20/05/2019 15:12 GMT+7

Vì sao vốn ODA ngày càng đắt đỏ?

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Đội vốn hàng ngàn tỉ, trả lương chuyên gia nước ngoài cao, kiểm soát tỉ giá không tốt, chọn phương thức thanh toán bất lợi, tính thuế sai quy định... đã biến nhiều dự án vay vốn ưu đãi ODA trở nên đắt đỏ.

Vì sao vốn ODA ngày càng đắt đỏ? - Ảnh 1.

Có quá nhiều bất lợi trong điều khoản vay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: CHÍ TUỆ

Đội vốn hàng trăm nghìn tỉ

Kết quả kiểm toán năm 2018 được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy hàng loạt dự án điều chỉnh quy mô, tăng vốn đầu tư từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt.

Trong số 42 dự án sử dụng vốn vay ODA của Bộ GTVT có tới 27 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư 122.352 tỉ đồng và 97,27 triệu USD.

Đáng lưu ý dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM điều chỉnh tăng vốn đầu tư tới 3 lần, tăng 6.812 tỉ đồng, tương đương 275,61% so với tổng vốn ban đầu được duyệt.

Dự án thành phần 1, 2, 3 thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL điều chỉnh tăng vốn 3.000 tỉ đồng.

Dự án Thủy điện Huội Quảng điều chỉnh 2 lần, tăng vốn 5.768 tỉ đồng hay dự án metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng vốn 29.937 tỉ đồng…

Vì sao vốn ODA ngày càng đắt đỏ? - Ảnh 2.

Cầu Vĩnh Thịnh sử dụng nguồn vay ODA Hàn Quốc - Ảnh: Tư liệu

Hợp đồng vay ODA bất lợi

Nguyên nhân đội vốn của các dự án ODA được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là do việc đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài.

Chẳng hạn, dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc.

Một số dự án ODA thanh toán các hạng mục, thiết bị trong nước bằng ngoại tệ làm tăng chi phí như dự án tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Hiệp định vay từ nguồn EDCF quy định thanh toán phần nội tệ bằng đồng Won làm tăng giá trị vay 2.753 triệu Won. Dự án cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2 tăng 703 triệu Won.

Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 toàn bộ phần thiết bị thi công được đề xuất thanh toán bằng đồng ngoại tệ (USD), không đúng quy định của hiệp định vay vốn và hồ sơ mời thầu dẫn đến việc thanh toán bằng ngoại tệ cho các thiết bị thi công được cung cấp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng vay vốn ODA có điều khoản bất lợi trong hợp đồng như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có điều khoản cho phép nhà thầu đưa ra yêu cầu về chi phí khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, chấp thuận đơn giá nếu phải gia hạn tiến độ; ấn định khoản chi phí gián tiếp là 29% cho các hạng mục phát sinh; chưa xem xét điều chỉnh các đơn giá dự thầu cao bất thường; chi phí Tư vấn chung cao hơn mức trần theo hướng dẫn của JICA.

Vì sao vốn ODA ngày càng đắt đỏ? - Ảnh 3.

Lương tư vấn nước ngoài tại dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cao gấp 8,5 lần tư vấn trong nước - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tư vấn nước ngoài lương 20.000 - 25.000 USD/tháng

Theo Kiểm toán Nhà nước đến nay chưa có các quy định cụ thể về mức lương, nhu cầu, mức độ cần thiết trong việc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài, trong khi chi phí này rất lớn

Cụ thể, các chuyên gia tư vấn thiết kế nước ngoài được trả từ 20.000-25.000USD/tháng, chuyên gia trong nước trung bình 2.000USD/tháng.

Tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn chỉ định mà phía Việt Nam không thể thay thế.

So với tư vấn trong nước, dự án đầu tư tuyến đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sử dụng tư vấn nước ngoài với chi phí gấp 8,5 lần.

Dự án cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C cao gấp 7,8 lần; dự án Vramp gấp 7 lần; dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 gấp 10 lần; dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi gấp 11 lần...

Hầu hết các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đều được các nhà tài trợ đánh giá hiệu quả sau khi hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng các dự án ODA cho thấy hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa xứng với nguồn lực đầu tư.

Lương tư vấn các dự án ODA Nhật: 700 triệu/người/tháng

TTO - Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về chuẩn bị thẩm định các dự án vốn vay ODA Nhật Bản tài khóa 2018.


BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên