Đại diện Vinasun (trái) và đại diện Grab (phải) tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Sáng 26-12, phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam () và bị đơn Công ty TNHH (Grab) tiếp tục phần xét hỏi.
Trước đó, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa để hai bên hòa giải, tuy nhiên đến nay HĐXX vẫn chưa nhận được văn bản ghi nhận hòa giải thành của các bên.
Thời gian tạm ngừng phiên tòa không quá 1 tháng nên HĐXX ra quyết định mở lại phiên tòa vào hôm nay, 26-12.
Tại phiên tòa, đại diện Vinasun cho biết việc tạm ngừng phiên tòa vừa qua là do phía Grab chủ động hòa giải chứ không phải xuất phát từ mong muốn của nguyên đơn. Song, phía Vinasun vẫn bày tỏ thiện chí và đồng ý hòa giải với Grab.
Tuy nhiên, sau khi tạm ngừng phiên tòa, hai bên đã gặp nhau nhưng không hòa giải được.
Tại phiên tòa, phía Grab vẫn bày tỏ mong muốn hòa giải.
"Nếu nguyên đơn muốn hòa giải, chúng tôi sẽ tiếp tục hòa giải" - đại diện Grab cho biết.
Trước ý kiến này, Vinasun vẫn bảo lưu quan điểm, yêu cầu tiếp tục xét xử vụ án. Vinasun cho rằng các yêu cầu Grab đưa ra không đúng với mong muốn của Vinasun nên công ty không đồng ý hòa giải nữa.
Theo phương án hòa giải mới đây giữa Vinasun và Grab, Grab đã đưa ra một số giải pháp về mặt thương mại như Grab sẽ chịu lỗ mua lại cổ phiếu của nguyên đơn, với giá chênh lệch hơn 60 tỉ đồng.
Lý giải lý do không đồng ý với phương án này, Vinasun cho rằng dù Grab mua cổ phiếu hay gì nữa nhưng không liên quan đến vụ án thì Vinasun vẫn không chấp nhận.
"Mục đích của Vinasun là làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Grab, mối quan hệ nhân quả của hành vi này với thiệt hại… Vì vậy, nếu Grab đồng ý trả 41,2 tỉ chúng tôi cũng không đồng ý" - ông Trương Đình Quý, phó tổng giám đốc Vinasun, khẳng định.
Còn phía Grab cho rằng Grab muốn cả 2 phía tập trung vào kinh doanh, không phải theo đuổi vụ kiện kéo dài như thế này. Grab cho rằng mua cổ phiếu Vinasun là 1 hoạt động đầu tư.
"Tuy nhiên, từ trình bày của Vinasun, chúng tôi cho rằng Vinasun dựa vào vụ kiện này để tác động đến nghị định 86… Vậy vấn đề đặt ra là việc này có thuộc thẩm quyền của tòa án hay không, mục đích của Vinasun không phải là thương mại" - đại diện Grab nói.
Theo nội dung vụ án, Vinasun cho rằng Grab lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi.
Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng trên thực tế đơn vị này cung cấp dịch vụ vận tải và hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Đặc biệt, Grab còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun.
Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Vinasun đã bị thiệt hại gần 76 tỉ đồng, trong đó do Grab gây ra gần 42 tỉ đồng. Do đó, phía Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường số tiền này.
Phía Grab cho rằng họ có vi phạm pháp luật hay không, có làm đúng đề án 24 hay không... thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Bị đơn cũng phản bác quan điểm cho rằng Grab vi phạm về cạnh tranh, khuyến mại tràn lan… bởi nếu có, Bộ Công thương đã phạt họ.
Đối với số tiền thiệt hại Vinasun yêu cầu bồi thường, Grab cho rằng nguyên đơn dựa trên báo cáo nghiên cứu thị trường chưa được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận nên không được coi là căn cứ để xác định thiệt hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận