Xoay xở đủ cách, Vietnam Airlines vẫn lỗ hơn 10.000 tỉ đồng vì COVID-19 - Ảnh: VNA
Tại buổi công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, ông Trần Thanh Hiền - trưởng ban tài chính kế toán Vietnam Airlines - cho biết hết tháng 9-2020, doanh thu của Vietnam Airlines đạt 23.948 tỉ đồng gần (bằng 41,7% năm trước) và lỗ 10.750 tỉ (bằng 70,8 kế hoạch lỗ năm 2020), trong đó mức lỗ của công ty mẹ là hơn 8.700 tỉ đồng.
Trong khi đó, gói hỗ trợ mà Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ thực hiện với tư cách sở hữu 86% vốn nhà nước của hãng này vẫn chưa được thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay Vietnam Airlines "chưa hết tiền hoạt động" vào tháng 8-200 như kịch bản công bố vào tháng 6-2020 như kịch bản trước đó, theo ông Hiền là do hãng này xoay xở nhiều giải pháp để có dòng tiền hoạt động.
Cụ thể, trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2-2020 dịch COVID-19 ảnh hưởng thực sự đến hàng không nên hãng này vẫn có lợi nhuận. Nhưng đến tháng 6 doanh thu của hãng chỉ đạt được trên 20.000 tỉ đồng, tương đương 53% so với cùng kỳ năm trước. Mức lỗ hợp nhất 6.500 tỉ đồng, công ty mẹ lỗ 5.111 tỉ đồng.
Ông Hiền lý giải mức dự trữ tiền của một hãng hàng không chỉ đủ nuôi hãng đó bình quân 2,5 tháng.
Với Vietnam Airlines số tiền ở tài khoản trong thời gian 2,5 tháng là từ 20 đến 25.000 tỉ đồng. Thời điểm tháng 6-2020, Vietnam Airlines chỉ còn 2.695 tỉ đồng và dự kiến tháng 8-2020 hết tiền nếu không có những giải pháp hỗ trợ.
Sở dĩ Vietnam Airlines vẫn còn tiền hoạt động đến nay vì ngoài sự hồi phục của thị trường nội địa trong tháng 7 và tháng 9-2020 là hãng này tiếp tục vay ngắn hạn, giãn thanh toán với các đối tác nên có 8.000 tỉ đồng.
"Đến hết tháng 9-2020, hãng còn 1.938 tỉ đồng nhưng từ tiền vay ngân hàng tăng và giãn nợ quá hạn. Nếu không tiếp cận được vốn vay và giãn nợ thì hết tiền từ lâu rồi" - ông Hiền cho biết.
Để "sống sót" đến nay, Vietnam Airlines đã cắt giảm triệt để chi phí hoạt động, tiết giảm được 5.335 tỉ đồng.
"Trong đó, quyết định khó khăn nhất là cắt giảm lương, đồng thời đàm phán với ngân hàng để tái cơ cấu các khoản vay, tăng thêm hạn mức cho vay ngắn hạn và lùi hạn trả nợ các khoản vay dài hạn với ngân hàng trong nước, đối tác nước ngoài...
Đến hết tháng 9-2020, nợ đến hạn phải trả nhưng được gia hạn là 4.260 tỉ đồng, số này sẽ tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm, đạt khoảng 6.000 tỉ đồng. Để đảm bảo thanh khoản, sống sót vượt khó không chỉ là nỗ lực của Vietnam Airlines mà cả sự hỗ trợ của đối tác, bạn hàng và chính sách về thuế, phí của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua" - ông Hiền cho biết.
"Nhưng đến lúc vay cũng không được vì có hạn mức nhất định. Ngoài những khoản nợ được giãn, có những khoản nợ buộc phải đơn phương chưa trả trong thời điểm này dù tiềm ẩn những rủi ro pháp lý. Nhưng các hãng hàng không cũng không có cách nào khác được, chừng nào chưa có được tín hiệu, giải pháp căn cơ để sống dài hơn thì buộc phải làm như vậy vì không thể để số dư tài khoản doanh nghiệp bằng 0" - ông Hiền bộc bạch.
Ồng Hiền cho biết vào thời điểm này những người quản trị của Vietnam Airlines "chưa bao giờ nghĩ đến việc hãng phá sản" mặc dù nhiều hãng hàng không đã hết tiền và tìm cách sống sót như bán tài sản là các doanh nghiệp trực thuộc như bảo dưỡng, suất ăn, trụ sở... rồi thuê lại.
Cùng với việc tiếp tục triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu để có dòng tiền cho hoạt động, Vietnam Airlines tận dụng mọi cơ hội từ bay từ hồi hương, chở hàng, bay quốc tế thường lệ để có dòng tiền hoạt động.
Về kiến nghị Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu chiếm 86% vốn nhà nước tại Vietnam Airlines cho hãng vay tối thiểu 4.000 tỉ đồng, tối đa 12.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi mức thấp nhất, ông Hiền cho biết đến nay hãng đã có 14 báo cáo cập nhật tình hình, kiến nghị với cơ quan nhà nước.
Vietnam Airlines tin Chính phủ với tư cách sở hữu 86% vốn nhà nước tại hãng sẽ có hỗ trợ nhưng cần nhiều trình tự thủ tục phù hợp với khuôn khổ pháp lý và trình tự thực thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận