Một bạn trẻ VN xem bức tranh Sau cơn dông tại triển lãm Cảnh vật trong hoài niệm - Ảnh: H.O. |
1 Là một họa sĩ nổi tiếng, hội viên Câu lạc bộ giám đốc nghệ thuật New York, hội viên thẩm định văn hóa quốc gia, thành viên ban giám khảo Lễ hội nghệ thuật quảng cáo quốc tế Montreux, Thụy Sĩ, Norio Fujishiro đã dành phần lớn cuộc đời mình để đi khắp thế giới và tổ chức hàng trăm cuộc triển lãm về kịch Noh với một niềm tự hào bất tận. Được xếp vào hàng quốc hồn quốc túy của Nhật Bản, đặc trưng của loại hình nhạc kịch cổ xưa này là các diễn viên mang những mặt nạ sơn dầu bằng gỗ để che giấu cảm xúc thật của mình, kích thích trí tưởng tượng của khán giả. Chính sự giản dị, sâu lắng mà u huyền này đã làm nên một vẻ đẹp ước lệ không cần lời nói và đòi hỏi người xem phải đạt đến trình độ “nhìn thấy... một âm thanh”.
Tuy nhiên để gìn giữ được điều này không hề dễ dàng nên ngay từ năm 1974, Chính phủ Nhật với sự lo xa đầy chăm chút đã thông qua Luật chấn hưng các ngành nghề truyền thống, trong đó có kịch Noh. Những chiếc mặt nạ được cấp giấy chứng nhận, những nghệ nhân trở thành quốc bảo, những trích đoạn được đưa vào trường học, những poster buổi diễn được dán ở khắp các ga tàu... Norio cho biết mình cũng như bao nhiêu người Nhật khác rất lo sợ những điều xưa cũ này rồi sẽ biến mất trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, nên ông và họ luôn trong tâm thế hoài niệm đầy trân trọng, ngay cả khi kịch Noh (và những di sản văn hóa khác của Nhật) vẫn chưa thật sự đến lúc trở thành một hoài niệm.
2 Và khi hoài niệm đã trở thành một đặc tính văn hóa của người Nhật thì cuộc triển lãm tranh lụa Cảnh vật trong hoài niệm của nữ họa sĩ Toba Mika không phải là mới. Nhưng có điều lạ là những cảnh vật này không phải ở nước Nhật mà lại tại VN, và những hoài niệm này không phải của người VN mà là của người Nhật.
Đến VN lần đầu tiên vào năm 1994 trong một buổi chiều mưa dông và bắt gặp những mái nhà liêu xiêu như đang tựa vào nhau trên sông Sài Gòn, Toba Mika đã nhận ra một ngày nào đó quang cảnh gian khó này sẽ không còn, sớm hay muộn thì đất nước này sẽ có những thay đổi và ai đó hay điều gì đó sẽ phải là một nhân chứng thời gian. Vậy nên Toba Mika quyết định vẽ VN và đó cũng là đề tài duy nhất của bà trong suốt 20 năm qua. Bà vẽ một VN trong thực tiễn đổi mới nhưng lại dùng một kỹ thuật nhuộm tranh lụa cổ xưa nhất của Nhật là katazome có từ 1.000 năm trước với 10 công đoạn phức tạp. Và VN đã hiện lên trong tranh của Toba Mika với tất cả những nét đẹp rực rỡ và u buồn, yên tĩnh và chuyển động, tràn đầy năng lượng nhưng cũng mang nhiều mâu thuẫn với những cuộc đổi thay.
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện mà trong đó Toba Mika luôn nhận mình là một người khách bộ hành với giấc mơ phương Đông, cố gắng lưu lại hay tìm lại những hoài niệm cũ giữa dòng chảy thời gian đang sinh ra những cuộc sống mới.
Người Nhật vốn nặng lòng với quá khứ. Họ nhiều hoài niệm và luôn sợ ai đó sẽ vô tình đánh rơi quá khứ trên con đường kiến tạo tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận