03/04/2023 10:01 GMT+7

Vì sao xuất khẩu tôm cứ loay hoay ở 3 - 4 tỉ USD?

Nhiều năm qua, giá trị xuất khẩu tôm cứ "loay hoay" ở mức 3 - 4 tỉ USD, trong khi mục tiêu hướng đến 10 tỉ USD vào 2025. Có nhiều ách tắc lâu nay ít được nói ra cả trong ngành tôm cũng như ngành thủy sản.

Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Ông NGUYỄN HOÀNG ANH

Ông NGUYỄN HOÀNG ANH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN HOÀNG ANH - chủ tịch Công ty đầu tư thủy sản Nam Miền Trung - chia sẻ:

- 10 năm trước, xuất khẩu tôm của Thái Lan giống như Việt Nam bây giờ, lúc đó sản lượng của họ 700.000 - 800.000 tấn/năm nhưng nay chỉ còn 100.000 tấn/năm. 

Còn Việt Nam, chúng ta xuất khẩu 4 tỉ USD nhưng phải nói một cách "đau lòng" là khoảng 50% nhập nguyên liệu về rồi sản xuất.

Lúa gạo xuất khẩu khoảng 3 tỉ USD/năm, nhưng được đầu tư kênh mương thủy lợi, quy hoạch bài bản. Trong khi đó, ngành tôm cũng xuất khẩu 3 - 4 tỉ USD nhưng chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cách xứng tầm.
Ông NGUYỄN HOÀNG ANH

Tăng trưởng chậm vì chưa đầu tư bài bản

* Vài năm trước, tại một hội nghị về thủy sản ở miền Tây, người đứng đầu Chính phủ đã đặt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỉ USD, nhưng từ đó đến nay đã có gì thay đổi?

- Mục tiêu 10 tỉ USD tôi chính là tác giả, xuất phát từ việc tôi là chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận. Tôi thấy rằng dư địa của ngành tôm quá lớn với Việt Nam bởi ta có bờ biển dài, có diện tích xâm nhập mặn lớn, có nguồn lực lao động dồi dào. 

Trong khi đó, ngành tôm thế giới tăng trưởng cơ học hằng năm từ 7 - 10% và tiêu thụ ổn định... Nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất của ngành tôm một cách bài bản và đồng bộ, tận dụng diện tích xâm nhập mặn từ biến đổi khí hậu để mở rộng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đáp ứng cho việc sản xuất tôm công nghệ cao thì chinh phục con số 10 tỉ USD sẽ dễ dàng.

* Ông có thấy những con số về giá trị xuất khẩu tôm Việt nhiều năm qua có bất thường?

- Trong 26 năm gắn bó với ngành tôm, tôi trăn trở về câu chuyện sản xuất và xuất khẩu tôm ở Việt Nam. Anh nào làm ra sản phẩm cũng nói sản phẩm của mình tốt, vậy tại sao ngành này vẫn rối ren, 10 năm rồi ngành tôm cứ hoay hoay trong con số xuất khẩu 3 - 4 tỉ USD.

Nếu tính trượt giá trong 10 năm thì những người làm trong ngành tôm không hiệu quả và đang ôm nợ, sống bằng tiền ngân hàng chứ không phải tiền từ giá trị làm ra hay giá trị gia tăng.

* Theo ông, vì sao ngành tôm phát triển chậm trong khi đây là một trong hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt?

- Nói thẳng là chúng ta chưa đầu tư cho ngành này một cách bài bản. Cần đầu tư cái gì? Thứ nhất, đầu tư có trọng điểm. Thứ hai, đầu tư quy hoạch. Thứ ba là hạ tầng và cuối cùng là phải đầu tư cơ chế. Còn về khoa học công nghệ, chủ thể tham gia vào đó họ tự tìm, có thể mua trong 24 giờ.

Khu nuôi tôm của Công ty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung ở tỉnh Bình Thuận - Ảnh: N.M.T.

Khu nuôi tôm của Công ty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung ở tỉnh Bình Thuận - Ảnh: N.M.T.

Bốn điểm mấu chốt cần thay đổi

* Rõ hơn trong bốn điểm mấu chốt cần đầu tư ở đây là gì?

- Là giống làm ở đâu. Ví dụ, ở miền Trung có lợi thế về nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng, sản xuất giống ở miền Trung 7 con thì sống cả 7, còn miền Nam sống chỉ 3 - 5 con sẽ làm đội chi phí lên. 

Do đó, cần phải xác định trọng điểm nơi nào làm giống thì quy hoạch, đầu tư trọng điểm cho nuôi giống. Miền Nam thuận lợi để tập trung nuôi thương phẩm thì cần tập trung khâu này và đầu tư hạ tầng thủy lợi để tập trung cho cho nuôi thương phẩm.

Về quy hoạch, chúng ta mong muốn hạn ngạch, giá trị như thế nào thì cần phải quy hoạch với diện tích phù hợp.

Về đầu tư hạ tầng, nhìn vào ngành lúa mà xem, ví dụ chúng ta có 1 triệu ha, xuất khẩu khoảng 3 tỉ USD, nhưng được đầu tư kênh mương thủy lợi, quy hoạch bài bản. Trong khi đó, ngành tôm cũng xuất khẩu 3 - 4 tỉ USD nhưng chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cách xứng tầm.

Cuối cùng, vẫn chưa có một cơ chế chính sách một cách đặc thù, ví dụ sao chưa có một gói tín dụng dành riêng cho ngành tôm? Nếu tiếp cận gói lãi suất thấp, các doanh nghiệp làm ăn bài bản sẽ vay, giúp họ phát triển nhanh hơn nữa, dẫn dắt ngành.

Ấn Độ và Ecuador đầu tư bài bản, tái cấu trúc toàn diện từ thời vụ đến mật độ thả nuôi, quy trình kỹ thuật và công nghệ đồng bộ nên giá thành giảm trong khi giá trị nâng lên, lợi nhuận cao. 

Nếu Việt Nam áp dụng đồng bộ bốn giải pháp trên, tôi nghĩ ngành tôm mới thay đổi được. Còn không làm được thì mãi loay hoay mà thôi và cứ giấu giấu giếm giếm, báo cáo hợp thức hóa thì sẽ không gỡ tận gốc được.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Đ.HÀ

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Đ.HÀ

Phải thật về chất lượng

* Một trong những vấn đề cũng ảnh hưởng đến ngành tôm đó là chất lượng có sự chênh lệch giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, người dân lo về chất lượng có đúng không?

- Rất đúng. Tôi lấy ví dụ từ con giống, việc thiết lập tiêu chí trong sản xuất tôm giống để kiểm soát chất lượng hầu như bị bỏ ngỏ. Trong đó việc kiểm soát bằng PCR là cần thiết để tầm soát dịch bệnh. Nhưng nói thật, trong điều kiện hiện nay bao nhiêu doanh nghiệp làm được quy trình, tiêu chí như thế? Rồi từ con giống mình mới suy ra thuốc men, vi sinh, thức ăn, chế phẩm... cũng bát nháo như con giống vậy.

Ví dụ như thức ăn, ông nhập nguyên liệu cá về tốt thì sẽ tạo ra được đợt thức ăn tốt. Nhưng có nơi nhập nguyên liệu cá về không tốt thì bỏ cái đạm công nghiệp vô là chết rồi.

Do tiêu chuẩn thấp, sản xuất ra sản lượng không ổn định, sản xuất 10 mà không đạt toàn bộ, chỉ có 5 - 7 đạt tiêu chuẩn thôi. Nên sản lượng không ổn định, giá cao hơn nhiều đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Ecuador tới khoảng 23.000 đồng/kg.

* Nhân ông nói về câu chuyện thức ăn cho ngành tôm, dường như ngành này đang rơi vào tay nước ngoài?

- Thức ăn nuôi tôm hiện 97 - 98% là các công ty nước ngoài cung cấp. Doanh nghiệp Việt Nam rất muốn sản xuất nhưng dường như khó tiếp cận cơ chế khuyến khích, cụ thể là nguồn vốn đi vay với lãi suất theo thị trường. Giá thành phải tăng cao theo lãi suất của vốn vay, dẫn đến không có cơ hội cạnh tranh, chết ngay từ ý tưởng.

Việt Nam cũng cần phải xác lập hàng rào kỹ thuật đối với tôm nguyên liệu nhập khẩu để tạo điều kiện nâng tỉ trọng, sản lượng và quy mô sản xuất của ngành tôm Việt Nam.

"Tôi thấy rất tủi thân"

* Người Việt sẵn sàng chi 30 USD cho 1kg cá hồi Na Uy trong khi giá xuất khẩu của họ chỉ 10 USD, đây là bài học để nâng giá trị cho con tôm?

- Ngành thủy sản trên thế giới, đặc biệt là Na Uy, một sản phẩm cá hồi thôi mà họ tạo ra sự gắn kết, tạo ra giá trị rất cao, đặc biệt là giá trị xuất khẩu. 

Tôi có điều kiện đi nhiều nước trên thế giới để xem tình hình nuôi thủy sản và phát triển kinh tế từ thủy sản của họ thế nào. 

Họ cấu trúc sản phẩm, tạo tiêu chuẩn giá trị sản phẩm, tiêu chí doanh nghiệp tham gia trong ngành rất nghiêm nên sản phẩm họ làm ra, đưa ra thế giới rất tự tin về chất lượng, giá trị.

Trên thế giới họ xác định sản phẩm có trọng điểm để đầu tư, còn Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm và cái nào cũng trọng điểm. Chỉ khi xác định trọng điểm thì mới đầu tư đồng bộ cho sản phẩm đó, từ quy hoạch. 

Ví dụ đặt mục tiêu mỗi năm kiếm được 10 tỉ USD chẳng hạn, thì tính được ngay sản lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn thế nào, rồi phải đầu tư. Còn không thì vẫn cứ mơ đi, tôi đi rất nhiều, tôi thấy rất tủi thân, chúng ta sẽ không làm được, chỉ nhìn và thèm thôi nếu không mạnh dạn thay đổi.

* Ông Asbjørn Warvik Rørtveit (giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy - NSC):

Mấu chốt ở chất lượng và truy xuất nguồn gốc

Na Uy xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản, giá trị khoảng 15 tỉ USD trong năm 2022 - tăng 25% giá trị so với 2021 - là mức kỷ lục về giá trị xuất khẩu.

Tính bền vững, chất lượng, truy xuất nguồn gốc... là các yếu tố làm nên thành công của ngành thủy hải sản Na Uy, đây là những điều mà Việt Nam có thể áp dụng.

Na Uy đã thực hiện các quy định và kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo việc nuôi trồng và thu hoạch hải sản bền vững. Chúng tôi có một hệ thống truy xuất nguồn gốc theo dõi các sản phẩm thủy sản từ điểm đánh bắt đến tiêu thụ, hoặc từ con giống đến nơi tiêu thụ, để tạo niềm tin tưởng cho người tiêu dùng, góp phần tăng giá trị sản phẩm...

Chúng tôi có thể phát triển ngành thủy sản của chúng tôi nhiều hơn nữa, bởi 80% hải sản của chúng tôi được bán tươi và đông lạnh mà không có bất kỳ giá trị gia tăng nào sau khi giết mổ.

N.TRÍ

* Ông Nguyễn Ngọc Tiến (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT):

Cần đầu tư mạnh cho hạ tầng

Nghề nuôi tôm đang phát triển nhanh tại 28 tỉnh ven biển nhưng nhiều địa phương vẫn chưa đầu tư hệ thống kênh rạch dẫn nước cho nuôi trồng thủy sản một cách tương xứng, thậm chí còn tận dụng hệ thống kênh thủy lợi, góp phần khiến tỉ lệ dịch bệnh trên tôm thường ở mức cao, năng suất thấp.

Cần đầu tư hệ thống dẫn và thoát nước dành riêng cho nghề nuôi tôm, trong đó đầu tư dẫn nước vào vùng nuôi và dẫn nước xả thải ra từ vùng nuôi cũng phải tách biệt để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Trong nước chỉ có số ít doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ (loại sản sinh ra tôm giống thẻ chân trắng), thay vào đó Việt Nam gần như phải nhập khẩu 100% nguồn tôm này từ Mỹ, Thái Lan... Điều này có thể ảnh hưởng đến sự chủ động về giống và giá thành sản xuất tôm trong nước.

N.TRÍ

* Ông Hồ Quốc Lực (nguyên chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN - VASEP):

10 tỉ USD xuất khẩu tôm: con số xa vời...

Thu hoạch tôm tại Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thu hoạch tôm tại Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm 2022 việc nuôi tôm gặp khó vì dịch bệnh, tôm thương phẩm ế... Nhiều doanh nghiệp tìm cách mua tôm thương phẩm trữ lúc giá còn mềm, nhập khẩu tôm giá rẻ từ các nước. Bất ngờ vì tôm các nước cung quá nhiều, trong khi lạm phát suy thoái khiến sức mua không như dự kiến.

Đầu năm 2023, tồn kho xuất hiện ở cả nhà phân phối, nhà máy chế biến. Giá tôm thế giới đang mức thấp nhưng tôm thương phẩm chúng ta đang ở giá cao nhất lịch sử vì khan hiếm.

Bây giờ các doanh nghiệp tôm đứng trước bài toán hơn chục năm trước doanh nghiệp cá gặp phải, như hàng tồn kho, nợ ngân hàng và nhất là sức tiêu thụ thấp, giá thị trường đang ở đáy.

Doanh nghiệp tôm đành bán giá thấp theo giá thế giới. Giá tôm Ấn Độ loại 40 con chỉ khoảng 107.000 đồng, cùng lúc ở miền Tây là gần 170.000 đồng. Các doanh nghiệp phải mua cao bán thấp, bán chung hàng tồn kho, lỗ khoảng 2 USD/kg.

Từ thực tế nuôi tôm, Bộ NN&PTNT đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm hướng đến là 5 tỉ USD, nhưng tôi không hiểu sao tại một hội nghị lớn ở miền Tây, lãnh đạo cao cấp đưa ra mục tiêu 10 tỉ USD.

Con số này không đạt tới được, vì không có căn cứ thực tế, cũng như căn cứ khoa học.

Thực tế nhiều người, nhiều doanh nghiệp nuôi tôm ít thành công, thất bát vì hai nguyên do. Thứ nhất con giống và kiểm soát môi trường chưa tốt. Nước càng ngày càng bẩn.

Giải pháp là thủy lợi nuôi tôm phải cải thiện nhưng không có tiền; con giống mới tốt hơn cũng không kinh phí... Khoa học nghiên cứu con giống không đột phá. Đó chưa kể quản lý điều hành theo nhiệm kỳ và kinh phí có hạn.

THẢO THƯƠNG

* Ông Ngô Viết Hoài (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu):

Còn chuyện "tránh né", không dám nói thẳng

Nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt, phát triển chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị là câu chuyện rất lớn của ngành thủy sản VN.

Xuất khẩu thủy sản của VN đã nằm trong Top 3 của thế giới về sản lượng. Nhưng tại sao cái cần là giá trị gia tăng mang lại cho các thành phần tham gia trong chuỗi lại không như mong đợi, lại bấp bênh lúc được lúc không và hàm chứa nhiều rủi ro. Vậy vấn đề là ở đâu?

Chúng ta đã "tránh né" không dám nói thẳng ra là trách nhiệm cụ thể thuộc về thành phần nào của chuỗi. Ví dụ, có hay không việc một số ít người nuôi hay người đánh bắt hải sản sử dụng những hóa chất không được phép để cho ăn hay bảo quản nguyên liệu hoặc phương thức đánh bắt hủy diệt trong đánh bắt hải sản. Khi thu mua nguyên liệu thì các doanh nghiệp có phân biệt được hải sản đánh bắt không hợp pháp hay không, doanh nghiệp có từ chối mua các loại hải sản đánh bắt không hợp pháp không?

Về phía Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương đừng nên tiếp cận vấn đề kiểu như "tạo điều kiện thế này thế khác" vì đây là một phần của cơ chế xin - cho còn sót lại. Cần đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân bằng cách công bố các thông tin quy hoạch, hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp một cách minh bạch, công khai và nhanh chóng.

Các cơ quan nhà nước địa phương hoặc chuyên ngành cần công bố chương trình hành động của họ, xem cần phải làm gì để đồng hành thực sự cùng doanh nghiệp. Theo tôi, trước hết phải có quy hoạch thật tốt, phải nuôi dưỡng doanh nghiệp bằng các chính sách minh bạch, bằng tạo ra môi trường công bằng, lành mạnh.

Đ.HÀ ghi

Xuất khẩu tôm, cá tra, gỗ... giảm mạnh so với cùng kỳ năm trướcXuất khẩu tôm, cá tra, gỗ... giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước

Tháng 2-2023, xuất khẩu nhiều mặt hàng như tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, cà phê, gạo,... giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên