Theo tạp chí The Conversation, các nhà thiên văn học ước tính có khoảng 200.000 tỉ tỉ ngôi sao quan sát được trong vũ trụ. Và nhiều ngôi sao trong số đó sáng bằng hoặc thậm chí sáng hơn Mặt trời của chúng ta.
Vậy tại sao vũ trụ không tràn ngập ánh sáng rực rỡ?
Có nhiều câu trả lời cho rằng rất nhiều ngôi sao trong vũ trụ ở rất xa Trái đất. Tất nhiên, đúng là một ngôi sao càng ở xa trông càng kém sáng. Một ngôi sao ở xa hơn 10 lần sẽ trông mờ hơn 100 lần.
Nhưng nhà thiên văn học Brian Jackson tại Đại học Boise State, bang Idaho (Mỹ) nói sự việc phức tạp hơn.
Theo ông, vũ trụ của chúng ta chỉ khoảng 13 tỉ năm tuổi.
Mặc dù đó là một khoảng thời gian dài đáng kinh ngạc xét theo khía cạnh tuổi con người, nhưng lại rất ngắn xét theo khía cạnh thiên văn học.
Số tuổi vũ trụ đủ ngắn để ánh sáng từ những ngôi sao ở xa hơn khoảng 13 tỉ năm ánh sáng chưa thực sự đến được Trái đất.
Và con người trên Trái đất chỉ có thể nhìn thấy các ngôi sao cách Trái đất khoảng 13 tỉ năm ánh sáng trở xuống.
Do đó, nếu nhìn vào một số hướng trên bầu trời, chúng ta có thể thấy các ngôi sao. Nhưng nếu nhìn vào những nơi khác của bầu trời, chúng ta không thể thấy bất kỳ ngôi sao nào.
Và, trong những điểm tối đó, những ngôi sao có thể ở rất xa, vì ánh sáng của chúng không thể tới được Trái đất.
Ngoài ra, điều quan trọng là vũ trụ đang giãn nở. Những thiên hà xa xôi nhất đang ngày càng di chuyển ra khỏi tầm nhìn của con người trên Trái đất, với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.
Vì các thiên hà đang di chuyển ra xa quá nhanh, nên ánh sáng từ các ngôi sao của chúng bị đẩy sang những màu sắc mà mắt người không thể nhìn thấy. Hiệu ứng này được gọi là sự dịch chuyển Doppler.
Cuối cùng, tất cả các ngôi sao trong vũ trụ sẽ cháy hết. Những ngôi sao như Mặt trời chỉ tồn tại được khoảng 10 tỉ năm.
Các nhà thiên văn học đưa ra giả thuyết rằng trong tương lai xa, khoảng 1.000 tỉ năm nữa, vũ trụ sẽ trở nên tối tăm, chỉ có những tàn tích của sao như sao lùn trắng và lỗ đen sinh sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận