
Nguồn: Sky News - Dữ liệu: THANH BÌNH - Trình bày: T.ĐẠT
"Hôm nay, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky đã báo cáo về tình hình tại tiền tuyến, gồm cả sự hiện diện của chúng tôi tại tỉnh Kursk và Belgorod (của Nga). Chúng tôi tiếp tục tác chiến chủ động trên lãnh thổ đối phương ở các khu vực biên giới. Điều này hoàn toàn chính đáng, chiến tranh phải quay trở về nơi nó bắt đầu", ông Zelensky phát biểu hôm 7-4.
Vì sao là Belgorod?
Belgorod là vùng giáp biên giới Ukraine của Nga, với dân số khoảng 1,5 triệu người, thường xuyên là mục tiêu trong các đợt không kích từ Ukraine. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau hơn ba năm xung đột, ông Zelensky đề cập rõ ràng đến sự hiện diện của quân Ukraine tại đây.
Trên bản đồ, Belgorod giáp với cả vùng Sumy và Kharkov của Ukraine ở phía tây và phía nam, cũng như giáp với vùng Kursk (Nga) ở phía bắc. Ông Zelensky và các quan chức Ukraine khác từng giải thích cuộc xâm nhập vào Kursk và các vùng lãnh thổ khác của Nga nhằm mục đích làm phân tán các lực lượng Nga đang tấn công Sumy và Kharkov.
Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh, tại Belgorod, các lực lượng Ukraine đã vượt biên giới vào ngày 18-3 và tiến vào làng Demidovka, sau đó di chuyển vào ba khu định cư khác gần biên giới. Quân đội Nga thừa nhận đã phải đối mặt với các cuộc tấn công trên bộ của Ukraine tại vùng Belgorod hồi tháng 3, vào thời điểm mà lực lượng Ukraine đang chịu áp lực lớn tại vùng Kursk.
Cách đây khoảng 10 ngày, vào hôm 28-3, báo New York Times đưa tin về việc quân đội Ukraine "những ngày gần đây" đã xâm nhập Belgorod. Theo blog quân sự DeepState, các binh sĩ Ukraine đã kiểm soát một khu vực rộng 13km² gần làng biên giới Demidovka.
Cuộc xâm nhập của Ukraine tại Belgorod hiện đi kèm với rủi ro khi lực lượng Ukraine đang bị căng mỏng dọc theo chiến tuyến rộng lớn. Các nhà phân tích quân sự nhận định đây có thể là một phần nỗ lực kéo giãn lực lượng Nga ra khỏi vùng Kursk để giảm bớt sức ép tại đó. Họ cũng cho rằng việc kiểm soát thêm lãnh thổ Nga có thể mang lại thêm đòn bẩy ngoại giao cho Kiev.
Ông Andriy Kovalenko, một quan chức cấp cao Ukraine, cho biết các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn nhằm bảo vệ Ukraine trước cuộc tấn công từ Nga, và điều đó bao gồm "việc phá hủy các điểm tập trung
của đối phương trên lãnh thổ vùng Belgorod, bởi đối phương định sử dụng các điểm tập trung này nhắm vào lãnh thổ của chúng tôi".
Các blogger quân sự Nga, gồm cả nhà phân tích nổi tiếng Valery Shiryaev, cho biết Ukraine đã sử dụng xe bọc thép vượt biên giới, và để đáp trả, Nga đã triển khai các tiểu đoàn Chechnya, lính chính quy và bộ binh.
Các nhà phân tích quân sự đánh giá cuộc xâm nhập này dường như có quy mô hạn chế hơn so với chiến dịch ở Kursk, và cho đến nay chỉ giành được một dải lãnh thổ hẹp. Hiện chưa rõ số lượng binh sĩ tham gia cũng như mức độ phản ứng của phía Nga.
"Ngừng bắn" nhưng vẫn bắn
Cả Nga và Ukraine đều đang cố gắng bảo vệ và củng cố các vị trí của mình - cả trên chiến trường và ngoại giao - trước khi các cuộc đàm phán tiếp theo do Mỹ làm trung gian bắt đầu.
Sự ngờ vực sâu sắc giữa hai nước vẫn dai dẳng. Dù hai bên, thông qua Mỹ, đã đồng ý về mặt nguyên tắc tạm thời ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng nhưng vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Tại Biển Đen, đến nay vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận ngừng bắn có thực sự được thực thi hay không. Ở những nơi khác, Nga và Ukraine vẫn đang tố nhau bắn phá. Ukraine cho biết cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tối 4-4 của Nga vào thành phố Kryvyi Rih, quê nhà của ông Zelensky, đến nay đã khiến ít nhất 20 người chết và 75 người bị thương.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy nhiều người Ukraine đang dần mất niềm tin vào các cuộc đàm phán hòa bình. Họ cho rằng với nỗ lực mang lại hòa bình của ông Trump, Ukraine có thể sẽ phải đón nhận một thỏa thuận hòa bình không công bằng. Những lo ngại này gia tăng khi chính quyền ông Trump từ bỏ một số đòn bẩy mạnh nhất của mình, chẳng hạn bình thường hóa quan hệ với Nga.
"Chúng ta đã chứng kiến Tổng thống Trump cùng các quan chức khác trong Chính phủ Mỹ thường xuyên và công khai đưa ra những nhượng bộ. Đó vốn không phải là điều người ta thường làm trong quá trình chuẩn bị đàm phán. Đó là sự khác biệt rất lớn so với những gì chúng ta nghe được từ phía Nga", ông Thomas Greminger, giám đốc Trung tâm Chính sách an ninh Geneva, nhận xét.
Đoàn đàm phán Mỹ lép vế trước Nga?
Theo báo Washington Post (Mỹ), giới quan sát cho rằng phái đoàn đàm phán của Mỹ hoàn toàn không phải là đối thủ của những quan chức Nga kỳ cựu - những người có hàng chục năm kinh nghiệm thương lượng từ thời Liên Xô và am hiểu sâu sắc về Ukraine.
Ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie về Nga và Á - Âu, chỉ ra đội đàm phán của Mỹ hiện không có những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về Nga, trong khi đặc phái viên chính của ông Trump về Nga, ông Steve Witkoff, chỉ là một nhà phát triển bất động sản. "Với người Nga, đây là một đội khá dễ đối phó, và họ rõ ràng đang lấn át các đối tác Mỹ", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận