01/07/2020 09:12 GMT+7

Vì sao xử tệ với hành khách cao tuổi?

Bạn đọc NGUYỄN THỊ HỒNG  (Bình Thạnh)
Bạn đọc NGUYỄN THỊ HỒNG (Bình Thạnh)

TTO - LTS: Một hành khách 71 tuổi bước chân xuống xe buýt, cửa xe đóng lại, chiếc xe trờ tới khi cánh tay bà còn kẹt lại trên xe. Người đi đường hoảng hốt yêu cầu tài xế mở cửa cho bà rút tay ra.

Vì sao xử tệ với hành khách cao tuổi? - Ảnh 1.

Cần cư xử nhã nhặn, ưu tiên với người già trên xe buýt (ảnh chụp trên tuyến xe buýt số 4, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Khoảng 8h45 sáng 27-6, tôi đón xe buýt số 14 (bến xe Miền Đông - bến xe Miền Tây) từ quận 1 để về nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. 

Vừa lên xe, lấy tấm thẻ người cao tuổi đưa cho tiếp viên xem, tiếp viên này tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Tôi lúc này thấy rất tự ái, bởi việc cho người cao tuổi đi xe buýt miễn phí là chính sách của Nhà nước và Nhà nước cũng đã có trợ giá cho đơn vị vận tải rồi.

Tới trạm gần chợ Thị Nghè, tôi báo tài xế cho xuống xe để đi chợ. Tôi vừa bước xuống bậc thang xe, một tay vẫn còn vịn vào thành cửa thì tài xế lập tức đóng cửa xe khiến một phần cánh tay phải của tôi bị kẹt lại. 

Chiếc xe vẫn trờ tới mặc kệ cho tôi đang hoảng hốt kêu. Chân tôi đập vào bụi cây ven đường đau ê ẩm. Lúc này, mấy chú xe ôm gần đó chạy tới đỡ tôi và đập liên tục vào cửa kính xe để tài xế dừng lại. 

Tài xế cũng chỉ dừng lại mở cửa cho tôi rút tay ra rồi tiếp tục chạy, "quên" xuống xe hỏi han, xin lỗi. Đến hôm nay (30-6), dù không bị thương tích nặng, tay chân tôi vẫn âm ỉ đau. Nhưng đau và buồn nhất là cảm thấy bị sốc bởi cách hành xử của tài xế, tiếp viên trên chuyến xe hôm nọ.

Tôi năm nay 71 tuổi, sống một mình và đi lại hoàn toàn bằng xe buýt nhiều năm nay. Tôi vẫn tin tưởng và chọn xe buýt vì đối với tôi đây là loại xe an toàn, giá vé rẻ, phù hợp với người già. 

Dù nhà trong hẻm nhỏ, mỗi lần muốn đi đâu phải di chuyển ra trạm khá xa, tôi vẫn luôn đi bộ ra trạm buýt và luôn vui vì mình chọn giao thông công cộng.

Nhiều bạn bè tôi (ở Hội người cao tuổi quận Bình Thạnh, Hội cựu chiến binh...) thở than rằng họ ngán ngẩm đi xe buýt sau nhiều lần gặp tài xế, tiếp viên cư xử kém lịch sự và họ lần lượt rời bỏ xe buýt. Phần lớn chuyển sang đi taxi, xe ôm, xe công nghệ... 

Mỗi lần nghe kể vậy, tôi luôn lý giải cho họ hiểu rằng các anh chị tài xế, tiếp viên cũng áp lực lắm, nhọc nhằn lắm. Họ phải làm việc căng thẳng, áp lực giờ giấc, kẹt xe nên đôi khi khó chịu, là hành khách chúng ta cũng nên cảm thông. Và rồi chính tôi gặp nguy hiểm khi bước chân trên xe buýt xuống.

Tôi kể câu chuyện của mình không mong muốn tài xế hay tiếp viên bị xử phạt. Tôi chỉ mong rằng chúng ta hãy cư xử tốt hơn với người già, hãy trân trọng mỗi hành khách của mình. Đối với người già, người khuyết tật... hãy giúp đỡ họ lên - xuống xe, đừng vì quá vội vàng mà để xảy ra nguy hiểm cho hành khách. 

TP muốn giữ hành khách ở lại với xe buýt thì phải càng nâng cao chất lượng phục vụ trên xe buýt, hướng dẫn tài xế, tiếp viên hỗ trợ hành khách, vì sự an toàn của hành khách hơn nữa.

Xử lý nghiêm tài xế, tiếp viên ứng xử kém

Chiều 30-6, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết đã lập tức trích xuất camera xe và camera trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (nơi xảy ra sự việc) để xác minh thông tin từ bạn đọc Tuổi Trẻ.

Theo hình ảnh ghi lại có sự việc tài xế đóng cửa xe và hành khách bị kẹt tay. Đến 14h chiều 30-6, đơn vị tiến hành lập biên bản và mời tài xế xe ngày hôm đó lên làm việc. Trung tâm sẽ yêu cầu tài xế tường trình, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm khắc.

Cũng theo vị đại diện này, thời gian qua đơn vị rất nỗ lực nâng cao cơ sở vật chất, đổi mới xe, tăng thêm trang thiết bị hiện đại trên hệ thống xe buýt. Hành vi của tài xế, tiếp viên và hành khách đều được ghi hình lại.

Nhiều lớp học đào tạo đội ngũ tài xế, tiếp viên cũng được mở ra nhằm nâng cao chất lượng xe buýt, phục vụ tốt hơn để thu hút hành khách đi xe buýt. Tất cả các trường hợp tài xế, tiếp viên vi phạm quy tắc ứng xử đều bị xử lý đúng quy định.

THU DUNG ghi

Siêu thị phương Tây dành riêng giờ cho người cao tuổi Siêu thị phương Tây dành riêng giờ cho người cao tuổi

Một số siêu thị tại Mỹ, Pháp, Anh và Australia đã dành riêng khung giờ nhất định để người cao tuổi và người khuyết tật có thể mua sắm.

Bạn đọc NGUYỄN THỊ HỒNG (Bình Thạnh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên