Xe
25/09/2023 07:37 GMT+7

Vì sao xe điện Trung Quốc rẻ và châu Âu quan ngại phá giá?

Có nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại khi châu Âu xem xét khả năng trừng phạt xe điện Trung Quốc.

Trung Quốc luôn có thể tung ra các mẫu xe điện giá rẻ hơn các sản phẩm cùng phân khúc của châu Âu, với tính năng, trang bị không thua kém nhiều - Ảnh: BYD

Trung Quốc luôn có thể tung ra các mẫu xe điện giá rẻ hơn các sản phẩm cùng phân khúc của châu Âu, với tính năng, trang bị không thua kém nhiều - Ảnh: BYD

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gần đây có phần suy giảm, sau khi có thông tin về việc Ủy ban châu Âu đang xem xét áp dụng lệnh trừng phạt đối với xe điện giá rẻ, lý do quan ngại phá giá.

Nếu lệnh trừng phạt có hiệu lực, nỗ lực xuất khẩu ô tô của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ô tô đang trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước này, khi nhiều mặt hàng đang đi xuống do biến động kinh tế.

Dữ liệu hải quan cho thấy các lô hàng xe "xanh" Trung Quốc (bao gồm hybrid và thuần điện) đến Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 112% trong 7 tháng đầu năm 2023, tăng mạnh 361% so với năm 2021.

Vì sao xe Trung Quốc rẻ?

Theo trang Carscoops, một trong những lý do khiến xe Trung Quốc rẻ là vì họ sản xuất nhiều. Bill Russo, CEO công ty tư vấn Auto Mobility có trụ sở tại Thượng Hải, ước tính Trung Quốc dư thừa 10 triệu xe mỗi năm.

Xe điện Trung Quốc ngày càng xuất hiện đông đảo tại các triển lãm ô tô - Ảnh: Carscoops

Xe điện Trung Quốc ngày càng xuất hiện đông đảo tại các triển lãm ô tô - Ảnh: Carscoops

Cung dư cùng với chính phủ trợ cấp khiến Ủy ban châu Âu đánh giá xe điện Trung Quốc thường rẻ hơn 20% so với các mẫu xe tương đương do các nước EU sản xuất.

Auto News đưa tin, đến năm 2021, Trung Quốc đã ưu đãi khoảng 15 tỉ USD cho xe điện. Tháng 6-2023, Trung Quốc giới thiệu thêm nhiều khoản trợ cấp khác cho xe "xanh". Gói mới nhất trị giá 520 tỉ tệ (72 tỉ USD) dự kiến được giải ngân trong 4 năm.

Theo Công ty tư vấn AlixPartners, Trung Quốc đã chi 57 tỉ USD giai đoạn 2016-2022 cho ưu đãi.

Khoản ưu đãi khổng lồ này không chỉ kích thích các hãng nội địa, mà còn thu hút các nhà sản xuất nước ngoài. Nhiều nhà máy ô tô được xây dựng, bao gồm cả Tesla, BMW và Renault. Gần đây có thỏa thuận giữa Volkswagen và Xpeng để ra mắt những mẫu xe phù hợp với dân địa phương.

Chiếc Tesla thứ 1 triệu được sản xuất ở nhà máy Thượng Hải - Ảnh: Tesla

Chiếc Tesla thứ 1 triệu được sản xuất ở nhà máy Thượng Hải - Ảnh: Tesla

Nhờ trợ cấp, các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng lớn mạnh. CATL là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới. BYD đã vượt qua Volkswagen để trở thành thương hiệu bán chạy nhất Trung Quốc.

Một nguyên nhân khác nằm ở chính các quy định về khí thải, đề xuất cấm bán xe động cơ đốt trong và hướng tới xe điện. Những điều này thúc đẩy phát triển sản xuất ở các nhà sản xuất nói chung, bao gồm Trung Quốc.

Khi họ gặp phải rào cản lớn do vấn đề thuế quan với Mỹ, châu Âu càng trở thành thị trường quan trọng với Trung Quốc.

Châu Âu học Mỹ để cản tốc độ của Trung Quốc?

Có vẻ Ủy ban châu Âu không hài lòng với việc xe điện Trung Quốc tràn ngập khu vực. Dù ưu ái xe điện, họ vẫn muốn bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội khối.

Dưới thời Tổng thống Trump, ô tô Trung Quốc bị áp thuế 25% và vẫn áp dụng đến hôm nay. Điều này buộc một số phải xây dựng nhà máy ở Mỹ hoặc nhập khẩu xe vào Mỹ từ nơi khác. Châu Âu có thể học theo Mỹ - Ảnh: Carscoops

Dưới thời Tổng thống Trump, ô tô Trung Quốc bị áp thuế 25% và vẫn áp dụng đến hôm nay. Điều này buộc một số phải xây dựng nhà máy ở Mỹ hoặc nhập khẩu xe vào Mỹ từ nơi khác. Châu Âu có thể học theo Mỹ - Ảnh: Carscoops

Tuần trước, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ mở điều tra chống bán phá giá đối với xe điện Trung Quốc. Phán quyết sẽ được đưa ra trong vòng 13 tháng tới.

"Thị trường toàn cầu đang tràn ngập ô tô điện giá rẻ. Nhưng giá này thấp giả tạo nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu.

Không chỉ các quan chức tỏ ra lo ngại. Những nhân vật cấp cao trong ngành ô tô như CEO Stellantis Carlos Tavares cũng bày tỏ quan điểm tương tự, khi nghi ngờ về khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô truyền thống trước các thương hiệu được trợ cấp.

Tranh chấp thương mại có thể dẫn đến đau đớn cho cả hai bên, nên bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng cần được xem xét kỹ - Ảnh: Carscoops

Tranh chấp thương mại có thể dẫn đến đau đớn cho cả hai bên, nên bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng cần được xem xét kỹ - Ảnh: Carscoops

Một vấn đề mà EU cần cân nhắc là dù muốn chống "bán phá giá", có khả năng Trung Quốc sẽ trả đũa. Reuters đưa tin Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo khi gọi cuộc điều tra là “hành động bảo hộ trắng trợn sẽ làm gián đoạn và bóp méo nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả EU, và sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và EU".

Trung Quốc là thị trường lớn của nhiều thương hiệu châu Âu. Do đó, EU sẽ phải cân nhắc cẩn thận để không đẩy các nhà sản xuất ô tô phương Tây rơi vào vòng xoáy không mong muốn.

Triển lãm ô tô lớn nhất nước Đức thành sân khấu của xe Trung QuốcTriển lãm ô tô lớn nhất nước Đức thành sân khấu của xe Trung Quốc

Xe Trung Quốc đổ bộ vào triển lãm ô tô hàng đầu châu Âu với số lượng lớn đến mức giới truyền thông đặt câu hỏi rốt cuộc đây có còn là sân khấu của các hãng xe Đức nữa không.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên